TPHCM:

Giúp học sinh yêu Truyện Kiều bằng dự án sinh động

(Dân trí) - Là 1 giáo viên văn yêu thích văn học cổ điển, cô Nguyễn Thị Vũ Huệ hết sức trăn trở khi ngày càng nhiều bạn trẻ xa rời văn học Việt, ít học sinh hiểu và yêu Truyện Kiều như cái thời của cô. Bởi vậy, cô quyết tâm làm dự án “Học sinh Phú Nhuận với Truyện Kiều” để giúp các em thêm yêu “cái vốn quý của dân tộc”.

Dự án “tiếp lửa” cho học sinh đến với Truyện Kiều

Chia sẻ về nguyên nhân thực hiện dự án này, cô Nguyễn Thị Vũ Huệ (giáo viên Trường THPT Phú Nhuận, TPHCM) cho biết: “Khởi nguồn để thực hiện dự án này là câu hỏi đau đáu của một diễn giả tại hội thảo do Trường ĐH KHXH &NV TPHCM tổ chức nhân dịp Kỷ niệm 250 năm sinh Đại thi hào Nguyễn Du. Vị diễn giả đó hỏi: Các bạn có bao giờ tự hỏi xem bây giờ học sinh có còn yêu thích Truyện Kiều nữa hay không?”.


Các học sinh Trường THPT Phú Nhuận tham gia dự án được đi tham quan các điểm văn hóa liên quan đến tác phẩm Truyện Kiều

Các học sinh Trường THPT Phú Nhuận tham gia dự án được đi tham quan các điểm văn hóa liên quan đến tác phẩm Truyện Kiều

Thưởng thức đội ca trù biểu diễn các trích đoạn Kiều
Thưởng thức đội ca trù biểu diễn các trích đoạn Kiều

Câu hỏi đó cũng là câu hỏi lớn trong lòng cô Huệ, một cô giáo dạy văn yêu thích văn học cổ điển, nhất là Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du. Từ câu hỏi đau đáu đó, cô quyết tâm đăng ký thực hiện dự án “Học sinh Phú Nhuận với Truyện Kiều” để thử xem giới trẻ có thực là quay lưng lại với Truyện Kiều, hay vì 1 lý do nào đó mà các em không thích Kiều. Nếu thực vậy thì dự án cũng sẽ là cầu nối để khơi dậy niềm yêu thích của các em với một tác phẩm bất hủ của nền văn học nước nhà...

Dự án được chia ra thành nhiều chương trình nhỏ như cảm nhận về Truyện Kiều, diễn kịch, ngâm thơ, đố Kiều, viết thư pháp Kiều, sưu tập Truyện Kiều, bói Kiều... Mỗi học sinh tùy theo sự yêu thích, đam mê và năng lực mà chọn cho mình chương trình thích hợp để tham gia. Sau hơn 4 tháng thực hiện, dự án không chỉ thu hút hàng trăm học sinh Phú Nhuận ở cả 3 khối lớp tham gia mà nhiều cựu học sinh, phụ huynh yêu thích Truyện Kiều cũng tự nguyện tham gia vào dự án.

Gian hàng bói Kiều thu hút rất đông học sinh nữ
Gian hàng bói Kiều thu hút rất đông học sinh nữ
Các trích đoạn Kiều được chính học sinh lên kịch bản, dàn dựng và biểu diễn
Các trích đoạn Kiều được chính học sinh lên kịch bản, dàn dựng và biểu diễn

Ngày nghiệm thu, hàng loạt sản phẩm đặc sắc do chính học sinh, cựu học sinh và phụ huynh các em thực hiện được trưng bày khiến quan khách ngỡ ngàng về quy mô. Dự án đã thu được 6 clip cảm nhận về Truyện Kiều, 2 tập san, nhiều vở diễn, ngâm thơ về Nguyễn Du - Truyện Kiều do chính các em học sinh dàn dựng và biểu diễn... Ngoài ra, sân trường còn diễn ra các hoạt động hưởng ứng khác như viết thư pháp Kiều, bói Kiều, đố Kiều... thu hút rất đông học sinh không tham gia dự án đến tham quan và vui chơi.

