Hạ điểm chuẩn: Bất công!

Để thu hút thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển trong các đợt xét tuyển bổ sung, nhiều trường đã hạ điểm nhận hồ sơ với mức điểm thấp hơn nguyện vọng 1 từ 2-3 điểm

Với lượng thí sinh ảo nhiều hơn dự kiến, nhiều trường thậm chí chỉ tuyển được khoảng hơn 50% chỉ tiêu trong đợt xét tuyển nguyện vong (NV) 1. Đến ngày 26-8, cả nước có 159 trường ĐH tuyển sinh NV bổ sung với hàng ngàn chỉ tiêu. Trong đó rất nhiều trường hạ điểm nhận hồ sơ xét tuyển.

Hụt hẫng vì… trúng tuyển

Điều này đã khiến không ít người đặt câu hỏi, liệu việc hạ điểm xét tuyển trong đợt xét tuyển bổ sung này có công bằng đối với các thí sinh đã trúng tuyển NV2 của kỳ đăng ký xét tuyển đợt 1 hay không?

Làm thủ tục xét tuyển nguyện vọng bổ sung. (Ảnh: Tấn Thạnh)
Làm thủ tục xét tuyển nguyện vọng bổ sung. (Ảnh: Tấn Thạnh)

Trên thực tế, trong kỳ đăng ký xét tuyển đợt 1, mỗi thí sinh được phép nộp 2 NV vào 2 trường. Theo tâm lý chung, các em sẽ nộp NV1 vào trường ĐH mà bản thân yêu thích và nộp NV2 vào trường có điểm chuẩn thấp hơn để bảo đảm khả năng đỗ ĐH. Kết thúc thời gian xét tuyển, rất nhiều em được thông báo trượt ngành mình đăng ký NV1 nhưng đủ điểm đỗ vào ngành còn lại. Nhiều thí sinh đã nộp giấy chứng nhận kết quả thi vào ngành đã đỗ để xác nhận việc nhập học. Nhưng ngay sau đó, những ngành các em đã trượt lại thông báo... tuyển bổ sung với mức điểm thấp hơn điểm các em đạt được.

Chính vì vậy, nhiều em dù đỗ ở đợt xét tuyển đầu tiên nhưng không phải là NV chính của các em. Đó cũng là nguyên nhân khiến nhiều thí sinh và người nhà đến các trường đã đỗ trong đợt 1 để nộp hồ sơ vào các trường quân đội, thậm chí có thí sinh còn tuyên bố nếu không cho thí sinh này rút hồ sơ thì em cũng không nhập học ở trường vừa đỗ vì không yêu thích trường này. Việc không được rút hồ sơ đã khiến nhiều thí sinh cảm thấy rất tiếc và hụt hẫng vì đã không vào học được ở trường mục tiêu ban đầu.

Trước tình trạng nhiều thí sinh đến các hội đồng tuyển sinh một số trường ĐH để xin được rút hồ sơ đã nộp và chuyển sang trường khác trong đợt xét tuyển bổ sung, ông Trần Văn Nghĩa - Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) - khẳng định không một thí sinh nào đã trúng tuyển NV1 có thể rút hồ sơ để nhập học chỗ khác vì hệ thống tự động đã khóa mã.

Lấp chỉ tiêu, hạ chất lượng

Trong khi không ít thí sinh cảm thấy không công bằng với mình thì chính các trường cũng khó khăn vì chất lượng tuyển sinh không được như kỳ vọng. Dù có chuyên gia đặt vấn đề mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung thấp không có nghĩa là điểm trúng tuyển thấp thì với kinh nghiệm làm tuyển sinh lâu năm, ông Lê Hữu Lập, nguyên Phó Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông, lại cho rằng nguồn tuyển của đợt xét tuyển bổ sung năm nay đã cạn và rất khó để các trường có thể tuyển sinh với điểm cao hơn.

Ông Lập cũng cho rằng việc Bộ GD-ĐT đồng ý để các trường hạ mức điểm xét tuyển chỉ có thể giúp các trường lấp đầy chỉ tiêu tuyển sinh chứ không thể nâng được chất lượng nguồn tuyển. Chuyên gia này phân tích nếu điểm chuẩn đợt xét tuyển bổ sung quá thấp, chênh đến 2-3 điểm so với điểm chuẩn đợt 1 thì sẽ hình thành 2 mặt bằng trình độ khác nhau của sinh viên trong cùng một ngành học, đồng thời ảnh hưởng đến thương hiệu và chất lượng đào tạo của trường. Đó là chưa kể tỉ lệ ảo của đợt bổ sung này rất lớn, do thí sinh được đăng ký cùng lúc 3 trường, mỗi trường 2 NV chứ không chỉ đăng ký vào 2 trường như đợt 1 nên việc xét tuyển NV bổ sung sẽ rất gian nan.

Ông Nguyễn Đức Hinh, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, ghi nhận Bộ GD-ĐT đã tạo điều kiện cho các trường thuận lợi hơn trong tuyển sinh bằng cách điều chỉnh mức điểm nhận hồ sơ, tuy nhiên rõ ràng ở đây có sự bất cập với thí sinh. Chỉ trong vòng 2 tuần mà thí sinh đã phân thành 2 nhóm, chênh đến 2-3 điểm. Cũng theo ông Hinh, trong đào tạo, sự chênh nhau 2-3 điểm là tương đối có ý nghĩa và sẽ hình thành 2 nhóm quần thể. “Tôi có thể nói trong nhiều năm khi làm đào tạo thì nhóm 27 điểm với nhóm 24 điểm có khác biệt trên mọi phương diện. Từ xưa đến nay, ở Trường ĐH Y Hà Nội, các sinh viên học ở các nhóm ngành khác nhau. Trường hợp trong cùng một ngành có nhóm cao, nhóm thấp chênh nhau 2-3 điểm thì chúng tôi chưa có trải nghiệm về đào tạo” - ông Hinh cho biết.

Ông Nguyễn Phong Điền, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cũng bày tỏ sự lo lắng về chất lượng sinh viên nếu các trường hạ điểm chuẩn xuống quá sâu, khoảng 2-3. “Trong một lớp mà một nửa số thí sinh đạt điểm 22 trở lên trúng tuyển theo học nhưng nửa còn lại trúng tuyển bổ sung với số điểm 19, 20 thì chắc chắn mặt bằng đào tạo chung sẽ không đồng đều” - ông Điền nói.

Không thay đổi nguyện vọng

Theo ông Trần Văn Nghĩa, hệ thống tự động của phần mềm xét tuyển đã chốt danh sách nên không thể thực hiện bất cứ thao tác gì khi thí sinh muốn rút hồ sơ ra để nộp vào trường khác. Bộ GD-ĐT đã quy định thí sinh không được thay đổi NV, rút hồ sơ nhập học trong đợt xét tuyển ĐH năm nay.

Theo Yến Anh

Người Lao Động