Toàn cảnh giao lưu trực tuyến: Giải pháp nào ngăn tiêu cực trong kỳ thi THPT quốc gia?

(Dân trí) - Sáng nay, 3 vị khách mời gồm GS.TS Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng trường ĐH Thương Mại; PGS.TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội và thầy giáo Vũ Khắc Ngọc đã có mặt tại tòa soạn báo điện tử Dân trí để tham dự buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề "Giải pháp nào ngăn tiêu cực trong kỳ thi THPT quốc gia?". Mời bạn đọc theo dõi buổi giao lưu trực tuyến.


Tổng biên tập báo điện tử Dân trí Phạm Huy Hoàn (thứ hai từ trái sang) tặng hoa tới 3 khách mời tham gia buổi giao lưu.

Tổng biên tập báo điện tử Dân trí Phạm Huy Hoàn (thứ hai từ trái sang) tặng hoa tới 3 khách mời tham gia buổi giao lưu.

>> MỜI QUÝ ĐỘC GIẢ THEO DÕI TOÀN BỘ BUỔI GIAO LƯU TẠI ĐÂY <<

Giao lưu trực tuyến: Giải pháp nào ngăn tiêu cực trong kỳ thi THPT quốc gia?

* Trước câu hỏi của bạn đọc Phạm Duy Khanh (nam, 18 tuổi):

Theo em thì đề thi trắc nghiệm như hiện tại ở Việt Nam không đánh giá đúng năng lực của học sinh. Thầy nghĩ như thế nào về việc khoanh bừa trong đề thi trắc nghiệm?

Thầy giáo Vũ Khắc Ngọc cho biết:

Mỗi hình thức thi trắc nghiệm hay tự luận đều có những ưu nhược điểm riêng trong việc đánh giá năng lực của học sinh. Tuy nhiên, đối với một kì thi tiến hành trên số lượng lớn (gần 1 triệu thí sinh với gần 3 triệu bài thi) thì thi trắc nghiệm là lựa chọn phù hợp.

Để có được đề thi chất lượng hơn, Bộ GD&ĐT cần phải làm tốt hơn công tác ra đề và chuẩn hóa đề thi để sát với thực tiễn năng lực của học sinh tránh tình trạng có năm đề quá dễ, có năm đề quá khó.

Việc khoanh bừa trong thi trắc nghiệm là khó tránh khỏi nhưng Bộ có thể hạn chế tình trạng này bằng cách tăng điểm liệt và trừ điểm các câu sai (mỗi câu sai trừ 1/3 số điểm của một câu đúng).

Thầy giáo Vũ Khắc Ngọc đang trả lời câu hỏi của bạn đọc báo Dân trí trong buổi giao lưu trực tuyến.
Thầy giáo Vũ Khắc Ngọc đang trả lời câu hỏi của bạn đọc báo Dân trí trong buổi giao lưu trực tuyến.

* Trước câu hỏi của bạn đọc Sóng Hiền (nam, 37 tuổi):

Thưa thầy Tớp, kỳ thi tốt nghiệp THPT với mục đích chính là phục vụ cho xét tốt nghiệp... Vậy với tỷ lệ 95% đến 99 % học sinh qua kỳ thi này thì chúng ta có quá lãng phí thời gian và nguồn lực cho việc tổ chức kỳ thi không?

PGS.TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội nêu quan điểm:

Chúng ta vừa trải qua kỳ thi THPT Quốc gia 2018 và chuẩn bị cho đợt xét tuyển vào các trường ĐH-CĐ. Qua những vụ việc về gian lận thi cử ở các địa phương, nổi lên ở Hà Giang và Sơn La khiến dư luận xã hội hết sức bất bình và phẫn nộ và đặc biệt là sự vi phạm trắng trợn của các cá nhân công tác trong ngành Giáo dục, cá nhân tôi cho rằng đó là sự xuống cấp của đạo đức, sự tha hóa của cán bộ... Tôi cho rằng để đánh giá một cách khoa học về kỳ thi với mục đích xét tuyển vào ĐH-CĐ cần có đầy đủ thông tin và thời gian.

