Đổi mới giáo dục: "Phải suy tính vì tương lai chứ không để tính điểm, ghi thành tích nhiệm kỳ"

(Dân trí) - PGS.TS Đặng Bá Lãm cho rằng, cần suy tính thật kỹ càng trước khi thực hiện việc thay đổi chương trình giáo dục phổ thông. Phải suy tính vì tương lai của đất nước, chứ không phải để tính điểm, ghi thành tích trong nhiệm kỳ của bất cứ ai.

Còn 2 năm nữa để kết thúc việc thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020, lúc đó sẽ có dịp đánh giá một cách toàn diện việc thực hiện Chiến lược này, trong đó có việc đánh giá ở nước ta giáo dục đã thực sự là quốc sách hàng đầu hay chưa.

Tuy nhiên ngay từ bây giờ những biểu hiện trong thực tế có thể cho phép nhận xét rằng rằng giáo dục vẫn chưa thực sự là quốc sách hàng đầu.


Giáo dục vùng cao vẫn còn quá nhiều khó khăn

Giáo dục vùng cao vẫn còn quá nhiều khó khăn

Giáo dục phải được xem là lực lượng hàng đầu trong xã hội

Hội nghị TƯ 8 (Khóa XI, tháng 11-2013) ban hành Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nước ta. Trong các quan điểm, mục tiêu và giải pháp phát triển giáo dục và đào tạo có việc xây dựng ở nước ta nền giáo dục mở.

Về quan điểm phát triển, Nghị quyết nhắc lại điều đã nêu trong Chiến lược phát triển giáo dục 2001-2010 “Giáo dục là quốc sách hàng đầu” và được nhắc lại trong Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020 “Giáo dục phải thực sự là quốc sách hàng đầu”.

Còn 2 năm nữa để kết thúc việc thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020, lúc đó sẽ có dịp đánh giá một cách toàn diện việc thực hiện Chiến lược này, trong đó có việc đánh giá ở nước ta giáo dục đã thực sự là quốc sách hàng đầu hay chưa.

Tuy nhiên ngay từ bây giờ những biểu hiện trong thực tế có thể cho phép nhận xét rằng rằng giáo dục vẫn chưa thực sự là quốc sách hàng đầu. Trong phạm vi gia đình, có thể thấy giáo dục đang trở thành gia sách hàng đầu, nói một cách dân dã là hy sinh đời bố để củng cố đời con, nhưng trong toàn phạm vi quốc gia chưa thấy biểu hiện sự ưu tiên hàng đầu cho giáo dục.

Trong thời bình hiện nay, có thể nhận thấy rõ sự ưu tiên cho quốc phòng và an ninh, tiếp đến là cho phát triển kinh tế. Trong thực tế các ngành quân đội, công an, dầu khí đang ở vị thế rất cao, giáo dục còn lâu mới vươn tới.

Có người nghĩ rằng điều đó là đương nhiên: chăm lo cho quân đội để bảo vệ đất nước, xây dựng lực lượng công an để trị an, còn dầu khí là nguồn ngoại tệ chủ yếu của đất nước. Nhưng như thế là vẫn suy nghĩ theo lối cũ.

Vì vậy trong chiến lược phát triển đất nước vào thời bình hiện nay phải nêu khẩu hiệu, phương châm: Giáo dục, giáo dục và giáo dục. Giáo dục là quốc sách hàng đầu phải thực sự được thể hiện trong sự ưu tiên hàng đầu cho giáo dục trên các phương diện lãnh đạo, quản lí, đầu tư nhân tài, vật lực.

Về quan niệm, giáo dục phải được xem là lực lượng hàng đầu trong xã hội, quyết định sự lành mạnh, an toàn của xã hội hiện nay và sự phát triển của xã hội tương lai.

Trong thời bình giáo dục phải được quan tâm như quân đội trong thời chiến. Giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lí giáo dục phải được quan tâm huấn luyện và chỉ huy như quan tâm đến chiến sỹ, sỹ quan trong thời chiến.

Về tổ chức, lực lượng tham gia giáo dục phải được bố trí hợp lý để giáo dục gánh vác được trách nhiệm quyết định đối với sự ổn định và phát triển đất nước.

Về quá trình, giáo dục phải được thiết kế và thực thi một cách đồng bộ, nhất quán từ giáo dục mầm non đến đại học.

Phải quan tâm từ thai giáo

Bắt đầu quá trình giáo dục cần quan tâm đến thai giáo. Vào thời mình, nhằm mục đích làm cho nước Nga mau hưng thịnh, tiến kịp các nước Tây Âu, Lômônôxôp đã yêu cầu xã hội quan tâm đến từng phụ nữ mang thai. Cần chuẩn bị cho họ về tâm lí, về hiểu biết cách chăm sóc và dạy trẻ ngay khi họ mang thai lần đầu và trong những năm tháng đầu tiên khi trẻ ra đờì, được chăm sóc ở nhà.

