Đưa chất liệu “hot teen” vào đề thi: Ranh giới giữa tuyệt vời và vô duyên

(Dân trí) - Việc cập nhật các sự kiện “nóng”, mà đa phần là nhân vật, bộ phim “sốt dẻo” vào đề thi (như nhiều trường trường phổ thông thực hiện thời gian gần đây) có thể là hấp dẫn, sáng tạo nhưng cũng dễ lắm là… khiên cưỡng, xô bồ, phản giáo dục.

PV Dân trí ghi nhận quan điểm của các chuyên gia giáo dục, học giả Việt Nam tại nước ngoài về vấn đề này.

Phương tiện giao tiếp tốt nếu sử dụng đúng cách


Giảng viên ĐH Southampton (Vương quốc Anh) Trần Thanh Long

Giảng viên ĐH Southampton (Vương quốc Anh) Trần Thanh Long

Là một giảng viên tại khoa Máy tính và trí tuệ nhân tạo, Đại học Southampton, Vương quốc Anh, thầy Trần Thanh Long cho rằng, việc đưa các vấn đề “nóng” được giới trẻ quan tâm vào giảng dạy (tạm gọi là chất liệu “hot teen”) là cách tạo ra phương tiện giao tiếp hấp dẫn để học sinh tiếp thu kiến thức hiệu quả.

Theo giảng viên Trần Thanh Long, việc đưa chủ đề “hot teen” vào giáo dục học sinh là một ý tưởng tuyệt vời và bản thân anh cũng thường xuyên áp dục. Bởi lẽ, chúng ta không nên quên rằng mục đích của giảng dạy là làm cho học sinh hiểu các khái niệm cơ bản và để làm như vậy, không có gì tốt hơn là truyền đạt thông tin trừu tượng thành một thứ “ngôn ngữ” của giới học trò hiện đại.

Thầy Long kể 2 ví dụ:

“1. Câu chuyện từ một người đồng nghiệp của tôi: Cô đang dạy môn Toán cấp Trung học cho các sinh viên ở Hungary. Dốc sức giảng dạy nhưng cô ấy dường như “tuyệt vọng” bởi gần như tất cả các sinh viên này thậm chí không thể hiểu những khái niệm cơ bản.

Một ngày, cô nhận ra hầu hết học sinh của mình là chủ cửa hàng. Vì vậy, cô chuyển đổi các vấn đề toán học của mình thành chất liệu cuộc sống/ các tình huống giữa khách hàng – người bán. Mọi thứ thay đổi hoàn toàn. Bỗng nhiên, tất cả các sinh viên trong lớp trở nên rất sáng láng, nắm bắt nhanh nhạy mọi bài giảng và hiểu dễ dàng những khái niệm toán học. Họ thậm chí có thể tính nhẩm với một tốc độ khó tin (Điều mà họ không bao giờ nghĩ mình có thể làm được trước đây).

2. Gần đây, tôi sử dụng chất liệu trong Game of Thrones – Trò chơi vương quyền (Loạt bom tấn 18+ bốn năm liền bị tải lậu nhiều nhất thế giới) để dạy những sinh viên năm cuối của mình về suy luận Bayesian (vốn được coi là khá nhàm chán) trong ngành kỹ thuật máy tính. Rất bất ngờ, tôi có thể thu hút sự chú ý của các sinh viên ngay lập tức, và kết quả trong một phiên thảo luận rất tốt”.

“Vì vậy, tôi quan điểm, mỗi giảng viên chúng ta cũng cần phải hiểu được cách tốt nhất để giao tiếp với các sinh viên của mình là gì. Và chất liệu/ sự kiện “hot teen” cũng là một cách thức/ phương tiện giao tiếp tốt nếu sử dụng hợp lý”, giảng viên này khẳng định.

Lạm dụng, gượng ép, đánh đố là phản cảm


Tiến sĩ gốc Việt Nguyễn Kim Hương (nghiên cứu, giảng dạy tại Griffith University, Úc)

Tiến sĩ gốc Việt Nguyễn Kim Hương (nghiên cứu, giảng dạy tại Griffith University, Úc)

Tiến sĩ gốc Việt Nguyễn Kim Hương đang nghiên cứu, giảng dạy tại Griffith University, Úc cũng khẳng định, việc tăng cường ra các câu hỏi mở, gắn với thời sự, quê hương, đất nước để học sinh được bày tỏ chính kiến của mình về các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội là nên làm. Song, có làm tốt hay không hoàn toàn phụ thuộc vào trình độ kiến thức và sư phạm của giáo viên.

Theo nữ tiến sĩ, những sự kiện và ví dụ đưa vào phải có liên hệ thật sự với nội dung bài giảng thi mới có tác dụng thực sự. Qua đó, học sinh có kĩ năng vận dụng kiến thức sách vở, soi sáng vào cuộc sống, cùng kĩ năng xem xét các vấn đề cuộc sống đa chiều, đa diện.

“Nếu gượng ép lấy những sự kiện hay phim ảnh mà số đông thích, nhưng nội dung không liên quan thì thật sự là phản cảm (phản giáo dục)”, TS Nguyễn Kim Hương nhấn mạnh.

