Con trẻ như hóa điên vì bố mẹ chê bai
(Dân trí) - Cho dù Mạnh cố gắng thật nhiều, đạt được những kết quả học tập thật tốt để hy vọng có thể nhận từ một nụ cười, một lời khen động viên thì tất cả những gì em nhận được từ mẹ là sự lạnh lùng hay những lời mắng mỏ.
Con sai hay mẹ con sai?
Tìm đến chương trình về giáo dục con dành cho phụ huynh diễn ra tại nhà sách Kim Đồng, cậu học trò Nguyễn Đức Mạnh (tên nhân vật đã thay đổi), học sinh lớp 12 tại một Trường THPT ở Bình Thạnh, TPHCM nói nếu em không được giải tỏa em sợ mình sẽ hóa điên.
Bố mẹ ly hôn từ khi chị em Mạnh còn nhỏ, mẹ gặp tổn thất rất lớn không chỉ về tình cảm mà cả về vật chất. Từ bé đến giờ mẹ chưa từng khen ngợi chị em Mạnh mà chỉ luôn dành cho cậu những câu hỏi vặn vẹo tại sao làm cái này không được, cái kia không xong.
Sợ mẹ buồn, Mạnh cố học thật tốt và nằm trong đội tuyển học sinh giỏi môn Văn và Anh của trường. Mỗi khi đạt được kết quả nào đó, Mạnh háo hức về khoe với hy vọng nhận được một lời khen ngợi từ mẹ hay chí ít là một nụ cười khích lệ nhưng tuyệt nhiên không hề có.
Nỗ lực của Mạnh còn bị mẹ “dội” những gáo nước lạnh, bảo cậu đừng tưởng mình thế mà giỏi. Những lời chê bai, thái độ của mẹ đã hình thành trong Mạnh suy nghĩ bản thân mình yếu kém, mình không ra gì.
"Có lần bị bạn bè trêu chọc, chê bai em đã cầm dao trượt bạn và suýt gây ra tội ác. Khi đó trong đầu em chỉ văng vẳng những lời chỉ trích, trách móc của mẹ", em Nguyễn Đức Mạnh
Mạnh như sợi dây thun bị kéo mạnh hai đầu, lúc nào cũng căng thẳng, áp lực và sợ về nhà. Mạnh thu mình, khép kín và không tự tin để giao lưu với mọi người nhưng lại rất dễ kích động, gây hấn.
Cậu học trò đặt câu hỏi dường như đã dồn nén từ rất lâu: “Con sai hay mẹ con đã sai?”. Nhiều ông bố bà mẹ nghe chia sẻ của cậu đã nghẹn ngào, bật khóc!
Từ một nữ sinh học giỏi, mẫu mực nhưng bắt đầu từ cuối năm cấp 2, cô nữ sinh Trần Thị X., nhà ở quận 6, TPHCM bắt đầu buông xuôi việc học hành, sa vào đàn đúm vui chơi. Em kể, em không muốn cố gắng, cũng chẳng muốn nỗ lực vì em có làm gì đi nữa thì trong mắt bố mẹ, em vẫn kém toàn diện.
Mẹ thường xuyên dè bỉu X. từ cái dáng lùn lùn, mập mập cho đến cái giọng mà mẹ cho là chua như chanh. X. đạt kết quả học tốt, bà nói giỏi gì làm vua xứ mù, học lớp kém trường thường như bắt con phải nhớ “vết nhơ” thi trượt vào lớp 6 Trường chuyên Trần Đại Nghĩa cách đây 4 năm trước. Bố kiệm lời hơn, X. thuộc lòng câu của ông: “Mỗi tội ăn học cũng không xong”.
Những lời chê bai của bố mẹ ám ảnh X.,em luôn nghĩ mình là con nuôi, con ghẻ và nhiều lần X. nghĩ đến cái chết vì chán ghét chính bản thân.
Con trẻ luôn cần sự động viên, khích lệ của bố mẹ trong mọi hoàn cảnh (ảnh minh họa)
“Bệnh” phủ nhận nỗ lực của con
Chuyện của Mạnh, của X., những đứa trẻ bị nhấn chìm bởi lời chê bai của chính bố mẹ đáng tiếc rằng không phải là cá biệt. Rất nhiều đứa trẻ dù nỗ lực đến mấy cũng có thể bị bố mẹ phủ nhận sạch bách. Và cũng không ít đứa trẻ suốt ngày phải nghe những từ ngu, dốt, kém… hay bị chính người sinh ra mình so sánh với con này vật nọ.
