ĐH Quốc gia Hà Nội áp dụng chuẩn quốc tế vào xếp hạng

(Dân trí) - Trong khi các trường đại học đang loay hoay lên kế hoạch thực hiện phân tầng, xếp hạng trường thì ĐH Quốc gia Hà Nội công bố sẽ áp dụng chuẩn quốc tế vào xếp hạng và đã tiếp cận với các tiêu chí của đại học top 200 châu Á.

Nghị định 73 của Chính phủ về phân tầng và xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học vừa mới ban hành và có hiệu lực từ 25/10/2015. Theo đó, cơ sở giáo dục đại học được phân thành 3 tầng gồm: cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu, cơ sở giáo dục đại học định hướng ứng dụng và cơ sở giáo dục đại học định hướng thực hành.

Tuy nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội đã thực hiện theo mô hình đại học định hướng nghiên cứu. Theo đó, 4 trường đại học thành viên đã tiếp cận với các tiêu chí của đại học top 200 châu Á.

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với GS.TS Nguyễn Hữu Đức - Phó Giám đốc ĐHQGHN về việc định hướng đại học nghiên cứu và xếp hạng, phân tầng đại học như thế nào? áp dụng ra sao?

 


GS.TS Nguyễn Hữu Đức

GS.TS Nguyễn Hữu Đức

Áp dụng 29 tiêu chí cơ bản

ĐHQGHN đã xây dựng các tiêu chí đại học định hướng nghiên cứu theo hướng tiếp cận nào, thưa ông?

Các tiêu chí xác định đại học nghiên của ĐHQGHN được xây dựng dựa trên sáu đặc trưng cơ bản của đại học cứu nghiên cứu theo phân loại của các trường đại học Carnegie (Carnegie Classification), Hoa Kỳ; tiêu chí xếp loại đại học nghiên cứu của Amano, Nhật Bản; tiêu chí xếp hạng gắn sao đại học của bảng xếp hạng QS và có thêm một số điểm sáng tạo riêng.

Các đặc trưng này yêu cầu trường đại học phải có chiến lược phát triển rõ ràng, cam kết mạnh và kiên định với sứ mệnh, tầm nhìn; có quy mô đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực; có sự tích hợp giữa đào tạo với nghiên cứu; có ưu tiên tăng quy mô đào tạo sau đại học; giảng viên đồng thời là nhà khoa học; và nghiên cứu khoa học hướng đến cả ba nhóm sản phẩm: sáng tạo tri thức mới, phát triển công nghệ, ứng dụng và thương mại hóa, đóng góp hiệu quả cho cộng đồng.

Ông có thể nói rõ hơn về Bộ tiêu chí này gồm những tiêu chuẩn gì?

Bộ tiêu chí của ĐHQGHN gồm có 4 nhóm tiêu chuẩn về nghiên cứu, đào tạo, mức độ quốc tế hóa và hạ tầng phục vụ.

Nhóm tiêu chuẩn về thành tích nghiên cứu khoa học và chuyển giao tri thức gồm có các tiêu chí về tỉ lệ bài báo khoa học bình quân trên giảng viên, số lượng trích dẫn bình quân trên bài báo, số lượng sách chuyên khảo, sản phẩm KH&CN tiêu biểu quốc gia, số lượng giải thưởng khoa học, số lượng các nhà khoa học được mời đọc báo cáo mời tại các hội thảo khoa học quốc gia, quốc tế, tỉ lệ kinh phí từ nghiên cứu khoa học trên tổng kinh phí hoạt động của trường…

Nhóm tiêu chuẩn về chất lượng đào tạo gồm có: Tỉ lệ giảng viên/người học, tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ trở lên, có học hàm GS/PGS, tỉ lệ quy mô đào tạo sau đại học (trên tổng quy mô đào tạo), tỉ lệ quy mô đào tạo tiến sĩ, tỉ lệ bằng tiến sĩ (trên tổng số bằng cử nhân) được cấp hàng năm… và mức độ hài lòng của người học và đánh giá của các nhà tuyển dụng trong nước và quốc tế.

Nhóm tiêu chuẩn về mức độ quốc tế hoá có các tiêu chí về tỉ lệ giảng viên quốc tế; tỉ lệ người học là người nước ngoài; số lượng các đề tài, chương trình hợp tác quốc tế có công bố quốc tế chung.

Cuối cùng là nhóm tiêu chuẩn về cơ sở hạ tầng phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học với ba tiêu chí cụ thể là trang thiết bị, cơ sở vật chất cho phòng thí nghiệm, phòng thực hành, cơ sở học học liệu, công nghệ thông tin và thông tin khoa học.

Bộ tiêu chí này có 29 tiêu chí cơ bản phản ánh tiềm lực của trường đại học bao gồm số lượng, chất lượng và cơ cấu đội ngũ khoa học; cơ cấu quy mô đào tạo giữa các bậc; hạ tầng phục vụ đào tạo và nghiên cứu; tiềm lực về tri thức có thể và đã chuyển giao; đánh giá của nhà tuyển dụng và học giả. Không có các tiêu chí phân biệt về cơ cấu các chương trình đào tạo định hướng nghiên cứu, ứng dụng, không phân biệt tỉ lệ cơ cấu đơn vị đào tạo và nghiên cứu riêng biệt như một số quy định trong nước gần đây.

Với bộ tiêu chí cao như vậy nếu áp dụng đại trà ở nhiều trường đại học Việt Nam sẽ khó đạt được. Vậy, ĐH QGHN có gặp khó khăn khi áp dụng?

