Giáo viên nói gì về phong trào “kế hoạch nhỏ”?

(Dân trí) - “Cá nhân tôi nghĩ cũng nên chấm dứt phong trào “kế hoạch nhỏ”, vì các em học sinh nhỏ chưa thấy hết ý nghĩa, mục đích của chương trình này…”, ông Nguyễn Thuận - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phan Chu Trinh (TP Kon Tum, Kon Tum) bày tỏ.

Phong trào “kế hoạch nhỏ” triển khai ở các trường tiểu học tại Kon Tum nhiều năm nay đang gây bức xúc cho phụ huynh học sinh. Một phụ huynh có con đang theo học tại Trường TH Phan Chu Trinh cho biết, năm nào con chị cũng buộc phải nộp vỏ lon bia, mà nhà chị lại không uống bia. Vì vậy, chị đã phải cho con tiền để nộp thay vỏ lon bia. Theo phụ huynh này, thì cô giáo chủ nhiệm yêu cầu mỗi học sinh phải nộp 60 vỏ lon bia sau thời gian nghỉ Tết nguyên đán, nếu ai không có vỏ lon bia thì quy ra tiền là 20 nghìn đồng.

“Nhà tôi không có ai uống bia cả nên không có lon. Đầu năm chả lẽ đi xin vỏ lon bia nhà người ta, mà biết nhà ai để xin bây giờ. Nên tôi cho con tôi 20 nghìn đồng để cháu đi đóng cho rồi. Tôi cũng không biết người ta thu vỏ lon bia để làm gì? Hay thu tiền để làm gì? Họp phụ huynh không ai nói với tôi về khoản tiền này, đùng cái con về xin thì cho nó thôi, không cho thì mình sợ con mình bị trù. Họ thu tiền xong cũng không công bố là đã tiêu vào việc gì, tiêu bao nhiêu”, phụ huynh chia sẽ.

Chúng tôi có mặt tại Trường Tiểu học Phan Đình Phùng (TP Kon Tum), một học sinh nam lớp 4 hồn nhiên kể, cháu đã nộp cho cô giáo 10 vỏ lon bia rồi, lớp cháu bạn nào không nộp thì bị cô ghi lại để cuối năm nhận xét. “Cháu uống bia xong cháu lấy vỏ nộp cho cô giáo, với vỏ lon bia bố cháu uống nữa. Hôm đó cháu uống 2 lon rưỡi bia. Cháu say mặt cháu đỏ bừng lên, mẹ cháu hỏi sao mặt cháu đỏ thì cháu nói do cháu uống bia. Thế là mẹ cháu đã đánh cháu” - em học sinh hồn nhiên nói.

Chỉ tiêu về tài chính của Hội đồng Đội trong phong trào kế hoạch nhỏ.
Chỉ tiêu về tài chính của Hội đồng Đội trong phong trào "kế hoạch nhỏ".

Trao đổi với chúng tôi, bà Bùi Thị Chí Linh - Hiệu trưởng Trường TH Phan Đình Phùng cho biết, phong trào “kế hoạch nhỏ” là do Hội đồng Đội phát động về trường làm, chứ không phải chủ trương của trường và nó đã có từ nhiều năm nay. Mục đích của phong trào là để có nguồn kinh phí hỗ trợ cho phong trào liên quan bên Đội… Ngoài ra, phong trào còn hình thành ý thức cho các em thu gom phế liệu, bảo vệ môi trường….

Cô Vũ Thị Mười - giáo viên tổng phụ trách Đội của nhà trường cho biết, phong trào hình thành ý thức giúp học sinh bảo vệ môi trường tốt. Hiệu quả là trường luôn sạch sẽ, gọn gàng và phong trào còn tạo ra “chút quỹ ủng hộ”.

“Tụi chị như là người bán đồng nát vậy đó, rất là vất vả” - cô Mười chia sẻ về công việc “mỗi năm một lần” trong phong trào “kế hoạch nhỏ”.

Còn với trường TH Phan Đình Phùng, ông Nguyễn Thuận - Hiệu trưởng nhà trường cho rằng, phong trào “kế hoạch nhỏ” do Hội đồng Đội, Thành Đoàn TP Kon Tum triển khai đã khiến nhiều phụ huynh ý kiến. Còn cá nhân ông thì cho rằng cũng nên chấm dứt phong trào này được rồi. Vì các em học sinh tiểu học, các em còn quá nhỏ nên chưa thấy hết ý nghĩa, mục đích của phong trào này… Nên thầy Thuận cũng mong làm sao có tiếng nói để chấm dứt được phong trào này.

Bởi mỗi lần triển khai phong trào, nhà trường phải sợ các em có thể đi trộm hàng rào thép gai để nộp, hoặc xé sách vở để nộp… hoặc như trên các trang mạng xã hội phản ánh nên nhà trường đã phải dặn dò các em rất kỹ. Nhiều phụ huynh cũng ý kiến và đồng ý nộp tiền thay vì vỏ lon bia vì họ không biết kiếm ở đâu ra.

Cô Lê Thị Yến - Tổng phụ trách Đội Trường TH Phan Chu Trinh cho biết, sau khi thu “phế liệu” bán, cô phải nộp lên Hội đồng Đội 75% số tiền thu được. Trường cô có 712 học sinh. Như năm ngoái, có 4 tổng phụ trách được Hội đồng Đội khen, các trường khác không hoàn thành bị nhắc nhở…

Ông Trần Hữu Thạch - Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT tỉnh Kon Tum khá ngạc nhiên về phong trào “kế hoạch nhỏ” và không biết về phong trào này. Vì vậy, ông sẽ yêu cầu Phòng GD báo cáo sự vụ.

Giải thích về phong trào “kế hoạch nhỏ” triển khai nhiều năm nay tại TP Kon Tum, ông Ca Rô Chinh - Chủ tịch Hội Đồng Đội, Thành đoàn TP Kon Tum cho biết, không phải tỉnh nào trên cả nước cũng phù hợp để triển khai phong trào này như Kon Tum. Theo ông Chinh, phong trào “kế hoạch nhỏ” giúp cho Hội đồng Đội giải quyết về khâu tài chính trong hoạt động của Hội. Các trường nộp lên 75%, Hội đồng Đội thành phố chỉ được giữ 15%, số còn lại phải nộp lên Hội đồng Đội tỉnh.

Và theo đó, phong trào “kế hoạch nhỏ” là trên giao xuống cho Hội làm chứ không phải Hội tự triển khai. Ông Chinh còn cung cấp cho chúng tôi bản “kế hoạch” chỉ tiêu và cách tính “kế hoạch nhỏ” sau khi thu được, theo đó, năm học 2016-2017, số tiền dự kiến sẽ thu được từ phong trào “kế hoạch nhỏ” cho 7 tỉnh thành ở Kon Tum là hơn 81 triệu đồng; số tiền phải “trích” cho Hội đồng Đội tỉnh là gần 49 triệu đồng.

Thiên Thư