Tuy nhiên, hiện nay trên diễn đàn có rất nhiều ý kiến, trong đó có ý kiến cho rằng không nên duy trì kỳ thi như hiện nay khi tỷ lệ tốt nghiệp đạt 95-97%. Cá nhân tôi có một suy nghĩ khác, kỳ thi tốt nghiệp THPT để lấy kết quả xét tốt nghiệp mà chúng ta gọi là kỳ thi THPT Quốc gia do Luật quy định. Đã học thì phải có thi, để đánh giá, kỳ thi nào dù là hết môn học hay hết học kỳ hay hết cấp đều cần phải tổ chức thi hết sức nghiêm túc. Điều này không chỉ thể hiện sự công bằng với các thí sinh - những người học mà còn là sự đánh giá khách quan chất lượng giáo dục và có tính khoa học để sinh viên, học sinh phải phấn đấu vươn lên.

Trước năm 2014, kỳ thi THPT Quốc gia vẫn do các Sở GD&ĐT tổ chức và dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia, kỳ thi này không có tính cạnh tranh vì vậy cũng không gay gắt như kỳ thi xét tuyển Đại học, chỉ cần người học đạt được một trình độ, chuẩn đầu ra là có thể tốt nghiệp. Tuy nhiên, có thể do bệnh thành tích mà chúng ta đã có những vụ tiêu cực như Đồi Ngô hay Phú Xuyên.

Tuy nhiên, để đánh giá phân loại học sinh và cấp bằng tốt nghiệp phổ thông, tôi cho rằng vẫn phải duy trì kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia. Bởi các lý do sau đây:

1) Cần đánh giá giáo dục phổ thông một cách tổng thể từ công tác tổ chức, quản lý, giảng dạy đến chất lượng giáo dục trên một bình diện chung của cả nước chứ không phải của từng tỉnh, thành.

2) Dùng kết quả để đánh giá năng lực và kiến thức của học sinh để phân loại tốt nghiệp loại Giỏi - Khá - Trung Bình - Không tốt nghiệp...

Vì vậy, tôi cho rằng nếu 100% thí sinh đạt yêu cầu chuẩn đầu ra kiến thức thì họ có thể tốt nghiệp; không thể nói mục tiêu của kỳ thi này là để loại 2% hay 3% học sinh.

PGS.TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội trong buổi giao lưu trực tuyến.
PGS.TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội trong buổi giao lưu trực tuyến.

* Trước câu hỏi của bạn đọc Hoàng Thái Ngọc Trâm (nữ, 42 tuổi):

Xin hỏi thầy Sơn, nếu không có kỳ thi THPT quốc gia 2 trong 1 như năm nay, các trường đại học sẽ xét tuyển như thế nào? Tôi thấy nhiều trường hiện nay đã xét tuyển bằng học bạ, vậy có nên bỏ kỳ thi 2 trong 1 không?

GS.TS Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng trường ĐH Thương Mại trả lời:

Trước hết cần khẳng định là không có kỳ thi "2 trong 1". Kỳ thi chúng ta đang đề cập là kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, với mục đích trước hết là xét tốt nghiệp còn sau nữa các trường đại học sử dụng kết quả của kỳ thi này để phục vụ cho công tác tuyển sinh hay không là quyền của các trường. Bởi vì, Bộ GD&ĐT đã giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường ĐH,CĐ.

Các trường đại học được quyền chủ động xây dựng phương án tuyển sinh theo hướng nào là quyền của các trường. Có thể xét tuyển thông qua học bạ, có thể sử dụng kết quả THPT hoặc kết hợp cả 2; hoặc trường tự tổ chức thi tuyển trên cơ sở phương án được Bộ GD&ĐT phê duyệt.

GS.TS Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng trường ĐH Thương Mại đang trả lời câu hỏi của bạn đọc báo điện tử Dân trí.
GS.TS Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng trường ĐH Thương Mại đang trả lời câu hỏi của bạn đọc báo điện tử Dân trí.

* Bạn đọc Phạm Thị Thu Hiền (nữ, 42 tuổi):

Xin được hỏi thầy Ngọc. Được biết thầy nhận được rất nhiều thông tin từ học sinh và phụ huynh gửi đến cho thầy về gian lận trong kỳ thi PTTH vừa qua ở nhiều tỉnh. Tuy nhiên việc thanh tra, chấm thẩm định chỉ làm điểm và đã có phụ huynh bật khóc vì vấn đề này làm chưa triệt để gây hoang mang và niềm tin bị lung lay. Để động viên hay nói cách khác rằng an ủi những vị phụ huynh ấy thầy sẽ nói gì? Trân trọng cảm ơn thầy.

Thầy giáo Vũ Khắc Ngọc:

Thực tế qua số lượng bài thi có sai phạm và mức độ nâng điểm được công bố ở Hà Giang, tôi tin rằng Bộ GD&ĐT đã rất thẳng thắn, trung thực và dũng cảm trong việc thanh tra và làm rõ các tiêu cực trong kì thi THPT quốc gia năm nay.

Việc kết luận có hay không sai phạm ở các địa phương là công việc phức tạp đòi hỏi nhiều kĩ năng, nghiệp vụ, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của Bộ GD&ĐT cùng Bộ Công an.

Chúng ta nên tin vào sự làm việc công tâm của các cơ quan chức năng!

* Bạn đọc Nguyễn Khánh (nam, 18 tuổi):

Sau vụ bê bối ở các tỉnh Hà Giang, Sơn La thì chúng ta có nên tự để các trường tổ chức tuyển sinh riêng lẻ không?

PGS.TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội:

Luật Giáo dục Đại học đã quy định các trường ĐH-CĐ được tự chủ trong việc xét tuyển, có thể sử dụng hình thức xét tuyển theo hồ sơ, theo đánh giá năng lực, tổ chức kỳ thi riêng hoặc lấy kết quả kỳ thi THPT Quốc gia để xét tuyển. Chúng ta đã có rất nhiều cách thức tổ chức thi và xét tuyển vào đại học (từ việc các trường tự tổ chức thi đến ngân hàng đề thi để tránh tình trạng lò luyện thi gây bức xúc cho xã hội, đến kỳ thi "3 chung" và các trường đều sử dụng các kết quả này để xét tuyển.

Từ năm 2015, chúng ta đã tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia với mục đích xét tốt nghiệp và các trường có thể sử dụng kết quả này để xét tuyển ĐH-CĐ. Kỳ thi THPT Quốc gia đã có nhiều cải tiến, thay đổi trong quy chế đảm bảo tính chặt chẽ trong tổ chức, tránh sự gian lận trong thi cử và cũng được xã hội đánh giá khá tốt. Hiện nay, theo tôi biết đa phần các trường đại học đều sử dụng kết quả thi THPT Quốc gia để xét tuyển hoặc kết hợp với các phương thức tuyển sinh khác.

Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội chúng tôi đã, đang và sẽ tiếp tục sử dụng kết quả của kỳ thi này để xét tuyển. Tuy nhiên, chúng tôi luôn luôn yêu cầu rất cao và cũng đã đóng góp những ý kiến để hoàn thiện quy chế thi THPT Quốc gia. Trong thời gian tới, khi Bộ GD&ĐT tổ chức rút kinh nghiệm cũng như đề xuất các giải pháp, kể cả cách thức thi cho năm tới, chúng tôi sẽ tham gia một cách trách nhiệm trong đề xuất các giải pháp để tránh tình trạng gian lận thi cử như năm 2018.


PGS.TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội đang trả lời câu hỏi của bạn đọc báo Dân trí.

PGS.TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội đang trả lời câu hỏi của bạn đọc báo Dân trí.

* Bạn đọc Quý Hậu (nữ, 30 tuổi):

Trường ĐH Thương Mại sẽ có phương thức tuyển sinh như thế nào để đảm bảo công bằng, khách quan khi sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia?

GS.TS Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng trường ĐH Thương Mại:

3 năm trở lại đây, trường ĐH Thương Mại xét tuyển trên cơ sở kết quả kỳ thi THPT quốc gia bởi các lý do:

Thứ nhất, kết quả kỳ thi THPT quốc gia được coi là căn cứ khách quan để trường tổ chức xét tuyển vì kỳ thi THPT quốc gia đã có sự tham gia chủ trì (năm 2016), phối hợp (năm 2017, 2018) chứ không phải kỳ thi hoàn toàn do địa phương tổ chức nên kết quả có độ tin cậy nhất định.

Thứ hai, trong quá trình tổ chức đào tạo tại trường, trường ĐH Thương Mại tiếp tục thực hiện cơ chế sàng lọc để đảm bảo chất lượng đầu ra. Điều đó cũng có nghĩa những sinh viên không đủ năng lực học tập sẽ không có cơ hội tiếp tục học tập tại trường. Đây cũng có thể coi là giải pháp hỗ trợ cho công tác tuyển sinh từ kết quả thi THPT quốc gia.

