ĐH Quốc gia HN: Bài thi đánh giá năng lực 2016 ra như thế nào?

(Dân trí) - Năm 2016, ĐH Quốc gia Hà Nội tiếp tục tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực với bài thi gồm 140 câu hỏi trắc nghiệm. Vậy bài thi năm nay có gì mới so với năm trước? Thí sinh cần phải ôn luyện như thế nào? Có điểm gì mới quan trọng trong kỳ thi này?

PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Kim Sơn, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội về vấn đề này.


Phó Giám đốc ĐH QGHN Nguyễn Kim Sơn

Phó Giám đốc ĐH QGHN Nguyễn Kim Sơn

Không chấp nhận nộp hồ sơ qua đường bưu điện

Thưa ông kỳ thi đánh giá năng lực 2016 có thay đổi gì so với kỳ thi năm 2015?

Trong phương án thi đánh giá năng lực và tuyển sinh của trường, về cơ bản ĐHQGHN vẫn kết thừa kế thừa và phát huy mô hình đã thực nghiệm và bước đầu thu được kết quả tốt, được dư luận, thí sinh, phụ huynh và các chuyên gia đánh giá khá cao năm 2015.

Nhưng từ thực tế thi 2015, chúng tôi cũng có một số điều chỉnh sát thực tế hơn để hoàn thiện phương thức thi mới.

Cụ thể, năm trước, kỳ thi đánh giá năng lực chỉ nhằm lấy kết quả đăng ký xét tuyển (ĐKXT) vào các trường thành viên của ĐHQGHN. Năm nay, có thêm một số trường ngoài cùng tham gia tổ chức thi và lấy kết quả để xét tuyển.

Năm 2015, chúng tôi tổ chức bài thi đánh giá năng lực chung với 195 phút với 140 câu hỏi. Còn với Ngoại ngữ, thí sinh vẫn làm bài trên giấy.

Nhưng năm nay, ĐHQG Hà Nội sẽ tổ chức làm bài thi đánh giá năng lực Ngoại ngữ trên máy (năm ngoái bài thi này vẫn làm trên giấy). Đề gồm 80 câu hỏi trắc nghiệm. Thời gian làm bài là 90 phút.

Kết quả bài thi ngoại ngữ chỉ có giá trị ngay trong năm dự thi để xét tuyển vào trường Đại học Ngoại ngữ thuộc ĐHQGHN và vào các trường đại học, cao đẳng không thuộc ĐHQG Hà Nội có công bố sử dụng kết quả bài thi ngoại ngữ để xét tuyển.

Về chọn điểm thi và cách nộp hồ sơ đăng ký dự thi như thế nào?

Năm nay thí sinh không những phải chọn địa điểm thi mà còn phải chọn cả đợt thi nữa. Cách làm này giúp nhà trường chủ động hơn.

Thí sinh lưu ý, thí sinh chỉ có 2 cách nộp hồ sơ là qua mạng và qua Trung tâm khảo thí của ĐHQGHN. Thí sinh ĐKDT trực tuyến trên website của Trung tâm Khảo thí theo địa chỉ: http://www.cet.vnu.edu.vn, mục “Đăng ký dự thi Đánh giá năng lực 2016”.

Về lệ phí, thí sinh có thể nộp lệ phí thi theo hai cách:Nộp vào tài khoản của Trung tâm Khảo thí qua Ngân hàng thương mại cổ phần đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) theo mã ĐKDT.

ĐH QGHN không chấp nhận gửi qua các ngân hàng khác và qua đường bưu điện. Nguyên nhân là do thực tế năm 2015 việc gửi hồ sơ qua bưu điện có những độ trễ hoặc sai sót nhất định dẫn đến quản lý khó khăn, vì thế, quyền lợi thí sinh bị ảnh hưởng.

Với phần mềm thiết kế này cho phép thí sinh đăng ký ứng tuyển vào các chương trình đào tạo của trường. Việc đăng ký online giúp giảm chi phí, thời gian đi lại cũng như căng thẳng không cần thiết cho thí sinh và gia đình; đồng thời giúp công tác xét tuyển của trường nhanh chóng, thuận lợi hơn. Thí sinh có thể vào trang web chung của ĐHQGHN hoặc website từng đơn vị thành viên để trực tiếp đăng ký vào các chương trình mình có nguyện vọng.

Sẽ sàng lọc bộ đề để tránh trùng lặp

Ông cho biết quy trình xây dựng bộ đề thi đánh giá năng lực của ĐH QGHN như thế nào?

Chúng tôi có một quy trình hết sức nghiêm ngặt trong xây dựng bộ đề, huy động cán bộ tham gia, đặt ra các mục tiêu đánh giá cho đến khởi thảo, làm các tiểu mục rồi qua khâu sàng lọc, thử nghiệm cho người học làm thử.

Ví dụ, để xác định độ chính xác, độ khó của đề nhất thiết phải dựa trên thử nghiệm thực tế. Có câu chuyên gia phân tích, đánh giá là khó, nhưng khi thử nghiệm có đến 2/3 thí sinh làm được thì câu đó không phải là khó nữa và ngược lại.

Ngoài thử nghiệm, việc làm này còn phải qua phản biện nhiều vòng mới được chính thức đưa vào để lựa chọn dùng làm đề thi.

Hàng năm, ĐHQG Hà Nội sẽ có những bước sàng lọc bộ đề với tỷ lệ đảm bảo cân bằng giữa các kỳ thi trước và sau, theo các năm, đồng thời cũng bổ sung, mở rộng với tỷ lệ hợp lý.

