GS Trần Thanh Vân - người châu Á thứ ba nhận Huy chương Tate

Trước Trần Thanh Vân, chỉ mới có hai người châu Á được nhận Huy chương này là Abdus Salam (1978, gốc Pakistan) và Yu Lu (Lục Vũ, CHND Trung Hoa, 2007).

Theo tin từ Mỹ, đầu tháng 4/2012, tại Hội nghị Hội Vật lý Mỹ ở Atlanta, bang Georgia, đã diễn ra lễ trọng thể trao tặng Huy chương Tate (Tate Medal) năm 2011, cho GS Jean Trần Thanh Vân, nhà vật lý nổi tiếng người Pháp gốc Việt.

 

Huy chương Tate là sự vinh danh của Viện Vật lý Mỹ dành cho những người có công lao to lớn trong việc tổ chức và lãnh đạo các hoạt động vật lý trên quy mô quốc tế. Ngoài tấm huy chương mang chân dung John Torrence Tate, còn có Bằng Chứng nhận và số tiền 10 nghìn USD (tương đương hơn 200 triệu đồng Việt Nam).

 

Huy chương Tate được lập ra vào năm 1959, ưu tiên dành tặng những nhà vật lý không mang quốc tịch Mỹ, được trao lần đầu (năm 1961) cho Paul Rosbaud, nhà vật lý người Áo đã có những hoạt động âm thầm đầy hiệu quả chống chủ nghĩa quốc xã Hitler. Những năm tiếp đó, lần lượt được tặng Huy chương Tate là các nhà vật lý: H. W. Thompson (1966), Gilberto Bernardini (1972), Abdus Salam (1978), Pierre Aigrain (1981), Edoardo Amaldi (1989), Roald Sagdeev (1992), Willibald Jentschke (1996), Herwig Franz Schopper (2003), Erio Tosatti (2005), Yu Lu (tức Lục Vũ, 2007), Gustave-Adolf Voss (2009), và Jean Trần Thanh Vân (2011).
 
GS Trần Thanh Vân - người châu Á thứ ba nhận Huy chương Tate
Huy chương Tate.

 

Trong nhiều thập niên của thế kỷ 20 và những năm đầu thế kỷ 21, Mỹ luôn là quốc gia có nhiều nhất các nhà vật lý đoạt Giải thưởng Nobel, ngành vật lý Mỹ luôn giữ vị trí tiên phong trên thế giới. Vì vậy, Huy chương Tate là sự đánh giá mang ý nghĩa quốc tế đối với những ai được trao tặng. Khác với Giải thưởng Nobel dành để tặng những nhà vật lý có phát minh lớn, mở đường, Huy chương Tate dành để tặng những nhà vật lý đóng vai trò xuất sắc trong các hoạt động tổ chức và lãnh đạo ngành khoa học ấy.

 

Xem xét kỹ bản danh sách 13 nhà vật lý đã được tặng Huy chương Tate từ năm 1961 đến nay, ta thấy trong hơn nửa thế kỷ qua, chỉ mới có ba người châu Á được nhận vinh dự quốc tế ấy: Abdus Salam, Lục Vũ, và Jean Trần Thanh Vân.

 

Abdus Salam sinh năm 1926 tại Jhang, Pakistan, bảo vệ luận án tiến sĩ vật lý lý thuyết tại Đại học Cambridge, Vương quốc Anh, năm 26 tuổi. Ông là người sáng lập Trung tâm Quốc tế Vật lý lý thuyết (ICTP) ở Trieste, Italy năm 1964 và làm Chủ tịch Trung tâm này cho đến khi qua đời vào năm 1996. Từ 1985, ông còn được bầu làm Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Thế giới Thứ ba (TWAS). Chính vì công lao trong các hoạt động tổ chức và lãnh đạo ngành vật lý mà ông đã được tặng Huy chương Tate.

 

Abdus Salam rất nổi tiếng trong giới vật lý quốc tế do ông đã được tặng Giải thưởng Nobel năm 1979 cùng với hai nhà vật lý Mỹ là Sheldon Glashow và Steven Weinberg. Phát minh của ba nhà bác học đó đã thống nhất được tương tác điện từ với tương tác yếu thành tương tác điện - yếu. Abdus Salam từng được bầu làm Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô (cũ), Giáo sư danh dự Đại học Bắc Kinh.
 
