Điểm chuẩn nhóm ngành Sư phạm có thật sự thấp?
Thông tin điểm chuẩn trúng tuyển Đại học 2017 vào một số trường sư phạm tương đối thấp xuất hiện trên một số phương tiện truyền thông rất dễ dẫn dắt người đọc đến suy nghĩ về một tương lai không mấy khả quan của chất lượng giáo dục nước nhà.
Tuy nhiên không phải trường sư phạm nào cũng có điểm chuẩn đầu vào thấp, điển hình như ngành sư phạm Toán học bằng tiếng Anh của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội có điểm chuẩn đầu vào lên tới 27,75, hay Trường ĐH Sư phạm TPHCM năm nay điểm chuẩn cao nhất là ngành sư phạm Toán với 26,25 điểm.
Xung quanh vấn đề này, PV Báo GD&TĐ có cuộc trò chuyện với PGS.TS Huỳnh Văn Sơn - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM.
Thưa PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, trên một số phương tiện truyền thông đăng tải điểm chuẩn ngành sư phạm của một số trường nằm trong nhóm điểm chuẩn thấp của tuyển sinh 2017, là một lãnh đạo của Trường ĐH sư phạm, ông thấy thế nào?.
PGS.TS Huỳnh Văn Sơn (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM): Trước hết, chúng ta cần nhìn một cách công bằng và chính xác thay vì thiếu cái nhìn toàn cục. Với một số ngành nghề khác, địa hạt gọn – rõ, chỉ tiêu tuyển sinh - ứng với nhu cầu cụ thể, hoặc dàn rộng nên khó so sánh.
Việc đặt nhóm ngành Sư phạm với một nhóm ngành khác khi chúng ta không đặt đúng chiều kích so sánh thật thiếu công bằng… Như thế, có thể khẳng định ngay câu hỏi trên là câu hỏi khách quan và mang tính khách quan
Ngay trong nhóm ngành Sư phạm, chúng ta cũng cần xem xét cụ thể. Chẳng hạn Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, điểm tuyển đầu vào của ngành sư phạm toán học bằng tiếng Anh lên tới 27,75 và điểm tuyển trung bình của tất cả các ngành là 21,38 điểm (7,1 điểm/môn).
Tương tự, Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh năm nay điểm chuẩn cao nhất là ngành sư phạm Toán với 26,25 điểm và ngành thấp nhất là sư phạm tiếng Nga với 17,75 điểm. Thế nhưng điểm trúng tuyển trung bình cho 19 ngành của trường là 22,46 điểm - cao nhất trong tất cả các trường sư phạm.
Vì vậy, nếu so sánh thì cần hiểu trong ngành Sư phạm có nhiều nhóm ngành chuyên sâu. Việc tuyển sinh cần dựa vào nhu cầu cũng như có tầm nhìn là môn đó sẽ được triển khai thế nào trong chương trình giáo dục. Ngoài ra, cũng cần nhìn thấy tương lai và có nhóm ngành phải đào tạo theo lộ trình tương lai và thử nghiệm…
Thống kê điểm chuẩn trúng tuyển của các trường sư phạm tại các địa phương cho thấy, đa phần các trường đều lấy điểm chuẩn bằng hoặc nhích hơn một chút so với điểm sàn của Bộ Giáo dục và Đào tạo là 15,5 điểm.
Cụ thể, Trường ĐH Hà Tĩnh lấy điểm chuẩn 15,5 cho tất cả ngành học, trừ sư phạm mầm non. Một số tỉnh thành khác cũng tương tự nhưng có một số ngành cũng có số điểm tuyển trên 20 điểm… Cần có một quan điểm đánh giá cũng như cần thấy rằng nếu chúng ta nghĩ đến tương lai của bài viết hay thông tin, hãy để động cơ khuyến khích sinh viên vào sư phạm.
Một số ý kiến cho rằng, nguyên nhân điểm chuẩn một số ngành của trường sư phạm còn thấp là do: Cung cầu thị trường, chất lượng đào tạo, chính sách đãi ngộ... chưa hợp lý? Ý kiến của ông về vấn đề này?
- Tôi cho rằng đó là điều cần xem xét nhưng xin được chia sẻ là người học sẽ làm gì khi tốt nghiệp. Tôi nghĩ, chúng ta cần nhìn nhận một cách công bằng về các ngành khác nhau trong nhóm ngành sư phạm. Song có một số vấn đề sau đây cần xem xét
Một là, ngành sư phạm đang có những thay đổi. Lương bổng, chế độ đãi ngộ, biên chế, sự cạnh tranh trong nghề nghiệp... đang trong lộ trình thay đổi. Có sự va đập và mâu thuẫn về các định hướng thay đổi trong ngành với những suy nghĩ cũ... Cụ thể hơn, khi kế hoạch đổi mới biên chế trong ngành giáo dục vẫn bị mâu thuẫn với suy nghĩ nghề sư phạm ổn định và nhàn hạ... Nếu giải quyết được vấn đề này thì sức cạnh tranh có thể gia tăng?
