Công bố quốc tế - Chuyện sống còn đối với một trường đại học

Theo PGS.TS Phạm Quang Minh - Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV, vấn đề về công bố quốc tế các công trình khoa học được coi là vấn đề sống còn đối với sự phát triển bền vững của một trường đại học.

Ngày 20/9, Trường ĐH Khoa học Xã hội & nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) phối hợp với Quỹ Nafosted (Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia) tổ chức Tọa đàm với chủ đề "Công bố quốc tế trong lĩnh vực KHXH&NV - Những giải pháp tổng thể."


PGS.TS Phạm Quang Minh - Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV phát biểu tại buổi tọa đàm

PGS.TS Phạm Quang Minh - Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV phát biểu tại buổi tọa đàm

Buổi tọa đàm đã thu hút sự tham gia của đông đảo các đại biểu - các nhà khoa học đến từ các trường đại học, các viện nghiên cứu trong lĩnh vực KHXH&NV.

Theo PGS.TS Phạm Quang Minh - Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV, vấn đề về công bố quốc tế các công trình khoa học được coi là vấn đề sống còn đối với sự phát triển bền vững của một trường đại học.

"Không có vùng cấm cho khoa học", "công bố hay là chết" là những cụm từ PGS.TS Phạm Quang Minh dùng để nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đẩy mạnh, nâng cao chất lượng các công trình nghiên cứu và đưa các công trình đó đến với giới khoa học quốc tế, khẳng định tiềm năng và vị thế của các nhà khoa học Việt Nam.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, GS.TS Nguyễn Hữu Đức - Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội - nêu một số kinh nghiệm về công bố quốc tế. Theo đó, ông tư vấn cách lựa chọn tạp chí - nên chọn một số tạp chí "ruột" ở các mức độ khó khác nhau để theo dõi thường xuyên và gửi các công trình phù hợp.

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu lựa chọn "topic" (đề tài) riêng cho nhà trường, xây dựng ngân hàng đề tài để cùng nghiên cứu. Đồng thời, xây dựng nhóm nghiên cứu mạnh và dựa trên số lượng các công trình được công bố nâng mức đánh giá cán bộ lên một mức để nâng cao dần giá trị của đội ngũ chuyên gia đầu ngành.

Còn theo TS. Trần Văn Kham - Phó trưởng Phòng Quản lý nghiên cứu khoa học (Trường ĐHKHXH&NV), để thúc đẩy công bố quốc tế, cần các giải pháp cụ thể, rõ ràng.

Về cơ chế, chính sách: Tiếp tục thực hiện các quy định khen thưởng, xây dựng quỹ đầu tư trọng điểm và quảng bá kết quả nghiên cứu; Xây dựng nhóm nghiên cứu mạnh và điều chỉnh các trung tâm nghiên cứu; Thành lập các nhóm trợ giúp để trợ giúp cá nhân hoặc các đề tài nghiên cứu thực hiện các sản phẩm nghiên cứu khoa học; Chuẩn hóa kỹ thuật nghiên cứu, phân tích dữ liệu; Nâng dần chỉ báo thực hiện nhiệm vụ khoa học; Đồng thời hợp tác với các nhà xuất bản, các học giả nước ngoài để thúc đẩy công bố quốc tế.

Nhiều đại biểu cũng đã thảo luận sôi nổi xoay quanh các vấn đề: Công bố quốc tế có khó không và Công bố như thế nào?

TS. Đỗ Tiến Dũng - Giám đốc Quỹ Nafosted - cho rằng: Công bố quốc tế không khó như nhiều người vẫn nghĩ. Công bố quốc tế phải được coi là nhiệm vụ của mỗi nhà khoa học. Đích đến không phải là bài báo mà là chất lượng, sức ảnh hưởng của mỗi công trình được công bố.

"Để góp phần đẩy mạnh công bố quốc tế nói chung, Quỹ Nafosted đã đưa công bố quốc tế vào điều kiện cứng để cấp kinh phí cho các đề tài. Cùng với 9 lĩnh vực hỗ trợ - như Phó Giám đốc Mai Thế Bình đã nêu, quỹ sẽ đồng hành cùng các nhà khoa học Việt Nam nâng cao chất lượng các công trình nghiên cứu - hội nhập quốc tế và phát triển."

Phát biểu tổng kết, bế mạc tọa đàm, PGS.TS Phạm Quang Minh - Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV cho biết Trường ĐH KHXH&NV sẽ tiếp thu, chọn lọc các ý kiến để sớm áp dụng nhằm đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học và công bố quốc tế của các nhóm nghiên cứu, các nhà khoa học về lĩnh vực KHXH&NV.

Đồng thời, PGS.TS Phạm Quang Minh bày tỏ lạc quan về những con số các công trình công bố quốc tế có thể đạt được trong thời gian tới - từ bệ phóng chỉ có 7 công trình vào năm 2010 tới 54 công trình vào năm 2015 và trong 9 tháng năm 2016 đã có 40 công trình được công bố quốc tế.

"Đó là tín hiệu đáng mừng và là quyết tâm từng bước nâng cao vị thế khoa học thuộc nhóm ngành KHXH&NV Việt Nam nói chung và của ĐH KHXH&NV nói riêng" - PGS.TS Phạm Quang Minh nhấn mạnh.

Nói về những hỗ trợ của Quỹ Nafosted cho các công trình nghiên cứu khoa học, ông Mai Thế Bình - Phó Giám đốc quỹ nêu ra 9 nội dung hỗ trợ:

Hỗ trợ cá nhân nhà khoa học tham dự và báo cáo kết quả nghiên cứu tại hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế; Hỗ trợ nghiên cứu sau tiến sĩ; Hỗ trợ thực tập, nghiên cứu ngắn hạn ở nước ngoài; Tổ chức hội thảo khoa học quốc tế chuyên ngành ở Việt Nam; Công bố công trình khoa học công nghệ trong nước và quốc tế; Nâng cao chất lượng, chuẩn mực của tạp chí khoa học và công nghệ trong nước; Đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong và ngoài nước đối với sáng chế và giống cây trồng;

Hỗ trợ các nhà khoa học trẻ tài năng được sử dụng các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia và các phòng thí nghiệm khác; Khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện các nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng,..

Theo GD&ĐT