Năm 2015, bộ đề thi được đánh giá là cân bằng độ khó đề thi giữa các đợt thi, ca thi khá tốt. Chúng tôi đã khảo sát điểm thí sinh đăng ký dự thi cả 2 đợt năm 2015, thấy rằng, độ lệch về điểm trung bình 2 đợt là không đáng kể (1,7 điểm trên tổng điểm 140). Có gần 1/3 trong số đó là điểm số không hề thay đổi.

Năm nay, chúng tôi tiếp tục hoàn thiện kỹ thuật cân bằng độ khó. Thêm nữa, quy mô bộ đề cũng tăng, hoàn toàn đáp ứng số lượng thí sinh đăng ký tăng lên; chất lượng đề cũng tốt hơn.


Thí sinh tham dự Kỳ thi đánh giá năng lực năm 2015

Thí sinh tham dự Kỳ thi đánh giá năng lực năm 2015

Tăng câu hỏi thi theo hướng mở

Đối với bài thi đánh giá năng lực, ông cho biết thí sinh cần lưu ý gì khi ôn tập?

Bài thi đánh giá năng lực đòi hỏi kiến thức rộng, bao gồm cả lớp 10, 11 và 12, trong đó chủ yếu là lớp 12.

Tuy nhiên, thí sinh không nên lo lắng quá và nên có chú ý nhất định đến nhóm kiến thức khác, trên nền các kiến thức cơ bản để có thể làm bài thi đánh giá năng lực tổng hợp tốt.

Ngoài ra, năm nay câu hỏi cũng sẽ tăng cường theo hướng mở, gắn với kiến thức thực tế với tỷ lệ gia tăng thích hợp để thí sinh có thể thích ứng. Thí sinh trên nền kiến thức đã học, cần nắm chắc bản chất kiến thức và có tư duy một chút sẽ tốt.

Không công bố đáp án

Rất nhiều thí sinh thắc mắc vì sao ĐH Quốc gia Hà Nội không công bố đáp án sau khi thi. Ông cho biết lý do vì sao?

Thực hiện đúng thông lệ kỳ thi đánh giá năng lực quốc tế, trường sẽ không công bố đáp án các câu hỏi trong đề thi đánh giá năng lực phục vụ công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng.

Sự khác nhau giữa chuẩn bị bộ đề thi đánh giá năng lực và đề thi thông thường là sự chuẩn hóa. Câu hỏi trong bộ đề thi đánh giá năng lực là câu hỏi chuẩn hóa, tức qua nhiều bước sàng lọc, thử nghiệm rất công phu, đồng thời sẽ được sử dụng lại nên việc đưa đáp án là không cần thiết.

Chúng tôi khuyến cáo tới các thí sinh: Các bạn đừng nên công khai câu hỏi đã dự thi trong kỳ thi đánh giá năng lực của nhà trường. Vì việc nhớ câu hỏi không chính xác (do thí sinh không được mang vào phòng thi giấp nháp, không được chép câu hỏi mang ra ngoài phòng thi) nên câu hỏi có thể bị sai lệch. Điều này dẫn đến xã hội sẽ có cái nhìn không đúng về bộ đề.

Bên cạnh đó, khi câu hỏi tách ra khỏi tổng thể, người không tham gia vào việc xây dựng câu hỏi sẽ có thể không hiểu đúng. Do vậy, nhà trường sẽ phải loại các câu hỏi đó ra khỏi bộ đề dù đó là việc vô cùng lãng phí.

Dự kiến xét thêm thí sinh từ kỳ thi THPT quốc gia

Được biết, năm nay ĐH QGHN sẽ xét thêm thí sinh từ kỳ thi THPT quốc gia?

Trong phương án xét tuyển của trường, cơ bản chúng tôi vẫn dùng phương thức đánh giá năng lực, thí sinh sử dụng kết quả bài thi này để dự tuyển.

Tôi tin rằng, trong năm nay, khi xã hội biết nhiều hơn về kỳ thi, số lượng thí sinh khả năng gia tăng, số thí sinh chủ đích ứng tuyển vào ĐHQGHN cũng có thể tăng lên, nhà trường hoàn toàn đáp ứng được việc xét tuyển chất lượng tốt nhất.

Còn sau đợt 1, căn cứ vào tình hình thực tế, có thể chúng tôi sẽ tính đến lấy kết quả kỳ thi THPT quốc gia để tăng chất lượng nguồn tuyển. Tuy nhiên, đó mới là dự kiến, còn tôi khẳng định quan trọng nhất vẫn là sử dụng kết quả bài thi đánh giá năng lực.

Năm nay có thêm nhiều trường đại học có nguyện vọng lấy kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH QGHN để xét tuyển. Vậy, ngưỡng điểm xét tuyển năm nay ĐH QGHN có thay đổi so với năm trước? Các trường khác sử dụng kết quả của Kỳ thi đánh giá năng lực có được đặt ra ngưỡng riêng của mình?

Kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQGHN khác với kỳ thi THPT quốc gia. Khi thiết kế bộ đề và thử nghiệm câu hỏi, chúng tôi đã tính được ngưỡng đảm bảo chất lượng để thí sinh tham gia thi có thể học tốt với đòi hỏi của nhà trường. Năm 2015, ngưỡng đó là 70 điểm (thực tế, các trường thành viên của ĐHQG đều lất từ 80 - 85 điểm trở lên).

Tương tự, năm nay, tùy theo kết quả thi, chúng tôi cũng sẽ công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng để ứng tuyển vào trường.

Với các trường ngoài, việc có ấn định dựa vào ngưỡng điểm ấy hay không hoàn toàn là do các trường chủ động. Như vậy việc lấy điểm bao nhiêu hoàn toàn là việc của các đơn vị.

Xin trân trọng cám ơn ông!

Hồng Hạnh (thực hiện)