Mô hình ngoại khóa thú vị để học sinh yêu văn

Chia sẻ về dự án này, PGS.TS Trần Lê Hoa Tranh, Phó trưởng khoa Văn học - Ngôn ngữ, Trường ĐH KHXH&NV TPHCM (một khách mời diễn thuyết cho học sinh tham gia dự án) cho biết: “Xưa nay, khi đưa Kiều vào xã hội, người ta thường nhắc đến vịnh Kiều, lẩy Kiều, tập Kiều, bình Kiều, đố Kiều... Nhưng bây giờ, để Kiều đi vào đời sống của lớp trẻ, cô Huệ đã cho các em học sinh bình Kiều, đố Kiều, vẽ truyện tranh Kiều, viết thư pháp Kiều, sưu tầm các bản truyện Kiều, đóng kịch các trích đoạn Kiều, làm thiệp tặng Nguyễn Du, làm clip cảm nhận truyện Kiều và phỏng vấn từ học sinh, cựu học sinh, giáo viên trong trường, giáo viên nước ngoài…”.

“Tất cả những hoạt động đó được tiến hành trong không khí hoàn toàn tự nguyện, vui thích của cả thầy và trò. Có lẽ, chưa có một trường phổ thông nào ở TPHCM làm được điều này. Dự án như mô hình ngoại khóa thú vị để các em học sinh có thể thêm yêu thích văn học nói chung, yêu thích văn học cổ điển vốn khó học, hàn lâm nói riêng”, PGS.TS Trần Lê Hoa Tranh đánh giá.

Thư pháp Kiều do chính học sinh của trường rèn luyện và thực hiện
Thư pháp Kiều do chính học sinh của trường rèn luyện và thực hiện
Cô Vũ Huệ (áo trắng) bên một tác phẩm của học sinh Phú Nhuận
Cô Vũ Huệ (áo trắng) bên một tác phẩm của học sinh Phú Nhuận

Các học sinh tham gia dự án cũng thừa nhận các hoạt động theo sở thích của dự án đã gắn kết các thế hệ HS Phú Nhuận yêu văn chương cùng học hỏi kinh nghiệm, truyền cho nhau ngọn lửa đam mê. Các HS tỏ ra rất phấn khích khi nói về những sản phẩm mà mình đã làm.

Em Nguyễn Đắc Thi chia sẻ: “Sau khi làm dự án, em nghĩ không cần mở sách vở ra học mà mình vẫn có thể tiếp thu được Truyện Kiều một cách sinh động. Như bản thân em làm clip, khi em xem các clip phỏng vấn, các clip của ông bà phân tích về các đoạn Truyện Kiều gần như em cũng đã thuộc và cảm nhận được cái hồn ở trong Truyện Kiều, cái cảm xúc mà Nguyễn Du đã đưa vào trong Truyện Kiều”.

Cùng chung ý kiến với Thi, em Lê Hoàng Phương Nghi bày tỏ: “Qua dự án này em thấy Truyện Kiều là một tác phẩm rất hay, nó bổ dưỡng cho tâm hồn mỗi người. Tham gia vào dự án, em còn học được rất nhiều kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng thiết kế...”.

Một bản Kiều được dịch sang tiếng Nhật do cựu học sinh sưu tầm, gửi tặng dự án
Một bản Kiều được dịch sang tiếng Nhật do cựu học sinh sưu tầm, gửi tặng dự án
Trong quá trình thực hiện dự án, các em học sinh còn làm kế hoạch nhỏ thu được hơn 2 triệu đồng đem đến quyên cho chùa Nghệ sĩ, nơi đang cưu mang nhiều nghệ sĩ già nghèo khó
Trong quá trình thực hiện dự án, các em học sinh còn làm kế hoạch nhỏ thu được hơn 2 triệu đồng đem đến quyên cho chùa Nghệ sĩ, nơi đang cưu mang nhiều nghệ sĩ già nghèo khó

Cô Vũ Huệ tâm sự: “Tôi mong muốn tạo ra được một dự án gắn kết tình yêu văn chương của các thế hệ học trò Phú Nhuận, tạo cơ hội cho các em HS yêu và trân trọng văn chương - văn hóa truyền thống dân tộc. Và hơn hết, tôi muốn giúp HS hướng đến cộng đồng bằng chính sức lao động của mình”.

Kiều Diễm - Tùng Nguyên