Khi trẻ bắt đầu đến trường mầm non thì cũng bắt đầu trách nhiệm của hệ thống giáo dục đối với công dân tương lai của đất nước. Theo các nhà sinh lý thần kinh thì mặt tinh thần, trí tuệ những gì trẻ học được quyết định phần lớn sự phát triển cả đời sau này. Vì vậy phải suy ngẫm lại câu của cha ông ta “Dạy con từ thuở còn thơ”.

Từ lúc trẻ vào lớp 1 cho đến hết giáo dục phổ thông học sinh sống phần lớn thời gian ở trường, sự phát triển của các em về mọi mặt: về sức khỏe thể chất và tinh thần, về thái độ sống và làm việc, về quan hệ với thiên nhiên và xã hội, về thành công và hạnh phúc trong cuộc sống đều do giáo dục vun đắp.

Đổi mới giáo dục phải suy tính từ tương lai đất nước chứ không ghi thành tích nhiệm kỳ

Thiết kế quá trình giáo dục thể hiện trong chương trình giáo dục. Trong thời gian sắp tới, nước ta dự kiến thay đổi cơ bản chương trình giáo dục phổ thông, thực hiện chương trình tổng thể đang xây dựng. Do việc chuẩn bị chưa hoàn tất nên khởi đầu thực hiện Chương trình được quyết định hoãn 1 năm. Tuy nhiên theo tôi cần hoãn nhiều hơn để chuẩn bị chu đáo hơn.

Đổi mới chương trình giáo dục phổ thông là một việc làm lớn lao, động chạm đến cả xã hội: lực lượng học sinh đông đảo, chiếm một phần tư dân số; tất cả mọi gia đình đều có con, cháu đi học, tức là toàn bộ dân cư đều liên quan đến giáo dục; đội ngũ giáo viên hùng hậu, vượt cả số lượng quân đội.

Chi phí cho việc thay đổi chương trình rất lớn, ngoài đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, soạn lại tài liệu, sách học, sách dạy, trang bị giáo dục,... là những cái có thể tính ra tiền, còn có chi phí cơ hội không thể tính ra tiền.

Vì vậy cần suy tính thật kỹ càng trước khi thực hiện việc thay đổi chương trình giáo dục phổ thông. Phải suy tính vì tương lai của đất nước, chứ không phải để tính điểm, ghi thành tích trong nhiệm kỳ của bất cứ ai.

Giáo dục phổ thông phải đa diện

Chi phí thì rất cao như thế nhưng Chương trình dự kiến đem ra áp dụng trong thời gian tới chưa có có ý tưởng mới, đáp ứng sự thay đổi của thời đại và tương xứng với chi phí bỏ ra. Sau đây là một số ý tưởng về sự những thay đổi cần thực hiện.

Giáo dục phổ thông phải thực sự đa diện. Xưa nay vẫn dùng từ “toàn diện” nhưng từ này không diễn đạt chính xác nội dung, nên cần thay bằng từ đa diện.

Luật Giáo dục 2009, Điều 27 nêu: Giáo dục phổ thông giúp học sinh phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ…Giáo dục chủ yếu bao gồm 4 mặt đó nhưng thứ tự ưu tiên cần được thay đổi, theo thứ tự lần lượt là: Sức khỏe (Cả thể chất và tinh thần), quan hệ xã hội, hiểu biết thế giới, năng lực thẩm mỹ(Cả cảm xúc và hành vi). Gọi ngắn gọn như xưa nay nhưng thứ tự theo tầm quan trọng là: Thể, Đức, Trí , Mỹ.

Vì sao phải ưu tiên giáo dục sức khỏe (Cả thể chất và tinh thần)? Vì trong thực tiễn đây là mặt cần nhất cho cuộc sống, quyết định các mặt còn lại và được mọi người quan tâm hơn hết. Phải có sức khỏe thì mới học tập và làm việc được, mới có thể rèn luyện đạo đức, trí tuệ , cảm xúc thẩm mỹ. Nếu không có sức khỏe, không có cuộc sống ở trạng thái “thoải mái” (WHO) thì không có hạnh phúc.

Việc thực sự coi trọng các mặt giáo dục, trong đó ưu tiên cho giáo dục sức khỏe trước hết phải thể hiện vào phân bố thời gian cho các mặt giáo dục trong chương trình. Ví dụ chương trình giáo dục tiểu học với việc học 2 buổi ngày, 7 tiết /ngày, 31 tiết/ tuần, thì hằng tuần giành cho mỗi mặt giáo dục khoảng 8 tiết: Sức khỏe 8 tiết, quan hệ xã hội 8 tiết, hiểu biết thế giới 8 tiết, năng lực thẩm mỹ 8 tiết. Ngày nào học sinh cũng được học về các nội dung đó dưới các hình thức khác nhau.