Xác định được bộ tiêu chí phản ánh được đầy đủ các đặc trưng của đại học nghiên cứu là công việc khó. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở đó, không lượng hóa thành chỉ số mà đưa ra áp dụng thì chúng ta chỉ có thể phân biệt được một cách tương đối nhóm này với nhóm khác, trường này với trường khác, nhưng không có gốc tọa độ để so sánh, không định vị được các trường đại học của ta đang ở vị trí nào, chất lượng nào. Do đó, ĐHQGHN đã thực hiện chuẩn đối sánh.

Để phục vụ mục tiêu trước mắt và dài hạn, các bộ chỉ số tương ứng với nhóm các trường đại học top 200 châu Á và 500 thế giới đã được xác định.

Tại thời điểm năm 2015, các đơn vị trong ĐHQGHN đã được đánh giá. Kết quả cho thấy các Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, Công nghệ, Khoa học Xã hội và Nhân văn và Kinh tế đã tiếp cận các tiêu chí của đại học định hướng nghiên cứu top 200 châu Á khá tốt.

ĐH Quốc gia Hà Nội áp dụng chuẩn quốc tế vào xếp hạng - 2

Khó lấy ý kiến phản hồi của các nhà tuyển dụng

Để triển khai đánh giá các tiêu chí cơ bản của đại học định hướng nghiên cứu, tương tự như cách tiếp cận của xếp hạng, còn việc phân tầng thì như thế nào, thưa ông?

Quan điểm chung của chúng tôi là, theo sứ mạng của ĐHQGHN thì các đơn vị thành viên (trường đại học và viện nghiên cứu) đều có chiến lược phát triển theo định hướng đại học nghiên cứu. Các đơn vị có lĩnh vực chuyên môn khác nhau, nhiệm vụ và đặc trưng nghiên cứu có thể khác nhau (nghiên cứu cơ bản hay nghiên cứu ứng dụng) nhưng đều có chung định hướng nghiên cứu, chỉ khác nhau về lĩnh vực khoa học và đối tượng nghiên cứu.

Ví dụ, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên có thể nghiên cứu từ hạt cơ bản đến công nghệ gen,… nhưng các nghiên cứu đó cũng có khả năng ứng dụng và chuyển giao. Còn Trường Đại học Ngoại ngữ có thể có trọng tâm là các nghiên cứu ứng dụng về các vấn đề giáo dục ngoại ngữ, ngôn ngữ học, nghiên cứu quốc tế và một số lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn có liên quan. Nghiên cứu là một thuộc tính không thể tách rời của trường đại học được.

Tiếp cận đa ngành, đa lĩnh vực, đa đối tượng và đa quy mô như vậy được thể hiện như thế nào trong cùng một bộ tiêu chí?

Các đơn vị cùng sứ mạng và mục tiêu phát triển thì cùng có chung một bộ tiêu chuẩn, tiêu chí là đúng, nhưng chỉ tiêu, chỉ số cho một số tiêu chí phải được định lượng khác nhau cho các lĩnh vực.

Ví dụ, đối với tiêu chí về bài báo quốc tế ISI hoặc Scopus, chỉ số xây dựng năm 2013 cho các đơn vị thuộc lĩnh vực KHTN&CN chỉ là 0,5 bài/cán bộ/5 năm, nhưng chỉ số này cho khối KHXH&NV chỉ là 0,1.

Trong khi đó, chỉ số về sách chuyên khảo thì khối KHXH&NV lại cao hơn khối KHTN&CN. Tương tự, chỉ số về tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ và chức danh GS, PGS cũng khác nhau.

Ngoài ra, cũng cần nêu thêm rằng, các chỉ số trong bộ tiêu chí này đều được tính theo tỉ lệ hoặc trung bình trên tổng số giảng viên, nên có thể áp dụng để đánh giá mức độ hội nhập của các cấp đơn vị khác nhau, từ trường đại học, viện nghiên cứu, khoa, bộ môn…

Trong quá trình triển khai, các chỉ tiêu nào đang còn gặp nhiều bất cập đối với các trường thưa ông?

Thường thì mọi người cho rằng đó là chỉ tiêu về bài báo quốc tế. Tất nhiên. Nhưng cũng còn nhiều chỉ tiêu rất đơn giản cũng chưa được quan tâm đầy đủ.

Ví dụ, để đánh giá uy tín khoa học của trường đại học, ngoài việc dựa vào ý kiến của của các học giả quốc tế, chúng tôi có đưa thêm tiêu chí về số lượt các nhà khoa học của trường được mời trình bày báo cáo mời (invited talk) tại các hội nghị khoa học quốc gia, quốc tế mỗi năm.

Tham dự hội nghị thì có thể có nhiều, nhưng số được cộng đồng khoa học thừa nhận và mời thuyết trình thì cũng rất lựa chọn. Tôi thích tiêu chí này vì nó giản dị nhưng rất khách quan, không phải cứ có học hàm, học vị là mình có uy tín.

Còn nữa, đó là ý kiến đánh giá của các nhà tuyển dụng và học giả quốc tế hàng năm. Chúng ta nói nhiều đến lấy phản hồi của nhà tuyển dụng để đổi mới đào tạo, nhưng mạng lưới các nhà tuyển dụng của chúng ta chưa được thiết lập. Chúng ta thống kê được rất nhiều đoàn ra, đoàn vào nhưng học giả quốc tế nào có thể phản hồi về chất lượng đào tạo và nghiên cứu của ta vẫn còn hạn chế.

Xin trân trọng cám ơn ông!

Anh Diệp (thực hiện)