Toàn cảnh buổi giao lưu trực tuyến.
Toàn cảnh buổi giao lưu trực tuyến.

* Bạn đọc Bảo An (nam, 20 tuổi):

Theo thầy Vũ Khắc Ngọc, có nên giao chấm chéo giữa các địa phương và thông tin chấm chéo phải được bí mật, tránh sự liên kết giữa các hội đồng chấm và nơi tổ chức thi?

Thầy giáo Vũ Khắc Ngọc:

Quy trình nào thì cũng có sự tham gia của con người để thực hiện. Giải pháp mà bạn đề xuất cũng là một ý kiến đáng tham khảo.

Tuy nhiên, cần thấy rằng quy trình mà Bộ GD&ĐT áp dụng trong kì thi THPT quốc gia vừa qua vốn cũng rất nghiêm ngặt: Mỗi khâu, mỗi bước đều có sự tham gia của 3 bộ phận (cán bộ làm thi, cán bộ công an và thanh tra ủy quyền), vậy mà sai phạm vẫn cứ xảy ra.

Do đó, theo tôi dù áp dụng quy trình nào, việc chấm thi do các trường ĐH chủ trì hay chấm chéo giữa các địa phương thì điều quan trọng nhất là phải đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ vào kiểm tra, giám sát và hậu kiểm để hạn chế tối đa sự can thiệp của con người.

Thầy giáo Vũ Khắc Ngọc cân nhắc trước câu hỏi của bạn đọc báo điện tử Dân trí.
Thầy giáo Vũ Khắc Ngọc cân nhắc trước câu hỏi của bạn đọc báo điện tử Dân trí.

* Bạn đọc Trung Kiên (nam, 36 tuổi):

Chào thầy Tớp, cho tôi hỏi dự kiến năm tới trường ĐH Bách khoa Hà Nội có tổ chức thêm kỳ thi kiểm tra đầu vào không chứ tôi thấy thi cử như vừa rồi khó biết được thí sinh nào giỏi thật.

PGS.TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội:

Việc tổ chức một kỳ thi riêng hay một phương thức tuyển sinh khác, chúng tôi cũng đã có suy nghĩ và cũng sẽ có những đề xuất nhưng việc tổ chức một kỳ thi riêng không hề đơn giản như mọi người vẫn nghĩ mà nó phải chuẩn bị hết sức chu đáo để đảm bảo công bằng, khách quan cho người học; cũng như tránh tình trạng tổ chức công phu nhưng lượng thí sinh "ảo" lớn. Có thể từ năm 2018-2019 chúng tôi sẽ đề xuất và xem xét phương án tuyển sinh của ĐH Bách khoa Hà Nội, dựa trên cơ sở của kết quả thi THPT Quốc gia các năm tới.

Có thể trong tương lai, kết quả thi THPT Quốc gia chỉ như một điều kiện sơ tuyển. Nhưng điều này phải được cân nhắc một cách khoa học và cẩn trọng.

* Bạn đọc Nguyễn Thị Chín (nữ, 50 tuổi):

Thưa GS.TS Đinh Văn Sơn, kỳ thi THPT quốc gia năm nay đã lộ quá nhiều kẽ hở, nhiều giải pháp cũng đã được đặt ra. Nhưng thi cử theo cách nào đi nữa thì người ta vẫn luồn lách, đối phó. Điều quan trọng nhất là đạo đức con người. Chúng ta cần khắc phục điều này thế nào?

GS.TS Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng trường ĐH Thương Mại:

Theo tôi, để khắc phục điều này thì công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý những sai phạm có ý nghĩa quan trọng trong việc ngăn ngừa và hạn chế tiêu cực xảy ra trong kỳ thi.

Cùng với đó, việc tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện quy chế vẫn phải được tiến hành một cách thường xuyên từ những phát sinh trong thực tế.

Ví dụ: như hiện nay phòng quản lý bài thi chỉ có phiếu niêm phong, phiếu niêm phong dễ dàng làm giả hoặc bị thay thế một cách dễ dàng. Để xử lý tồn tại này có thể tổ chức quản lý bài thi tại một phòng theo cơ chế "3 khóa trên cùng 1 ổ", (Cụ thể, trưởng Ban chỉ đạo 1 khóa, trưởng ban chấm thi 1 khóa và đại diện công an giữ 1 khóa). Nếu thực hiện điều này sẽ không có sự cố như vừa rồi tại Hà Giang, Sơn La.

