Giải pháp nào để giải sự "ngại học" của người lớn?
(Dân trí) - Tâm lý ngại học, tự bằng lòng với kiến thức đã có, điều kiện học tập khó khăn… cộng với sự quan tâm chưa đúng mức của cơ quan hoạch định chính sách học tập của người lớn nên trong xã hội đã có những biểu hiện bất cập... vậy làm thế nào để giải quyết tình trạng này?
Ngày 18/7, Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam đã tổ chức Hội thảo: "Học tập của người lớn: Thực trạng và giải pháp".
Tham dự hội thảo có đại diện các Bộ Ban, Ngành và đoàn thể, có những nhà hoạch định chính sách giáo dục – đào tạo và các Hội Khuyến học địa phương.
GS.TS Phạm Tất Dong, Tổng thư ký, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho biết, hội thảo có một ý nghĩa đặc biệt, bởi chúng ta bàn đến một vấn đề lớn, mang tính chiến lược giáo dục: Chính việc tổ chức tốt giáo dục người lớn, thúc đẩy việc học tập suốt đời của người lớn là điều kiện tiên quyết để chúng ta đạt mục tiêu có nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu lao động của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tiếp cận với thành quả của cuộc cách mạng 4.0 mang lại.
Học tập người lớn chưa được quan tâm đúng mức
Phát biểu khai mạc hội nghị, GS.TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho biết, khác với trẻ em và học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường, người lớn học có tính thực dụng cao, họ học vì công việc, học vì sự thăng tiến, học vì trách nhiệm, là nghĩa vụ và cũng là quyền lợi của họ.
Điều này càng được đề cao đối với người đã thực sự trưởng thành và đặc biệt đối với đa số người cao tuổi. Như vậy, học tập của những lớp người này thường có mục đích rõ ràng, mang tính tự nguyện (tham gia các lớp học) do có nhu cầu học tập thực sự.
Tuy nhiên, Chủ tịch Doan cho rằng, không phải người lớn nào cũng nhận thức được như vậy. Một số người thường “tự hài lòng” với kiến thức đã có, cảm thấy mình đã biết, đã hiểu và đã có kinh nghiệm đủ để làm việc nên không chú trọng và không quan tâm đến việc học tiếp sau khi đã có được tấm bằng ở một trường nào đó. Cộng vào đó là tâm lý ngại học, điều kiện gia đình khó khăn… làm cho họ không muốn học thêm, kể cả những người có điều kiện mà vẫn lười học.
Hiện tại, khi mà Đảng và Chính phủ đã có nhiều quyết sách cho giáo dục – đào tạo, thì sự học của người lớn vẫn chưa được quan tâm đúng mức trong hệ thống giáo dục quốc dân. Vấn đề học tập người lớn đã được nhắc đến trong Luật giáo dục thông qua cụm từ “giáo dục thường xuyên”, đó chính là một hình thức giáo dục cho nhân lực hiện đang là lực lượng triển khai, thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Nếu họ không được thường xuyên cập nhật và nâng cao sự hiểu biết về mọi mặt, đặc biệt là trình độ nghề nghiệp thì các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước không thể đi vào cuộc sống. Song, nhìn tổng thể “Học tập người lớn” chưa được quan tâm đầu tư đúng mức với vị trí của nó.
Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam - GS.TS Nguyễn Thị Doan
Theo Chủ tịch Doan, tâm lý ngại học, tự bằng lòng với kiến thức đã có, điều kiện học tập khó khăn… cộng với sự quan tâm chưa đúng mức của cơ quan hoạch định chính sách học tập của người lớn nên trong xã hội đã có những biểu hiện bất cập trong xã hội như: Năng suất lao động thấp; Đạo đức xã hội xuống cấp, thói hư tật xấu gia tăng một số nơi; Hội nhập khó khăn do thiếu hiểu biết; Sự tụt hậu xa của đất nước về nhiều mặt so với khu vực và thế giới; Sự lãng phí thời gian trong nhiều cơ quan Nhà nước các cấp; Sự phát triển thiếu bền vững...
Trong khi đó nhiều người lớn có nhận thức đúng và trách nhiệm với sự học thì điều kiện học tập lại khó khăn, xã hội chưa động viên được họ tích cực hơn trong lao động, sản xuất và cống hiến.