Thay đổi quan niệm, mọi tri thức đều phải đem hết vào chương trình

Những người xưa nay quen nghĩ rằng học sinh đến trường để học các kiến thức môn học sẽ cho rằng như thế thì học sinh học được ít quá. Cần quan niệm rằng học sinh đến trường để sống và sẽ học qua cuộc sống đó chứ không phải chỉ học trong giờ dành cho kiến thức về môn học. Lúc các em rèn luyện sức khỏe, học cách ứng xử xã hội, học đàn, học hát, học nhảy, học múa là các em đang học và đang sống, chứ không phải chỉ học toán, học văn mới là học.

Hơn nữa trong lúc các em học về sức khỏe, ứng xử, thẩm mỹ cũng đồng thời là học cách tư duy (trước nay là độc diễn của môn toán) và học cách sử dụng ngôn ngữ (trước nay là độc diễn của môn Văn-Tiếng Việt).

Chương trình các cấp bậc học trên tiểu học là trung học cơ sở, trung học phổ thông cũng phải thay đổi triệt để theo quan niệm đó.

Để thực hiện được sự thay đổi lớn đó về chương trình giáo dục phổ thông cần thay đổi các điều kiện kéo theo là giáo viên và cơ sở trường lớp.

Từ trước đến nay nói đến giáo dục người ta chỉ nghĩ đến truyền thụ kiến thức nên chỉ chuẩn bị các điều kiện về giáo viên và trường lớp để làm việc đó.

Từ nay nếu thay đổi quan niệm, thực sự thực hiện giáo dục đa diện thì trong đội ngũ giáo viên của một trường, một lớp, phải có đủ người để thực hiện các mặt giáo dục như giáo dục sức khỏe, giáo dục thẩm mỹ, chuyên gia dinh dưỡng, chuyên gia tâm lí, sức khỏe tinh thần, giáo viên dạy múa, hát, vẽ,…Các điều kiện vật chất của nhà trường cũng phải được bổ sung như: Sân chơi,bể bơi, phòng thi đấu, phòng nhảy, phòng vẽ, phòng tư vấn… Hiện nay một số trường tư đã đầu tư theo hướng này và đã thu hút nhiều học sinh.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nhanh chóng nắm bắt xu hướng đó và thay đổi kịp thời về thiết kế và thực hiện chương trình.

Cũng cần thay đổi quan niệm cho rằng mọi tri thức cần cung cấp cho học sinh đều phải đem hết vào chương trình và thực hiện tại lớp học. Trong thực tế, học sinh tích lũy tri thức từ nhiều môi trường hoạt động.

Chương trình và giáo viên chỉ cần hướng dẫn cho học sinh. Chương trình tiểu học và trung học cơ sở không cần quá chặt chẽ, quá logic và đòi hỏi mọi học sinh phải nắm vững như nhau theo cùng tiến độ. Chỉ cần đến cuối năm, cuối cấp học sinh đạt được các yêu cầu nêu ra.

Chương trình trung học phổ thông có tính chặt chẽ, tính logic cao hơn các cấp học dưới. Nhưng ở trung học phổ thông cũng đảm bảo tính cân đối giữa các nội dung giáo dục thể, đức , trí, mỹ nghĩa là trí dục chỉ chiếm ¼ thời lượng của chương trình.

Với thời lượng như vậy về trí dục phải cắt giảm đến khoảng 2/3 khối lượng xưa nay. Nhận xét phổ biến là chương trình trí dục xưa nay học nhiều nhưng áp dụng rất ít.

Với thay đổi chương trình như vậy đội ngũ giáo viên hay nói đúng hơn là những người giáo dục phải thay đổi cơ bản về số lượng, cơ cấu thành phần và chất lượng. Giáo viên phải là những người tốt nhất trong những người cùng lứa trong xã hội.

Về mặt thể chất, tâm hồn và trí tuệ xứng đáng được xã hội giao cho trọng trách chăm lo cho thế hệ tương lai, cũng là đảm bảo cho sự an toàn và phồn vinh của đất nước. Khi vị trí giáo dục được xác định lại, hệ thống giáo dục được tổ chức lại, chương trình giáo dục được thiết kế lại thì đội ngũ giáo dục sẽ thu hút thanh niên ít nhất là như các trường sỹ quan quân đội và ngành công an hiện nay.

Khi đã tổ chức lại để có một nền giáo dục phổ thông tốt, thì giáo dục nghề nghiệp và đại học sẽ có điều kiện để có chất lượng tốt mà đặc trương lớn nhất là người học dễ dàng thích nghi với các biến động về xã hội và công nghệ.

Giáo dục nghề nghiệp cần bám sát nhu cầu của sản xuất và dịch vụ và tốt nhất là đào tạo tại cơ sở sản xuất và dịch vụ.

Giáo dục đại học chủ yếu cung cấp nền tảng tri thức và văn hóa, tinh thần và phương pháp học tập sáng tạo để có thể tự thích nghi khi công nghệ thay đổi. Đó là điều mà Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đòi hỏi.

PGS.TS Đặng Bá Lãm