Công nghệ giáo dục của Việt Nam nổi bật tại Hội nghị KINSES2016

Vào ngày 27/2, tại Hội nghị Giáo dục KINSES2016, các diễn giả và khách mời cùng thảo luận về chủ đề chính "Xu hướng giáo dục toàn cầu và thực tế tại châu Á". Đại diện Việt Nam duy nhất chia sẻ về E-learning, Tiến sĩ Phạm Minh Tuấn - Người sáng lập Tổ hợp Công nghệ Giáo dục Topica đã có phần chia sẻ thành công, thu hút sự chú ý của đông đảo đại biểu.

Hội nghị Giáo dục KINSES2016 được tổ chức bởi Quỹ đầu tư Kaizen, trường Đại học INSEAD và trường Đại học New York, diễn ra tại Dubai, Tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất trong hai ngày 27, 28/2/2016. Tiến sĩ Phạm Minh Tuấn là đại biểu Việt Nam duy nhất được mời làm diễn giả tại Hội nghị này.

KINSES2016 có sự tham gia của hơn 300 đại biểu, trong đó có đại diện các quỹ đầu tư, nhà hoạch định chính sách cùng nhiều lãnh đạo các tập đoàn lớn và đại diện các hãng thông tấn trên toàn thế giới. Bên cạnh đó, Hội nghị còn có sự góp mặt của đại diện nhiều trường đại học (ĐH) lớn như: Stanford, Harvard, New York…, cùng các tổ chức xã hội và cộng đồng.


Hội nghị diễn ra trong hai ngày với sự góp mặt của 50 diễn giả từ 20 quốc gia.

Hội nghị diễn ra trong hai ngày với sự góp mặt của 50 diễn giả từ 20 quốc gia.

Chủ đề chính của KINSES2016 là "Xu hướng giáo dục toàn cầu và thực tế tại châu Á" với 11 phiên thảo luận. Một báo cáo từ GIA dự đoán rằng đầu tư vào thị trường E-learning toàn cầu sẽ chạm ngưỡng 107 tỉ USD trong năm 2015, và điều này được thúc đẩy nhờ sự tiến bộ của công nghệ nhằm đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng cao của con người.

Một số khách mời nổi bật tham gia KINSES2016 phải kể đến như Mark Dorman, Tổng giám đốc McGraw-Hill Education International and Professional, Mike Michalec, Giám đốc điều hành của EdTech Asia Limited, Katelyn Donnelly, Giám đốc điều hành của Quỹ Pearson Affordable Learning, Peter Blair Henry, Hiệu trưởng trường Kinh doanh, Đại học New York, Hoa Kỳ, Salah-Eddine Kandri, Trưởng ban Giáo dục toàn cầu, IFC.

Tiến sĩ Phạm Minh Tuấn (thứ 2 từ bên phải sang) cùng với các diễn giả khác.
Tiến sĩ Phạm Minh Tuấn (thứ 2 từ bên phải sang) cùng với các diễn giả khác.

Tại sự kiện này, Tiến sĩ Phạm Minh Tuấn cùng ông Amir Rao - Giám đốc phát triển kinh doanh quốc tế, Udemy; ông Pankaj Makkar - Giám đốc điều hành tập đoàn Bertelsmann và ông Harman Singh - Nhà sáng lập WizIQ thảo luận về những đột phá của làn sóng mới - mô hình học tập kết hợp (Blended Learning).

Với tư cách là đại diện Tổ hợp Công nghệ Giáo dục Topica - đơn vị duy nhất của Đông Nam Á cung cấp công nghệ và dịch vụ cử nhân trực tuyến chất lượng cao cho các trường ĐH; Tiến sĩ Phạm Minh Tuấn đã chia sẻ về sự khác biệt giữa các trường đại học ở Mỹ và các nước khác trong áp dụng đào tạo trực tuyến. Phần chia sẻ của ông Tuấn thu hút đông đảo sự quan tâm từ phía đại biểu.

