Đề thi minh họa môn Văn: Thí sinh không đủ thời gian để làm bài sâu sắc

(Dân trí) - “Khoảng thời gian 120 phút cho cả ba phần gồm đọc hiểu, nghị luận xã hội (NLXH) và nghị luận văn học(NLVH) là không đủ để học sinh làm bài đảm bảo đủ ý, sâu sắc” - đó là ý kiến của thầy Đỗ Đức Anh - giáo viên văn Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1, TPHCM).

Nhận định về đề thi minh họa môn Ngữ văn, thầy Đỗ Đức Anh cho rằng các thí sinh sẽ gặp áp lực lớn về mặt thời gian. Thời gian làm bài là 120 phút với cả ba phần đọc hiểu, nghị luận xã hội và nghị luận văn học thì e rằng không thể đủ để học sinh làm chỉnh chu bài thi.

Học sinh THPT tại một trường ở TPHCM
Học sinh THPT tại một trường ở TPHCM

“Thí sinh đọc hiểu cần một khoảng thời gian suy ngẫm, phần làm văn cần thời gian để phân tích đề, lập dàn ý. Nhưng với 120 phút, thí sinh sẽ không có đủ cả thời gian để suy nghĩ hay đắn đo với câu chữ mình viết ra. Riêng đối với các thí sinh giỏi văn thì thật sự sẽ gặp bất lợi với khung thời gian này bởi các em đã quen giải đề và viết bài trong đề học sinh giỏi là 180 phút”, thầy Đức Anh chia sẻ.

Bên cạnh đó, theo thầy Đức Anh, dạng đề ở phần đọc - hiểu sẽ khó có đáp án thống nhất và dễ gây tranh cãi. Dạng câu hỏi mở ở phần đọc - hiểu sẽ dẫn đến việc đáp án linh hoạt theo cách nghĩ, quan điểm của thí sinh nhưng gây khó khăn trong việc thống nhất đáp án và việc chấm chênh sẽ có thể xảy ra. Nhiều học sinh tỏ ra lo lắng với những câu hỏi kiểu “tại sao”, “theo ý anh chị” nhưng đáp án lại theo ý người ra đề.

Ở phần NLXH, thầy Đức Anh đánh giá đề ra khá hay tuy nhiên vì bó hẹp chỉ viết trong vòng 200 chữ sẽ khiến học sinh khó “trải lòng” hết. Theo thầy Đức Anh: “Xưa nay, các em học sinh đã quá quen thuộc với cách viết dài, theo bố cục NLXH được dạy từ năm lớp 7 đến lớp 12. Bây giờ, đùng một cái bắt viết một đoạn. Thật ra viết một đoạn ngắn gọn súc tích nhưng đủ ý sẽ khó hơn nhiều so với viết một bài văn dài”. Ngược với đề NLXH, thầy Đức Anh cũng nhận định câu hỏi của phần NLVH khá dài, rộng và theo lối mòn cũ.

Ngoài ra, thầy Đức Anh cũng cho rằng việc phân bố điểm giữa các phần chưa được hợp lý. “Chênh lệch điểm số giữa các phần cũng khiến tôi băn khoăn. Cụ thể, 3 điểm cho 4 câu hỏi phần đọc - hiểu như thế có nhiều quá chăng? Hay 5 điểm cho NLVH sẽ gây áp lực cho các bạn học ban A, B vì phải học bài theo kiểu “thuộc lòng” nhiều hơn trước đây”, thầy Đức Anh băn khoăn.

Trong khi đó, cô Hồ Thị Tuyền - Tổ trưởng chuyên môn môn Ngữ văn trường THPT Nhân Việt (quận Tân Phú, TPHCM) thì cho rằng đề thi minh họa môn ngữ văn đã thể hiện nhiều tính mới trong cách ra đề. Cụ thể như ở phần đọc hiểu, số lượng câu hỏi ít hơn; các câu hỏi nghiêng nhiều về thông hiểu, cảm nhận chủ quan của người viết. Ở phần này, dù đề không yêu cầu viết đoạn văn ngắn nhưng cách học sinh trả lời cũng giống với trình bày một đoạn văn ngắn, không yêu cầu nhiều về hình thức (số câu, số dòng).

Cái mới ở phần làm văn, câu 1 giảm bớt dung lượng bài văn từ 400 chữ xuống còn 200 chữ đồng thời lồng ghép nội dung đọc hiểu vào dạng đề nghị luận một vấn đề đặt ra trong văn học. Như vậy sẽ giảm bớt áp lực học sinh khi cùng lúc giải quyết nhiều vấn đề khác nhau như trước. Ở câu 2 làm văn, điểm chiếm 50% (5 điểm) khác với trước đây là 40%.

Cô Tuyền cũng nhận định rằng đề dạng này khá vừa sức học sinh. Yêu cầu học sinh phải cảm nhận tốt mới có thể lí giải được vấn đề. Cái hay của dạng đề này phát huy sự khả năng cảm thụ văn học của người học. Tuy nhiên cũng sẽ khó là nếu khả năng lập luận của học sinh kém, sự cảm nhận ít sẽ không trả lời được.

Theo cô Tuyền, với cách ra đề như thế này, trong quá trình giảng dạy, giáo viên phải tìm được văn bản đọc hiểu hay, có thông điệp rõ ràng. Đồng thời, giáo viên phải thiết kế được được hệ thống câu hỏi chặt chẽ. Đề ra phù hợp với phương pháp dạy học nghiêng về rèn luyện kĩ năng cảm thụ văn học.

Lê Phương

(lephuong@dantri.com.vn)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm