Đắk Nông:

Giáo viên phải “cắt rẫy” băng rừng, vượt cả trăm cây số đi dạy học

(Dân trí) - Con đường tới trường không chỉ gian nan với những học sinh vùng cao mà còn với cả những giáo viên cắm bản, bởi để đứng được trên bục giảng, nhiều giáo viên phải “cắt rẫy” băng rừng, vượt cả trăm cây số.

Chúng tôi có mặt tại trường Phổ thông cơ sở (PTCS) Nguyễn Khuyến (thôn Năm Tầng, xã Đắk R’La, huyện Đắk Mil) sau chặng đường dài hơn 4 tiếng đồng hồ, khiến gương mặt chị văn thư Nguyễn Thị Hằng làm nhiệm vụ đưa đường đỏ bừng, mồ hôi nhễ nhại. Không biết đây là lần thứ bao nhiêu chị làm công việc này, nhưng vừa đặt chân đến cổng trường, chị thở phào sung sướng: “Đường như vậy là đẹp lắm rồi, chỉ một trận mưa thì đường trơn trượt lắm, muốn đi phải “mặc áo xích” vào bánh xe mới chạy nổi”.


Con đường tới trường lại bị cày tung sau mỗi cơn mưa

Con đường tới trường lại bị cày tung sau mỗi cơn mưa

Theo chị Hằng, để đến trường có hai con đường, vào mùa khô, thầy cô giáo thường chọn lối mòn, băng tắt qua rẫy cà phê, cao su của người dân, đến mùa mưa chỉ có một cách duy nhất là đi vòng qua xã khác với quãng đường hơn 35 cây số. Nhưng vì đoạn đường ấy toàn dốc đá và trơn trượt, lầy lội nên xe máy muốn vượt qua, lắm khi phải xuống đẩy bộ.

Chúng tôi đến trường cũng là lúc các lớp học đã ổn định, bên trong chỉ còn tiếng cô dạy trò đánh vần, tập tính. Phía sâu sau dãy học xập xệ, trong ngôi nhà bán trú, một số cô giáo đang chuẩn bị nấu cơm. Bữa trưa hôm nay có thêm mấy con cá tươi và rau xanh được cô Hằng mang từ xã vào nên có vẻ tươm tất.

Theo chia sẻ của các cô giáo, tất cả giáo viên trường PTCS Nguyễn Khuyến đều từ nơi khác đến đây công tác, người gần nhất cũng cách trường 30 cấy số, còn người xa nhất là hơn 100 cây. Mấy năm trước, trường được địa phương xây dựng cho một dãy nhà nội trú để giáo viên xa nhà ở lại, tuy nhiên vì nhiều lý do khác nhau mà một số thầy cô phải đi về trong ngày. Những ngày nắng ráo thì chỉ mất 1 tiếng để ra tới đường nhựa, còn trúng ngày mưa gió, “phải quyết tâm lắm mới dám về nhà, bởi ít nhất là 2 tiếng mới ra được trung tâm xã”.


Mỗi ngày cô Kiều phải đi hơn 100 km để đến lớp học phụ đạo tiếng Việt dành cho các học sinh vẫn còn bập bẹ

Mỗi ngày cô Kiều phải đi hơn 100 km để đến lớp học phụ đạo tiếng Việt dành cho các học sinh vẫn còn bập bẹ

Là một trong những giáo viên có thâm niên công tác tại trường PTCS Nguyễn Khuyến, cô Đào Thị Thúy Kiều (nhà ở phường Eatam, TP.Buôn Ma Thuật, Đắk Lắk) cho biết, cô về đây từ ngày trường còn là phân hiệu của một trường khác. Vì gia đình neo người, hai con nhỏ không có ai chăm sóc nên cô phải đi đi về về trong ngày. “Tính nhanh thì cả đi lẫn về cũng gần 100 km, 4 tiếng trên đường, 8 tiếng trên lớp nên cũng chẳng có nhiều thời gian dành cho gia đình”, cô giáo gốc Thái Nguyên hóm hỉnh nói.

Nhớ lại thời điểm mới được phân công vào trường Nguyễn Khuyến công tác, đến bây giờ cô Kiều cũng không nhớ nổi động lực nào đã thôi thúc rồi níu giữ cô ở lại với ngôi trường này. Vì “Có hôm vào đến trường, quần áo bê bết bùn đất, chân tay bầm dập vì té xe hoặc đập phải đá. Nhưng khi nhìn thấy ánh mắt ngây thơ, khát khao con chữ, ham học của các em, mình lại quên đi tất cả”.

Trong trường, xa trường nhất là nhà cô Nguyễn Thị Hồng (xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức). Mặc dù sống ngay trong tỉnh Đắk Nông những hơn 3 tháng nay cô Hồng chưa dám về nhà, bởi cô sợ, về rồi không còn đủ quyết tâm để quay lại trường. Suy nghĩ là vậy, nhưng cô Hồng cũng gắn bó với ngôi trường này gần 4 năm nay, đã có lần cô muốn bỏ luôn công việc, song “vì tình yêu nghề, yêu những đứa trẻ non dại, thiếu thốn mà tôi bám bản đến bây giờ”.

Giáo viên phải “cắt rẫy” băng rừng, vượt cả trăm cây số đi dạy học - 3

Ngoài nhiệm vụ chuyên môn, nhiều thầy cô còn phải đi từng nhà vận động các em đến trường

Cũng chính vì đường đi lại khó khăn, cuộc sống vất vả, điều kiện ăn ở thiếu thốn nên từ khi thành lập trường tới giờ, nhiều thầy cô đứt gánh giữa đường, phải bỏ dở sự nghiệp. “Có cô giáo trẻ, ngày đầu tiên vào trường đã khóc đứng khóc ngồi, nằng nặc xin thầy hiệu trưởng cho về; có thầy thì chỉ đi đến nửa đường đành quay lại, mặc dù trên tay vẫn còn cầm quyết định phân công công tác”, chị Hằng cho hay.

Thầy Nguyễn Văn Huấn, Hiệu trưởng trường PTCS Nguyễn Khuyến tâm sự, nếu không phải tình yêu nghề, tấm lòng với những học sinh nơi vùng cao thì có lẽ nhiều người đã “chùn chân mỏi gối”. Giáo viên ở thôn Năm Tầng ngoài nhiệm vụ chuyên môn, còn đảm nhận luôn công tác dân vận bởi “sau mỗi kỳ nghỉ hè, hoặc cả tuần mưa gió, thể nào cũng có em bỏ học nên phải gõ cửa từng nhà, thuyết phục bố mẹ cho các em trở lại trường.”


Mong muốn của các thầy cô là có một con đường trải nhựa để việc “cắm bản gieo chữ” vơi bớt gian nan.

Mong muốn của các thầy cô là có một con đường trải nhựa để việc “cắm bản gieo chữ” vơi bớt gian nan.

Trước những khó khăn, thiếu thốn của địa phương, thầy Huấn bày tỏ: “Bây giờ chỉ mong muốn có một con đường để đi lại bớt gian nan, vất vả. Đường sá thuận lợi thì kinh tế phát triển, học sinh được đến trường chứ không phải ở nhà lên rẫy, lên nương”.

Theo đó, Trường Phổ thông cơ sở Nguyễn Khuyến thuộc địa bàn thôn Năm Tầng, xã Đắk R’la (huyện Đắk Mil), được thành lập từ năm 2012, hiện gồm 3 cấp học Mần non, Tiểu học và Trung học. Toàn bộ trường có hơn 300 học sinh, trong đó 95% là đồng bào Mông, Dao còn lại là dân tộc tại chỗ.

Dương Phong