Ông Tuấn cho biết: "Châu Á và châu Âu chưa áp dụng rộng rãi phương pháp đào tạo trực tuyến. Tuy nhiên, tại Mỹ, có tới 70% trong số 3000 lãnh đạo các trường đại học đánh giá đào tạo trực tuyến có chất lượng ngang bằng hoặc tốt hơn giáo dục truyền thống. Các giảng viên chủ động áp dụng phương pháp lớp học đảo ngược bằng cách chuyển cho sinh viên video để tự học trước ở nhà, và khi lên lớp chỉ tập trung thảo luận."


Các khách mời sôi nổi thảo luận về chủ đề của cuộc hội nghị.

Các khách mời sôi nổi thảo luận về chủ đề của cuộc hội nghị.

Theo Giáo sư Peter Henry, Hiệu trưởng trường Kinh doanh, Đại học New York, Hoa Kỳ: “Dự báo nhu cầu đào tạo đại học và dạy nghề sẽ gấp 2 đến 3 lần khả năng đầu tư của chính phủ trong thập kỷ tới. Theo tôi, giải pháp là vừa phải huy động đầu tư tư nhân vào giáo dục vừa phải đầu tư vào công nghệ. Có nhiều cơ hội cho giáo dục tư nhân để cung cấp chương trình đào tạo bậc đại học theo hình thức trực tuyến ở nhiều nước như là Việt Nam.”

Các đại biểu tham dự thực sự ấn tượng trước sự phát triển của công nghệ giáo dục (EdTech) Việt Nam khi được biết Topica là đơn vị đầu tiên của Việt Nam xuất khẩu công nghệ E-learning ra nước ngoài cho các đối tác như: ĐH AMA; ĐH Quốc gia Palawan và mới đây là ĐH Don Mariano Marcos Memorial State tại Philippines. Cho đến nay, đây cũng là đơn vị duy nhất ở Đông Nam Á cung cấp công nghệ và dịch vụ đồng bộ cho chương trình Cử nhân trực tuyến của các trường ĐH. Ngoài ra, chương trình luyện nói tiếng Anh trực tuyến Topica Native cũng đang được mở rộng tại Thái Lan, Indonesia cùng một số nước ĐNA khác và là đơn vị đầu tiên trên thế giới phát triển ứng dụng học tiếng Anh trên công nghệ tương tác thực tế. Và cuối cùng là Topica Founder Institute - chương trình ươm tạo khởi nghiệp đầu tiên ở Việt Nam và Thái Lan đến từ thung lũng Silicon, có các startup gọi vốn thành công hàng triệu USD.

Được biết, Topica hiện có đội ngũ hơn 1.000 nhân viên, 1.500 giảng viên và 100 cộng tác viên. Môi trường làm việc tại đây khuyến khích tinh thần “Được làm vua, thua làm hiệp sĩ” để có thể đưa những công nghệ và phương pháp mới nhất vào áp dụng. Hơn 1000 quản lý, chuyên gia đến từ các doanh nghiệp, tổ chức đã tham gia giảng dạy, đóng góp rất cụ thể vào việc “gắn kết doanh nghiệp với nhà trường”. Có giảng viên là lãnh đạo ngân hàng rất bận rộn, nhưng vẫn dành hơn 800 giờ một năm để giảng dạy online, tức là gần 3 giờ một ngày, và trả lời hàng ngàn câu hỏi của sinh viên.


Tiến sĩ Phạm Minh Tuấn cùng với ông Peter Henry (giữa).

Tiến sĩ Phạm Minh Tuấn cùng với ông Peter Henry (giữa).

Về lý do mời Topica chia sẻ tại KINSES2016, thành viên Ban tổ chức, ông Sandeep Aneja - Nhà sáng lập Quỹ đầu tư Kaizen cho biết: “Chúng tôi mời đại diện Topica Việt Nam chia sẻ tại hội thảo vì ấn tượng với phương thức đào tạo của họ mang lại chất lượng với chi phí hợp lý cho những người không có thời gian và cơ hội theo học phương pháp giáo dục truyền thống. Điều này đem lại cơ hội tốt cho những người đang làm việc muốn nâng cao năng lực của mình.”

Tìm hiểu thêm thông tin tại đây.