Toàn cảnh giao lưu trực tuyến: Giải pháp nào ngăn tiêu cực trong kỳ thi THPT quốc gia? - 8

* Bạn đọc Nam Châu (nam, 24 tuổi):

Thưa thầy Tớp! Em là sinh viên ngành CNTT, ở trường em áp dụng hình thức thi trên máy tính rất hiệu quả, thậm chí thi xong biết điểm luôn. Theo thầy có nên tổ chức kì thi THPT Quốc gia theo hình thức như vậy không? Em xin cảm ơn.

PGS.TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội:

Việc thi trắc nghiệm khách quan trên máy tính được nhiều nơi trong và ngoài nước áp dụng, ví dụ kỳ thi SAT, kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG HN và thi học phần của nhiều trường đại học. Cách thức thi này có một ưu điểm lớn đó là đánh giá được số đông, thí sinh biết điểm ngay sau khi thi.

Nhưng để tổ chức kỳ thi dạng này thì hoàn toàn không dễ, đặc biệt là trên quy mô của kỳ thi THPT Quốc gia (cho gần 1 triệu thí sinh). Yêu cầu về mặt kỹ thuật, ngân hàng câu hỏi, cách thức thi, nên tôi cho rằng, trong những năm tới chúng ta chưa chuẩn bị kịp, do vậy khó khả thi.

* Bạn đọc Nguyễn Thanh Cảnh (nam, 43 tuổi):

Giải pháp nào ngăn tiêu cực và đảm bảo công bằng trong kỳ thi THPT quốc gia?

GS.TS Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng trường ĐH Thương Mại:

Hiện nay chúng ta đang tổ chức thi trắc nghiệm theo tổ hợp. Theo tôi, nếu tiếp tục tổ chức thi trắc nghiệm thì tổ chức thi trắc nghiệm khách quan. Nghĩa là, thí sinh sẽ thi trên máy tính và biết ngay kết quả sau khi làm bài thi. Khi đó không ai can thiệp vào bài thi được trừ trường hợp thi hộ.

Tiến tới một mức cao hơn, khi điều kiện cho phép thì thi trực tuyến, kết quả thi đồng thời sẽ được chuyển về máy chủ của Bộ GD&ĐT quản lý. Như thế sẽ không còn kẽ hở phát sinh tiêu cực như vừa rồi.

GS.TS Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng trường ĐH Thương Mại.
GS.TS Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng trường ĐH Thương Mại.

* Bạn đọc Minh Phương (nữ, 34 tuổi):

Xin chào thầy Ngọc, tôi thấy năm nay đề thi qúa khó nhưng nhờ vậy mới lộ ra tiêu cực. Thầy có thấy rằng cách thi trắc nghiệm đối với các môn có thật sự tạo công bằng không? Chỉ cần đánh bừa cũng đạt kết quả tốt rồi?

Thầy giáo Vũ Khắc Ngọc:

Cũng nhiều người nhận định rằng, nhờ đề thi khó mà chúng ta phát hiện ra được tiêu cực. Nhưng tôi cho rằng đó không phải chức năng chính của đề thi. Một đề thi tốt phải đảm bảo được việc phân hóa thí sinh theo từng mức năng lực cụ thể.

Xét trên phương diện đó, thì đề thi THPT quốc gia 2017- 2018 đều chưa làm tốt được điều này, năm ngoái quá dễ, năm nay quá khó.

Khi đề thi quá khó như năm nay, yếu tố may mắn do khoanh bừa đôi khi lại đóng vai trò quyết định điểm thi của thí sinh.

Để hạn chế tình trạng khoanh bừa, tôi có đề xuất giải pháp nâng cao mức điểm "liệt" và trừ điểm các câu trả lời sai.

Thầy giáo Vũ Khắc Ngọc trong buổi giao lưu trực tuyến tại báo điện tử Dân trí.
Thầy giáo Vũ Khắc Ngọc trong buổi giao lưu trực tuyến tại báo điện tử Dân trí.

* Bạn đọc Minh Hà (nữ, 16 tuổi):

Thầy Tớp có cách nào để chống gian lận trong khâu chấm thi hiện nay?

PGS.TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội:

Sự gian lận trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018 đặt ra việc chống gian lận như thế nào? Tôi nghĩ, phải rà soát tất cả các khâu của kỳ thi THPT Quốc gia, chỗ nào có kẻ hở quy chế phải dự báo và đưa ra giải pháp.