Đối sánh với nền giáo dục Úc, TS Nguyễn Kim Hương cho biết, học sinh cấp 2- cấp 3 tại Úc được khuyến khích tìm hiểu người của công chúng, nhưng thường là những nhân vật khoa học, chính trị, văn hóa có tầm ảnh hưởng chứ không phải là những người “nổi tiếng”, chỉ mang tính giải trí đơn thuần nhưng không có có nhiều vị trí trong học thuật.

Bà Hương lấy ví dụ việc ra câu hỏi trắc nghiệm tiếng Anh nghề nghiệp của nam diễn viên trong bộ phim “Hậu duệ mặt trời” và cho rằng, nếu học sinh nào tuyệt nhiên không ham mê trào lưu phim ảnh của giới trẻ có thể sẽ mất điểm.

“Thi trong nhà trường như vậy bỗng chốc trở thành đánh đố hiểu biết về phim ảnh, truyền hình?! Đó nên là câu đối vui chứ không thể xem là kiến thức cơ bản để kiểm tra học tập. Rõ ràng, cách làm có vẻ hấp dẫn hơn nhưng có đạt mục đích giáo dục không, có tốt nhất cho học sinh không lại là chuyện khác”, TS Nguyễn Kim Hương đánh giá.

Làm giáo dục, đừng dễ dãi!


Ông Nghiêm Hồng Sơn (Nghiên cứu viên cao cấp, Đại học Công nghệ Queensand, Úc)

Ông Nghiêm Hồng Sơn (Nghiên cứu viên cao cấp, Đại học Công nghệ Queensand, Úc)

Ông Nghiêm Hồng Sơn, Nghiên cứu viên cao cấp, Đại học Công nghệ Queensand, Úc đánh giá đề thi Vật lý có tình huống hất điện thoại trong phim "Hậu duệ Mặt trời" đang gây sốt trên mạng hiện nay là đề thi… vô duyên. Những thông tin về bộ phim là thừa thãi và có thể gây phân tâm với thí sinh.

Ngoài ra, đề vật lý này còn làm rối trí học sinh bởi thiếu nhiều thông tin liên quan: lực bàn tay người cầm áp vào điện thoại (cầm chặt hay lỏng), điểm tiếp xúc giữa tay người hất và tay người cầm... Nếu học sinh gặp khó khăn trong làm bài thì lỗi là tại người ra đề và ban kiểm duyệt đề thi.

Đề thi những môn này cần tập trung vào kiểm tra các kiến thức đã học và tránh những thông tin thừa thãi. Trong giảng dạy, tôi có ra một số đề ứng dụng về các sự kiện “nóng” nhưng thường thuộc dạng bài luận và liên quan đến các kiến thức được dạy”, ông Nghiêm Hồng Sơn chia sẻ.

Giảng viên Trần Thanh Long (Đại học Southampton, Vương quốc Anh) cũng nhận định, không phải em học sinh nào cũng quan tâm đến những sự kiện được cho là “đình đám”. Anh đồng tình rằng, phải kiểm duyệt chặt chẽ việc đưa sự kiện “nóng” được giới trẻ quan tâm vào đề thi để đảm bảo tính khoa học, tính giáo dục.

Anh Long kiến giải: “Nếu chúng ta (những thầy cô giáo, nhà trường…) mô tả vấn đề, cung cấp dữ liệu và các thông tin cần thiết ở câu hỏi một cách đầy đủ (đảm bảo để có thể đưa ra đáp án đúng) thì học sinh hoàn toàn có thể làm tốt bài thi mà không phụ thuộc vào sự hiểu biết tỉ mỉ về chủ đề/ chất liệu “hot teen” được đưa vào đề thi”.


Chị Trần Xoan (Nghiên cứu sinh thạc sĩ chuyên ngành Giáo dục học tại Đại học Thammasat, Thái Lan)

Chị Trần Xoan (Nghiên cứu sinh thạc sĩ chuyên ngành Giáo dục học tại Đại học Thammasat, Thái Lan)

Chị Trần Xoan (Nghiên cứu sinh thạc sĩ chuyên ngành Giáo dục học tại Đại học Thammasat, Thái Lan) cũng phản đối việc lạm dụng thái quá, không phù hợp việc đưa hình ảnh, nhân vật “hot” trong giới trẻ vào giảng dạy, đặc biệt là ra đề thi.

Chị lấy ví dụ, việc đưa những câu hỏi như “Sơn Tùng MTP bị sâu răng do thói quen ngậm kẹo ngọt khi biểu diễn…” để trắc nghiệm về hóa chất giúp chữa sâu răng rõ ràng là không cần thiết.

“Sự kiện, phim ảnh, diễn viên đưa vào đề thi không ăn nhập thì không nên kể cả cách sử dụng tên trong đề bài. Ban đầu thì có thể xem như cho vui, cho qua, nhưng cá nhân tôi nghĩ đó là sự dễ dãi của người làm giáo dục và thực sự… trào phúng”, Trần Xoan đánh giá.

Lệ Thu