Chủ tịch Doan đề nghị, đã đến lúc chúng ta phải tuyên truyền mạnh hơn về Học tập của người lớn, tính cấp thiết phải đầu tư thích đáng cho sự học của đối tượng này, không phải chỉ thông qua mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập” mà cần có cơ chế, chính sách, nguồn lực làm chuyển biến thực sự các Trung tâm học tập cộng đồng, Cộng đồng học tập…
"Sự chuyển biến đó trước tiên phải từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, rồi đến các Bộ, Ban, Ngành, Đoàn thể - nơi đang có một đội ngũ hùng hậu lực lượng lao động làm việc, rồi đến Hội Khuyến học Việt Nam. Trước yêu cầu cấp thiết của sự phát triển, hội nhập... chúng ta không thể làm khác được" - Chủ tịch Doan nhấn mạnh.
GS.TS Nguyễn Thị Doan - Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nói về sự bất cập trong học tập của người lớn
Nhiều giải pháp nhưng chưa hiệu quả
Theo điều tra dân số 2014, hiện cả nước có hơn 9,6 triệu người cao tuổi (NCT) (từ 60 tuổi trở lên), chiếm hơn 10% dân số. Là nước có tốc độ già hóa dân số nhanh chỉ trong vòng 20 năm, trong lúc đó các nước phát triển đều trên 100 năm, cá biệt như Pháp 120 năm. Theo dự báo của các nhà khoa học, với tốc độ già hóa dân số như hiện nay thì chỉ 10 năm nữa (2028) dân số nước ta cứ có một trẻ em thì có một NCT.
Tại hội thảo, ông Đoàn Trọng Loan, Hội Người Cao tuổi Việt Nam cho hay, việc học tập của NCT chủ yếu là tự phát, do kế tục được vốn kiến thức tích lũy được khi còn trẻ, còn làm việc. Nhiều đối tượng đặc biệt chưa được chú ý đúng mức, hiện tượng tái mù ở NCT có xu hướng gia tăng nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Chưa tạo được phong trào học tập, chưa có đánh giá, tổng kết rút kinh nghiệm, biểu dương khen thưởng kịp thời.
Theo đó, ông Loan kiến nghị, Bộ Giáo dục-Đào tạo nghiên cứu cơ bản vấn đề học tập của NCT, xây dựng chương trình, giáo trình, mô hình, tiêu chí đánh học tập để tham mưu về chính sách học tập suốt đời đối với NCT.
Các đại biểu tham dự hội thảo
Đối với Việt Nam, Trung tâm học tập cộng đồng được coi là cơ sở giáo dục thường xuyên trên địa bản xã, phường, thị trấn. Hiện nay, số lượng TTHTCĐ hiện nay là 11.081 TTHTCĐ (đạt tỷ lệ 99,3% số xã/phường có TTHTCĐ), trong đó có 61 tỉnh/TP đạt 100% số xã/phường/thị trấn có TTHTCĐ.
Số lượng người tham gia học tập tại TTHTCĐ bình quân hàng năm có 13 triệu lượt người học các lớp chuyên đề; gần 35 nghìn người tham gia lớp bồi dưỡng ngắn hạn; vài chục nghìn người học lớp XMC...
Ông Nguyễn Hồng Sơn, Vụ Giáo dục thường xuyên – Bộ GD&ĐT cho biết, ngành Giáo dục và Đào tạo đã ban hành nhiều văn bản và phối hợp với Hội Khuyến học các cấp tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền triển khai và xây dựng cơ chế chính sách nhằm hỗ trợ cho các TTHTCĐ.
Tuy nhiên, ông Sơn thừa nhận, tuy mạng lưới tăng nhanh, nhưng nhìn chung chất lượng, hiệu quả hoạt động của TTHTCĐ còn thấp như nhận thức về vai trò, vị trí, tác dụng của TTHTCĐ, ý nghĩa của việc xây dựng và phát triển TTHTCĐ của một bộ phận cán bộ và nhân dân còn hạn chế; Công tác liên kết, phối hợp chưa tốt, chưa có các quy chế phối hợp phù hợp; chưa có chính sách khuyến khích, chưa có ràng buộc về trách nhiệm và cụ thể hóa về quyền lợi và nghĩa vụ...
Đại diện Bộ GD&ĐT đã đưa ra nhiều giải pháp như hoàn thiện bộ máy tổ chức, cơ chế vận hành gắn hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng với sự nghiệp xây dựng nông thôn mới và khu dân cư văn hóa; nâng cao năng lực quản lý đối với cán bộ quản lý và bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm cho giáo viên, hướng dẫn viên, báo cáo viên TTHTCĐ ; Đảm bảo tài chính và các điều kiện về cơ sở vật chất - kỹ thuật cần thiết đáp ứng yêu cầu tổ chức các hoạt động của TTHTCĐ... đặc biệt, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong công tác quản lý, công tác giảng dạy và học tập để phát triển TTHTCĐ.
Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Việt Hà, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, theo thống kê chưa đầy đủ, đến hết năm 2015, cả nước có: 70,66% công nhân lao động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp có trình độ trung học phổ thông và tương đương, 47,84% công nhân lao động có tay nghề cao ở các ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, 70,09% công nhân lao động được đào tạo qua các trường, lớp nghề.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai các hoạt động học tập suốt đời cho công nhân, Tổng Liên đoàn còn gặp nhiều khó khăn như: một bộ phận công nhân lao động chưa nhận thức đầy đủ về quyền lợi, trách nhiệm của cá nhân trong việc học tập nâng cao trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp. Do đời sống khó khăn, thu nhập thấp và cường độ lao động căng thẳng, thời gian được nghỉ công nhân lao động tranh thủ làm thêm giờ nhằm tăng thu nhập, nên không có thời gian học tập.
Bên cạnh đó, số lượng doanh nghiệp nhà nước thu hẹp dần. Người sử dụng lao động chỉ quan tâm, chú trọng đến sản xuất kinh doanh, chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của công tác nâng cao trình độ học vấn, tay nghề cho người lao động đối với sự phát triển của doanh nghiệp...
Đặc biệt, bà Hà cho rằng, công tác phối hợp giữa công đoàn với ngành giáo dục và đào tạo về dạy học văn hóa, ngành lao động thương binh và xã hội về dạy nghề còn thiếu chặt chẽ, chưa đồng bộ, nên chưa có những tham mưu, đề xuất phù hợp với tình hình thực tế.
Hội thảo có tham vọng, sẽ thống nhất được quan điểm giáo dục người lớn và từ đó, chuyển đổi được những hiểu biết sang thái độ và hành vi trong tổ chức và thực hiện giáo dục người lớn như một mục tiêu chiến lược giáo dục.
Đối với việc học tập của phụ nữ, việc học tập nâng cao trình độ của phụ nữ luôn gặp khó khăn hơn so với nam giới do áp lực trong công việc và cuộc sống ngày càng đè nặng lên đôi vai của họ. Do vậy, người phụ nữ bước ra khỏi cánh cửa gia đình để đi học tập nâng cao trình độ bao giờ cũng gặp nhiều khó khăn, thử thách không dễ vượt qua.
Bà Nguyễn Thị Huyền, Ban Tuyên giáo, Hội Phụ nữ Việt Nam cho biết, nhiều phụ nữ thiếu thời gian đề đầu tư vào việc học tập nâng cao trình độ; ít được động viên, khuyến khích theo đuổi để thực hiện ước mơ được học tập nâng cao trình độ, nhất là ở trình độ cao như thạc sĩ, tiến sĩ khoa học.
Theo bà Huyền, giải pháp quan trọng nhất để phụ nữ vươn lên trong xã hội là phải tự cố gắng vươn lên học tập nghiên cứu nâng cao trình độ để tiến tới bình đẳng giới trong xã hội hiện nay; phải hiểu rõ về bản thân mình, thấy được hoàn cảnh và điều kiện của gia đình mình. Đồng thời cũng phải thấy rõ được mặt mạnh, mặt yếu của bản thân để xác định mục tiêu, mức độ phấn đấu sao cho phù hợp để đạt kết quả.
Bên cạnh đó, nhà nước và cơ quan phải tạo điều kiện ưu tiên, khuyến khích cho phụ nữ đi học nâng cao trình độ. Đặc biệt, một yếu tố quan trọng nữa là sự ủng hộ từ phía gia đình, người chồng phải có sự cảm thông sâu sắc và tự giác giúp đỡ những công việc gia đình cho vợ, tạo điều kiện cho người vợ có thể phấn đấu, học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Tại hội thảo, GS.TS Phạm Tất Dong cho rằng, giáo dục người lớn cần được coi như một ngành học bên cạnh ngành học mẫu giáo, phổ thông, chuyên nghiệp. Người lớn có nhiều kinh nghiệm sống, được trải nghiệm qua sản xuất kinh doanh và nhiều hoạt động xã hội… kiến thức chuyển tải tới người lớn không đơn thuần là theo cơ chế truyền thụ, phổ biến, áp đặt, mà cần phải tính đến kinh nghiệm riêng của từng người.
"Với đặc điểm này, nhất thiết phải có khoa đào tạo giáo viên (khoa sư phạm người lớn)" - ông Dong kiến nghị.
Tại hội thảo, các đại biểu sẽ ra cam kết đẩy mạnh học tập của người lớn trong giai đoạn tới trên cơ sở chức năng và nhiệm vụ của mình; cùng nhau đề xuất các khuyến nghị để khuyến khích, động viên, tạo điều kiện học tập dễ dàng, thuận lợi cho người lớn.
Hồng Hạnh