Tôi nghĩ có hai khâu rất quan trọng cần phải tập trung.

Thứ nhất, bài làm của các môn trắc nghiệm theo quy định thì thí sinh làm bài trên giấy không rọc phách, sử dụng bút chì để tô đáp án, điều này sẽ dẫn đến một sơ hở là có thể biết và sửa đổi bài làm của thí sinh. Nên chăng, sử dụng một tờ làm bài có cho phép sử dụng bút mực để khoanh đáp án đã tô bằng bút chì và cuối cùng, thí sinh phải đếm thống kê về số lượng đáp án (A), (B), (C), (D) trong bài làm của mình để tránh bị sửa. Điều này có thể làm mất thêm thời gian, vì vậy phải xem xét và điều chỉnh quy chế thi.

Thứ hai, để tránh gian lận trong khâu chấm thi như năm 2018 không nên giao cho địa phương, mà nên tổ chức một số điểm chấm thi tập trung có sự giám sát chặt chẽ.

* Bạn đọc Nguyễn Tiến Trung (nam, 32 tuổi):

Em xin gửi câu hỏi tới thầy Sơn: Như trên Sơn La sai phạm đó là cả một tổ chức cùng làm, vậy theo thầy có nên bỏ việc xét tuyển ĐH với kết quả thi tn và giao quyền tự chủ cho các trường, có thể dựa vào kết quả thi chung và cũng có thể tự mở kỳ thi riêng không ạ?

GS.TS Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng trường ĐH Thương Mại:

Bộ GD&ĐT đã có quy định về quyền tự chủ tuyển sinh của các trường đại học. Do vậy, việc sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia ở mức độ nào, tổ chức thi thêm những môn nào là quyền của các trường.

Tuy nhiên, việc từng trường mở thêm một kỳ thi để phục vụ cho công tác tuyển sinh sẽ làm cho kết quả xét tuyển khách quan hơn nhưng sẽ phát sinh rất nhiều chi phí, hơn nữa cũng chứa đựng rất nhiều rủi ro trong quá trình tổ chức kỳ thi riêng đó. Điều này, nếu muốn thực hiện thì chỉ có cách duy nhất là các trường cùng khối ngành đào tạo hợp tác tổ chức 1 kỳ thi chung với các môn thi phù hợp với ngành và chuyên ngành đào tạo.


Toàn cảnh buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề Giải pháp nào ngăn tiêu cực trong kỳ thi THPT quốc gia? tại tòa soạn báo điện tử Dân trí.

Toàn cảnh buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề "Giải pháp nào ngăn tiêu cực trong kỳ thi THPT quốc gia?" tại tòa soạn báo điện tử Dân trí.

>> MỜI QUÝ ĐỘC GIẢ THEO DÕI TOÀN BỘ BUỔI GIAO LƯU TẠI ĐÂY <<

***

Hiện nay, việc tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia tại các địa phương do Sở GD-ĐT chỉ trì, các trường ĐH, CĐ phối hợp tổ chức với phần lớn các môn thi/bài thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan, trong mỗi phòng thi, mỗi thí sinh có một mã đề thi riêng; bài thi trắc nghiệm được chấm bằng máy với quy trình chặt chẽ là giải pháp tốt để đảm bảo độ tin cậy, tính khách quan của kết quả thi.

Tuy nhiên, tính nghiêm túc, trung thực, độ tin cậy của kết quả thi sau vụ bê bối điểm thi ở Hà Giang, Sơn La cho thấy, trong mỗi khâu của quá trình tổ chức thi chưa nghiêm túc, lỏng lẻo, để nhiều sơ hở... dẫn đến sai phạm nghiêm trọng Quy chế thi.

Vậy, giải pháp nào để ngăn tiêu cực trong kỳ thi THPT quốc gia? Các trường ĐH có phương thức tuyển sinh như thế nào để đảm bảo công bằng, khách quan khi sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia?

3 vị khách mời tham dự buổi giao lưu trực tuyến với độc giả về vấn đề trên vào sáng ngày 1/8/2018 trên Dân trí là GS. TS Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng trường ĐH Thương Mại; PGS.TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội và thầy giáo Vũ Khắc Ngọc - người đầu tiên phát hiện điểm thi cao bất thường của các tỉnh Hà Giang, Sơn La và một số tỉnh khác.

Ban Giáo dục