Hai là, rõ ràng việc xem xét cung cầu là điều rất quan trọng. Những minh chứng cho thấy nhu cầu giáo viên là cơ sở quan trọng ảnh hưởng đến tình hình tuyển sinh và chất lượng đào tạo. May mắn khi được tham gia nhiệm vụ của Bộ GD&ĐT về dự báo nhu cầu giáo viên nên tôi có thể hiểu và ủng hộ việc giảm chỉ tiêu tuyển sinh năm nay nhóm ngành sư phạm. Đấy chính là cơ sở khoa học và có minh chứng thuyết phục.
Ba là, sao chúng ta không đặt vấn đề về truyền thông để lý giải cho vấn đề tuyển sinh, sử dụng giáo viên? Nếu những ngành tăng điểm chuẩn hay giữ phong độ trong tuyển sinh sẽ được nhìn nhận công bằng thì vấn đề của ngành sẽ có những sự ủng hộ lớn từ dư luận… Đây là một trong những cơ sở khá quan trọng, cần thiết.
Từ thực tế Trường ĐH Sư phạm TPHCM, ông có kiến nghị gì về giải pháp quy hoạch mạng lưới các trường ĐH Sư phạm...?
- Việc quy hoạch mạng lưới các trường ĐH Sư phạm là điều cần thiết. Và đây là vấn đề mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đang rất quan tâm cũng như có hẳn một dự án Quốc gia. Những thay đổi hiện tại tôi đánh giá là rất bài bản cũng như có tầm vóc. Kiểu thay đổi này được diễn ra đồng bộ và từng phần theo lộ trình gắn kết.
Riêng với hai trường ĐHSP trọng điểm thì kết quả tuyển sinh hiện tại cho thấy sự phân khúc khá rõ nhưng không vì thế mà không cần quy hoạch. Việc tiếp tục quy hoạch để phát triển hệ thống các trường Sư phạm và nâng cao chất lượng đào tạo là điều cần thiết.
Với Trường ĐHSP TPHCM, tôi cũng có cái nhìn lạc quan nhưng không chủ quan. Việc dựa trên chủ trương quy hoạch mạng lưới các trường ĐH Sư phạm, Trường ĐHSP TPHCM cũng sẽ quy hoạch lại trường để một mặt nâng cao chất lượng đào tạo, một mặt đáp ứng yêu cầu từ thực tiễn cũng như chương trình giáo dục tổng thể.
Hơn thế nữa, việc quy hoạch Trường ĐHSP TPHCM thích ứng với thực tế và nhu cầu giáo dục ở TP HCM, xứng tầm với trường SP trọng điểm nhưng tuân thủ sứ mạng và tầm nhìn của trường là điều cần thiết.
Hơn thế nữa, tôi cho rằng công tác quy hoạch phải đáp ứng lộ trình đổi mới giáo dục và hướng đến đón đầu giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông trên thế giới sẽ là trọng trách của chúng tôi trong tình hình mới
Tôi nghĩ sẽ có thể chưa thật khách quan và đầy đủ nói về các giải pháp quy hoạch các trường Sư phạm nhưng vài cơ sở có thể lưu tâm như sau: Nên đầu tư có trọng điểm các trường Sư phạm trong đó ưu tiên các trường SP trọng điểm ở hai đầu cầu, có thể nghiên cứu thêm một trường Sư phạm trọng điểm ở miền Trung theo lộ trình; song song đó cần có tầm nhìn phát triển ngành sư phạm và các trường Sư phạm thích hợp theo các nhóm: Trường SP chuyên, Trường SP đa ngành, trường có khoa Sư phạm khu vực và trường có khoa Sư phạm ở địa phương.
Lẽ đương nhiên, cần quan tâm đến các trường đào tạo SP ở địa phương để xét chỉ tiêu dựa trên điều kiện cơ sở vật chất riêng cho sư phạm (không tính cơ học cho tất cả ngành SP và ngoài SP), đảm bảo chương trình đào tạo mang tính nhất quản, khuyến khích cơ sở thực hành tiên tiến cùng tham gia phát triển hệ thống trường Sư phạm và Khoa Sư phạm…
Nhưng điều cần nhất vẫn là mỗi Trường Sư phạm phải nhận ra cơ chế cạnh tranh trong đào tạo phải công bằng nên tự nỗ lực nâng tầm là điều cần thiết. Việc quy hoạch cần nhìn nhận dựa trên nhu cầu xã hội và tầm nhìn là điều căn cơ cần đảm bảo.
Xin cám ơn PGS.
Theo H.Chương
Giáo dục & Thời đại