Bạn đọc viết:

Giáo viên kể chuyện bồi dưỡng học sinh giỏi

(Dân trí) - Tại các trường phổ thông luôn có một đội tuyển “mũi nhọn” làm nòng cốt của mỗi trường. Để có đội tuyển này, ngoài năng lực, sở thích, đam mê… của học sinh, điều không thể không nhắc đến là giáo viên - những người được Ban giám hiệu “chọn mặt gửi vàng”. Từ đây những câu chuyện “dở khóc, dở cười” nảy sinh.

Giáo viên ngoài công việc chính là giảng dạy và chủ nhiệm còn có một công việc khác cũng không kém phần quan trọng là được kiêm nhiệm công tác bồi dưỡng học sinh giỏi với môn mình đang giảng dạy.

Đầu tiên, Ban giám hiệu sẽ lấy từ sự phân công của tổ bộ môn đưa lên nhưng thực ra, trong suy nghĩ và trong tầm ngắm của mình, Ban giám hiệu đã ngầm chọn giáo viên nào, bồi dưỡng môn gì, khối lớp nào, đâu vào đấy cả rồi. Hình thức để hợp lệ và mang tính dân chủ mà thôi.

Có thể nói rằng, việc giáo viên được bồi dưỡng đội tuyển có nhiều điều cần suy ngẫm: Trước hết, giáo viên bồi dưỡng phải vững về chuyên môn, có nhiều năm kinh nghiệm trong bồi dưỡng, được nhà trường và đồng nghiệp đánh giá cao (cả về chuyên môn và tâm huyết), được học trò tín nhiệm.

Tiếp đến, phải kể đến nội lực của người giáo viên đó: Giáo viên ý thức được tầm quan trọng của việc mình đảm nhận, nhiệt tình và nỗ lực hết mình với học sinh, cần tìm tòi thu thập tài liệu về môn bồi dưỡng và luôn học hỏi đồng nghiệp có kinh nghiệm phía trước.

Đội tuyển của từng bộ môn sẽ là bộ mặt của nhà trường trong các cuộc thi. Đội tuyển sẽ “đem chuông đi đánh xứ người” khi nào có các cuộc thi giữa các trường trong địa bàn diễn ra.

Đội tuyển có tầm quan trọng như thế, nên giáo viên được giao trách nhiệm bồi dưỡng cũng tự xác định mình quan trọng theo.

Thế là đầu năm học, những ai được phân công sẽ tiến hành chọn “gà” cho mình. Công việc chọn học sinh vào đội tuyển hết sức “gay cấn”, thậm chí gây mất tình cảm giữa các đồng nghiệp vốn thân tình với nhau lâu nay. Câu chuyện sẽ chẳng có gì nếu giáo viên nào cũng chọn được những học sinh ưng ý, nhưng một nghịch lí thường hay diễn ra: Những học sinh “đứng đầu” của lớp thường giỏi một lúc rất nhiều môn. Và các em rơi vào “tầm ngắm” của nhiều giáo viên. Nhưng tất cả đều phải hướng đến tôn trọng quyền lựa chọn của học sinh.

Với tôi - một giáo viên Ngữ văn, việc chọn đội tuyển đầu năm đã để lại những niềm vui, sự suy ngẫm rất đáng nói.

Là một giáo viên trẻ, với kinh nghiệm chưa nhiều, trước đây tôi được nhà trường phân công bồi dưỡng các khối 6, 7, 8. Học sinh của tôi thường hay mang giải về cho nhà trường, mặc dù giải các em đạt được chưa cao. Nhưng dù sao có vẫn còn hơn không.

Được đà, năm nay tôi mạnh dạn xin lên bồi dưỡng lớp 9. Lúc đầu, thầy hiệu trưởng rất phân vân trong việc giao khối lớp lớn cho một giáo viên trẻ, ít kinh nghiệm như tôi. Có ai như tôi không tự nhiên lại muốn “ôm rơm cho nặng bụng”. Nhưng nếu không thử sức ở khối lớp lớn làm sao có được kinh nghiệm. Tôi quyết tâm bồi dưỡng một lần. Cuối cùng thầy hiệu trưởng cũng đồng ý.

Nhận xong nhiệm vụ, tôi thấy thực sự lo lắng và áp lực vô cùng. Nếu năm nay học sinh không có giải đồng nghĩa với việc tôi sẽ không được bồi dưỡng học sinh lớp cuối cấp này nữa.

Rồi đến việc “lôi kéo” học sinh vào đội tuyển, nhưng thật đáng buồn. Với môn Ngữ văn, học trò bảo năm nào cũng đi thi nhưng rất ít có giải trong khi học bồi dưỡng rất nặng. Và điều đáng nói hơn là môn Ngữ Văn không còn là môn “thời thượng” nữa nên các em không tha thiết.

Nghe đến đó, nhiệt huyết trong tôi vơi đi một nửa. Tôi ra sức thuyết trình về tầm quan trọng của môn Văn, lợi ích của việc học bồi dưỡng môn này. Rốt cuộc, tôi “lôi kéo” được 5 em (vừa đủ một đội). Sau đó, có một học sinh bỏ cuộc vì phụ huynh em này bảo môn Văn khó học, khó thi và khó có giải cao. Tôi ngậm ngùi thương tôi.

Bốn con “gà chọi” của tôi đi học “buổi đực, buổi cái”, than thở đủ điều. Nhiệt huyết trong tôi vơi đi quá bán. Những cái hay, cái đẹp của văn chương…vẫn còn nguyên trong lòng tôi nhưng sao khó truyền đến các em vô cùng.

Thời điểm thi Học sinh giỏi khối lớp 9 ở các Huyện, Thị xã đang gần về đích, các bộ môn tranh thủ chạy “nước rút”. Tôi lo lắng như ngồi trên đống lửa. Tranh thủ thời gian ôn tập, thế mà học sinh vẫn dửng dưng, buổi học cuối cùng vắng đi một nửa đội tuyển. Lòng tôi buồn rười rượi.

Không biết đến khi nào môn “Văn học là nhân học” mới được coi trọng như ngày xưa?

Thanh Thanh

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!