GS Trần Thanh Vân - người châu Á thứ ba nhận Huy chương Tate
GS Abdus Salam, gốc Pakistan, Giải thưởng Nobel, Huy chương Tate.

 

Người châu Á thứ hai được tặng Huy chương Tate là GS Yu Lu (đọc theo âm Hán - Việt là Lục Vũ), nhà vật lý mang quốc tịch CHND Trung Hoa. Ông sinh năm 1937 tại thành phố Trấn Giang, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, tốt nghiệp Đại học Kharkov, Liên Xô (cũ), năm 1961. Nhiều năm sau, làm việc tại Bắc Kinh, ông trở thành Giáo sư, Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, tác giả 200 bài báo khoa học và 3 cuốn sách chuyên khảo, Giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Harvard, Mỹ, Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Thế giới Thứ ba.
 

Ông là người góp nhiều công sức trong việc thắt chặt mối quan hệ hợp tác giữa các nhà vật lý trẻ thuộc các nước đang phát triển qua các hoạt động của Trung tâm Quốc tế Vật lý lý thuyết ở Trieste, Italy, và Trường Vật lý mùa hè BCVSPIN (viết tắt tên các nước tham gia là Bangladesh - China - Vietnam - Sri Lanka - Pakistan - India - Nepal). GS Phạm Quang Hưng, người Mỹ gốc Việt, hiện làm việc tại Đại học Virginia (Mỹ), Giáo sư thỉnh giảng Trường đại học Huế và Trường đại học Quy Nhơn, được mời làm thành viên Hội đồng Cố vấn của Trường Vật lý mùa hè BCVSPIN.

 

Người châu Á thứ ba được tặng Huy chương Tate chính là GS Jean Trần Thanh Vân. Ông sinh năm 1936 tại Đồng Hới, Quảng Bình, học trung học tại Huế, tốt nghiệp cử nhân vật lý năm 1957, tiến sĩ vật lý năm 1963 tại Paris với bản luận án xuất sắc chỉ rõ rằng hạt proton không phải là “viên gạch cuối cùng” của vật chất, mà là một cấu trúc gồm nhiều “viên gạch” còn nhỏ hơn nữa kết hợp lại (về sau, được cộng đồng vật lý quốc tế làm sáng tỏ đó là các hạt quark). Trong các hoạt động tổ chức và lãnh đạo ngành vật lý, ông được Viện Vật lý Mỹ đánh giá là “người có công lao to lớn suốt bốn thập niên tập hợp các nhà vật lý thuộc nhiều quốc tịch và nhiều nền văn hoá khác nhau ngồi lại bên nhau trong tình thân ái qua các cuộc Gặp gỡ Moriond, Gặp gỡ Blois, Gặp gỡ Việt Nam; và cũng là người đã hoạt động không mệt mỏi nhằm góp phần xây dựng một cộng đồng khoa học hiện đại ở Việt Nam.”
 
GS Trần Thanh Vân - người châu Á thứ ba nhận Huy chương Tate
GS Nguyễn Văn Hiệu (phải) và GS Trần Thanh Vân.

 

Cùng GS Nguyễn Văn Hiệu, GS Jean Trần Thanh Vân đã tổ chức sáu lần Gặp gỡ Việt Nam về vật lý hạt và vật lý thiên văn tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh; sáng lập Trường Vật lý Việt Nam tập hợp nhiều nhà nghiên cứu trẻ không chỉ của Việt Nam, mà còn của nhiều nước và vùng lãnh thổ châu Á khác như Trung Quốc,  Đài Loan, Hồng Kông, Ấn Độ, Pakistan, Thái-lan, Malaysia, Singapore, Bangladesh, v.v. Cùng vợ là Nữ Giáo sư Lê Kim Ngọc, một nhà sinh học nổi tiếng thế giới, ông đã góp công xây dựng các Làng Trẻ em SOS Đà Lạt, Đồng Hới và Trung tâm Bảo trợ Trẻ em Thuỷ Xuân (Huế).

 

Ông được Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga tặng bằng Tiến sĩ khoa học danh dự.
 
Theo Hàm Châu
DVT