Đại học tư thục đang bị đối xử bất bình đẳng trong sân chơi chung?
(Dân trí) - PGS.TS Chu Hồng Thanh cho rằng, thách thức phát triển đại học tư thục ở Việt Nam nằm ngay trong nhận thức khi xã hội dường như đang xem hệ thống trường đại học tư thục là trường hạng hai, trường “thứ cấp”.
Tại Tọa đàm “Chính sách khoa học và giáo dục của Việt Nam trong xu thế hội nhập quốc tế” do Viện Chính sách và Quản lý thuộc Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN phối hợp cùng Viện Rosa Luxemburg (CHLB Đức) vừa tổ chức, PGS.TS Chu Hồng Thanh (Giảng viên cao cấp khoa Luật, ĐHQGHN, Nguyên vụ trưởng Vụ pháp chế - Bộ Giáo dục & Đào tạo) đã trình bày tham luận “Những thách thức phát triển đại học tư thục ở Việt Nam hiện nay” đề cập đến bức tranh không mấy sáng sủa của các trường đại học tư thục, nguyên nhân và đề xuất kiến nghị.
Đại học tư thục bị xem nhẹ, nhiều trường đứng trước nguy cơ giải tán
Cho đến nay, Việt Nam có hơn 400 trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ). Trong đó có 84 trường (60 trường ĐH và 24 trường CĐ) ngoài công lập. Tỷ lệ sinh viên ĐH ngoài công lập năm học 2015-2016 là 13,3%.
PGS.TS Chu Hồng Thanh cho rằng, với tình hình này ở Việt Nam dường như trái ngược với xu hướng quốc tế và khu vực. Chẳng hạn số trường tư thục/ tổng số trường đại học của Hàn Quốc là 87%, Nhật Bản là 86%, Philipines là 75%, Indonesia 71%.
Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam đề ra mục tiêu đến năm 2020 đạt 40% tổng số sinh viên học trong các trường tư thục. Và ông Thanh cho rằng, chắc chắn không thể hiện thực được bởi vì hiện tại (thời điểm trước ngưỡng cửa năm 2017), con số mới chỉ là 14%. Đáng nói, xu thế các năm gần đây, số sinh viên vào học tại các trường tư thục chẳng những không tăng, mà còn giảm mạnh, có nơi giảm đến mức có ngành học buộc phải đóng cửa và có trường đứng trước nguy cơ giải tán.
Thời gian qua mặc dù có một số trường đại học tư thục hình thành và phát triển đã có những bứt phá tạo nên những sự khác biệt nhất định và bước đầu xây dựng thương hiệu tốt (Trường ĐH Thăng Long, trường ĐH FPT…) nhưng nhìn vào cả hệ thống, thì bức tranh chung về đại học tư thục không mấy sáng sủa.
Chẳng hạn, ĐH RMIT (trường có vốn nước ngoài) thu học phí trọn gói 600 triệu đồng vẫn có đủ sinh viên đăng ký theo học, trong khi trường ĐH Đông Đô thu phí trọn gói 32 triệu, ĐH Phú Xuân 32 triệu, ĐH Kinh Bắc 28 triệu, ĐH Việt Bắc 24 triệu, ĐH Chu Văn An 24 triệu… vẫn bị xem là học phí cao và chật vật trong tuyển sinh.
Những thách thức mang tính sống còn
PGS.TS Chu Hồng Thanh cho rằng, thách thức phát triển ĐH tư thục nằm ngay trong tư duy, ở cách nhìn có phần thiếu thiện cảm của xã hội, chưa đánh giá tầm quan trọng tất yếu của hệ thống trường tư thục.
“Trong khi đó, trường ĐH công lập được bao cấp ngân sách, dành cho các em học giỏi thi đỗ thì trường tư thục tự hạch toán, tự thu tiền để có tích lũy nhằm vào học sinh “hạng hai”, nghĩa là những thí sinh không đủ điểm vào các trường công lập thì sẽ vào trường tư thục. Bằng cấp của trường công lập cũng sẽ được nhà tuyển dụng ưu tiên hơn”, PGS.TS Chu Hồng Thanh dẫn chứng.
Ông Thanh cũng nhấn mạnh, ngoài thách thức đến từ nhận thức của xã hội thì bức tranh không mấy tươi sáng của hệ thống trường tư thục bắt nguồn từ lối tư duy thực dụng và có tính “chụp giật” của chính không ít các nhà đầu tư xây dựng trường tư thục. Thêm vào đó, chính sách pháp luật vẫn chưa thấy hết tầm quan trọng, thiếu vắng một quan điểm rõ ràng, nhất quán đối với đại học tư thục.
“Sở hữu và tài sản trong các trường tư thục thực tế đang bị kiểm soát chặt chẽ, quy định không rõ về trách nhiệm pháp lý, về quản trị nhà trường, về tài sản chung và lợi nhuận không phân chia, về thành phần đương nhiên trong cơ cấu Hội đồng quản trị…Vì thế, nhà đầu tư không cảm thấy quyền của mình được bảo vệ, từ đó chưa thực sự quan tâm đầu tư cho chất lượng và phát triển lâu dài, chỉ muốn thu hồi vốn nhanh và giành phần lợi nhuận càng nhiều và càng nhanh thì càng tốt”, vị diễn giả này lí giải.
Một thách thức nữa là ở các trường tư thục, người đứng đầu không phải là Hiệu trưởng, dẫn đến tình trạng người có tiền đầu tư thì có thực quyền (Chủ tịch Hội đồng quản trị) nhưng lại không chịu trách nhiệm quản lý, điều hành nhà trường.
Ông cho rằng, hiện nay cơ quan quản lý nhà nước đang có những bước đi tích cực cải thiện tình hình trên (chẳng hạn việc tiến tới loại bỏ điểm sàn) nhưng chắc chắn tình trạng này vẫn chưa giải quyết được.
Từ những phân tích trên, PGS.TS Chu Hồng Thanh kiến nghị cần hoàn thiện hệ thống giáo dục ĐH hiện nay, quy hoạch các trường đại học theo tư duy mới.
“Bình đẳng với nhau trong thực hiện mục tiêu của giáo dục đại học, trong hoạt động giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học, trong tuyển sinh, thực hiện quy trình đào tạo, bảo đảm chất lượng giáo dục, phục vụ xã hội, được đối xử như nhau trong đào tạo các trình độ đại học, thạc sỹ, tiến sỹ, trong tiêu chuẩn hóa và bồi dưỡng nhà giáo,trong việc bổ nhiệm các chức danh GS, PGS, phong tặng danh hiệu NGND, NGƯT, trong việc đánh giá, phân loại, xếp hạng…”, ông Thanh kiến nghị.
Đồng thời, ngân sách nhà nước cần chăm lo chung cho toàn bộ hệ thống giáo dục nói chung và giáo dục đại học; hoàn thiện chính sách, pháp luật và bộ máy quản lý có liên quan đến giáo dục đại học nói chung và đại học tư thục.
Nhà nước rất quan tâm đến xã hội hóa giáo dục
Bình luận về những trăn trở của PGS.TS Chu Hồng Thanh trong tham luận, PGS.TS Nguyễn Thanh Hải (Ủy viên Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Dân nguyện) cho rằng, vấn đề mà ông Thanh nêu thì Hiệp hội các trường ĐH,CĐ ngoài công lập cũng đã lên tiếng từ lâu.
PGS.TS Nguyễn Thanh Hải cho rằng, vấn đề cốt lõi cần cải thiện là việc triển khai luật giáo dục đại học vào thực tiễn.
Theo Nguyễn Thanh Hải: “Hiện nay hành lang pháp lý và Luật Giáo dục Đại học, điều lệ trường đại học nhìn chung là tốt, không nhiều điều cần sửa. Tuy nhiên, cách thức tổ chức, đặc biệt là việc đưa ra các văn bản dưới luật để hướng dẫn thực hiện còn bất cập. Đó là chức năng nhiệm vụ của cơ quan Lập pháp và các đại biểu Quốc hội có mặt tại tọa đàm cũng sẽ chú ý, quan tâm”.
Bà Nguyễn Thanh Hải chỉ rõ, xu hướng quản trị ngân sách các trường trong thời gian qua chủ yếu là thực hiện với khu vực mầm non, cấp 1, cấp 2, cấp 3. Các trường ĐH, CĐ sẽ tiến tới phải tự cân đối đầu vào – đầu ra. Nhà nước hiện nay cũng rất quan tâm đến xã hội hóa giáo dục, tạo điều kiện phát triển cho tất cả các trường đại học trong nước (không phân biệt là công lập hay tư thục), thể hiện rõ nhất ở cơ chế cho phép tự chủ đối với các trường đạt đủ yêu cầu.
Lệ Thu (ghi)