Hà Nội: Sẽ quy định việc học sinh sử dụng Facebook và điện thoại

(Dân trí) - Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, đơn vị này đang dự kiến xây dựng quy định về việc học sinh sử dụng điện thoại và facebook trong trường học sao cho hợp lý.

Trao đổi với PV sáng 3/4, ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, đơn vị này đang dự kiến xây dựng quy định việc sử dụng điện thoại và facebook trong trường học.

Theo ông Tiến, điện thoại là nhu cầu thiết yếu của học sinh và phụ huynh để liên lạc với nhau. Tuy nhiên, cần phải có quy định chặt chẽ hơn về thời gian cũng như cách thức gửi, sử dụng phương tiện liên lạc này trong lớp học.

Cụ thể, có thể cho phép học sinh sử dụng điện thoại vào đầu, cuối giờ hoặc giờ ra chơi. Trong thời gian học, tuyệt đối cấm các em sử dụng điện thoại để tránh phân tâm khi giáo viên giảng bài.

Cũng có thể ở các lớp sẽ có một chiếc tủ con để giữ điện thoại. Khi đến lớp, các em có thể cất điện thoại vào tủ và cuối giờ nhận lại. Quy định cũng sẽ đề ra hình thức kỉ luật nếu học sinh vi phạm.


Có thể cho phép học sinh sử dụng điện thoại vào đầu, cuối giờ hoặc giờ ra chơi. (Ảnh minh họa)

Có thể cho phép học sinh sử dụng điện thoại vào đầu, cuối giờ hoặc giờ ra chơi. (Ảnh minh họa)

Về việc học sinh sử dụng face book, theo ông Tiến, Sở GD&ĐT sẽ không cấm học sinh sử dụng facebook vì đó là quyền cá nhân của mỗi em.

Tuy nhiên, có thể có một số hạn chế. Chẳng hạn, có thể đưa ra quy định, các em không được chửi bới bạn bè, nói xấu người khác trên trang cá nhân, không chia sẻ các bài viết không phù hợp thuần phong mỹ tục…

“Các em có thể sử dụng trang thông tin cá nhân để chia sẻ các bài học hay, các kinh nghiệm tốt để phục vụ học tập. Thời gian qua, đã có nhiều vụ việc các em nói xấu nhau trên facebook dẫn đến xô xát, làm ảnh hưởng đến học tập”, ông Tiến cho biết.

Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Tiến cho biết, dự kiến đây sẽ là các quy định, được đưa vào bộ quy tắc ứng xử trong nhà trường: “Từ trước đến nay, nhiều trường học trên địa bàn đã có các quy định riêng rẽ liên quan đến giáo viên và học sinh sử dụng điện thoại và facebook. Do đó, Sở sẽ có các quy định thống nhất trên địa bàn”.

Được biết, một số vụ học sinh xô xát gần đây phần lớn có liên quan đến việc nói xấu nhau qua facebook. Do đó nhiều trường học tại Hà Nội quy định rất nghiêm ngặt học sinh sử dụng điện thoại di động hoặc sử dụng facebook.

Học sinh Hà Nội vừa đi xe máy điện vừa sử dụng điện thoại rất nguy hiểm (Ảnh: Nguyễn Dương)
Học sinh Hà Nội vừa đi xe máy điện vừa sử dụng điện thoại rất nguy hiểm (Ảnh: Nguyễn Dương)

Chẳng hạn Trường Ban Mai quy định, học sinh được sử dụng điện thoại trước 8h sáng và sau 16h30 chiều. Trong giờ học, điện thoại phải được gửi tới giáo viên theo quy trình: Đầu giờ lên lớp học sinh tắt điện thoại và các thiết bị công nghệ để gửi cho giáo viên. Giáo viên viết vào sổ giao nhận, niêm phong số điện thoại. Khi ra về, học sinh nào nhận lại điện thoại sẽ kí vào sổ.

Tại Trường Lương Thế Vinh, việc sử dụng điện thoại và đăng tải facebook được quy định rõ.

Cụ thể, nhà trường yêu cầu học sinh tắt máy điện thoại di động trước khi vào trường và chỉ được bật máy khi ra khỏi cổng trường. Không mang máy nghe nhạc, máy chơi điện tử đến trường. Tuyệt đối không dùng facebook để nói xấu bất cứ ai. Chỉ like Status khi đã đọc kỹ nội dung của nó. Nếu like những status có nội dung xấu, chủ nhân facebook sẽ bị quy trách nhiệm.

“Tuyệt đối, không được để bạn bè hiểu lầm khi đọc status. Bởi vậy viết status phải rõ ràng. Mọi việc đều có hai mặt. Facebook là mạng chia sẻ, vui buồn đều có thể sẻ chia. Tuy nhiên, việc chia sẻ này làm như thế nào là đúng tùy thuộc vào sự thông minh, hiểu biết của mỗi người.

Facebook cũng là nơi thể hiện được sự văn hóa của mỗi cá nhân, bởi vậy nên cân nhắc kỹ trước khi lên like vào một comment nào đó, hoặc viết status thể hiện tâm trạng của bản thân”, ban giám hiệu Trường Lương Thế Vinh quy định.

Mỹ Hà