Chê con trẻ không chỉ là thói quen của nhiều phụ huynh mà có người còn xem đó như là một cách để giáo dục con, chê với suy nghĩ để con biết khiêm nhường và không ngừng cố gắng. Một đứa trẻ thường xuyên phải nghe những lời chê bai sẽ nghi ngờ, mất tự tin và dễ dàng bị triệt tiêu khả năng khám phá, sáng tạo.
Đặc biệt, các chuyên gia tâm lý cảnh báo khi sống trong môi trường bị chỉ trích, con trẻ sẽ gánh những tổn thương lâu dài rất khó hồi phục để tìm giá trị của bản thân. Ngoài ra, trẻ có xu hướng chỉ trích, phê phán người khác, không thừa nhận khả năng của người khác nên rất khó thành công trong cuộc sống.
Trẻ em Việt kém tự tin, ngại thể hiện bản thân, không dám nói lên chính kiến của mình được xem là điểm khác biệt rõ ràng so với trẻ em nước ngoài, đặc biệt trẻ phương Tây. Mà cốt lõi nằm ở chỗ trẻ em nước ngoài luôn luôn được người lớn khen ngợi đúng lúc. Kể cả khi đứa trẻ làm sai họ cũng “bới” cho được điểm tốt để khen. Còn ở ta, đứa trẻ có nỗ lực đến mấy thì nhiều người lớn vẫn “moi” cho bằng được cái chưa tốt để cái cái mà “dạy dỗ”.
Chuyên gia tâm lý Võ Thị Minh Huệ cho rằng, chỉ cần trẻ có một tiến bộ nhỏ và thậm chí khi trẻ làm sai vẫn cần sự động viên, khích lệ. Người lớn cần khen ngợi sự nỗ lực, cố gắng của trẻ và góp ý cho những hạn chế. Thực tế, có không ít đứa trẻ do không được thừa nhận ở bên ngoài đời sống thực nên các lao lên mạng, vào game để khẳng định mình, để được tung hô.
ThS Nguyễn Thúy Uyên Phương chia sẻ cũng như tất cả mọi người, đứa trẻ nào cũng ghét bị chê, bị chỉ trích. Nhưng phụ huynh chúng ta rất ít nói những lời ngọt ngào với con, lại hay quát mắng và nhiều bố mẹ mắc lỗi không thừa nhận nỗ lực của con trẻ. Nhất là những ông bố người mẹ có đời sống sóng gió thì dường như họ càng khắc nghiệt, kiệm lời khen với con.
Trẻ con cũng cần học cách tha thứ
Về trường hợp của em Nguyễn Đức Mạnh, ThS Nguyễn Thúy Uyên Phương cho hay rất giống hoàn cảnh của mình. Từ nhỏ, bà đã biết bố mẹ có thỏa thuận sống với nhau chờ cho đến khi con có việc làm là ly hôn. Bản thân bà, khi nhỏ cũng lớn lên trong sự khắc nghiệt, mắng mỏ và không bao giờ thừa nhận nỗ lực của con từ người mẹ. Khi đó bà cũng trách mẹ, giận mẹ nhiều lắm.
Sau này, bà nhận ra rằng phụ huynh có góc nhìn khác mà thời điểm đó mình không cảm nhận hết được. Có thể mẹ đã trải cuộc đời quá nhiều sóng gió nên có góc nhìn cay nghiệt với cuộc sống, với con cái. Những cảm xúc với con có thể mẹ không kiềm chế được dù họ biết không đúng.
Hơn nữa, khi cảm giác có lỗi với con bố mẹ càng khó nói những lời ngọt ngào. Như mẹ bà, biết rằng trước sau gì vợ chồng cũng chia tay nên chủ trương làm một “bà mẹ Hổ”, hà khắc để đảm bảo con mình trở thành một người cứng cỏi, không bị sốc quá khi xảy ra biến cố nào đó.
Theo bà Phương, mỗi khi có “sự cố” với bố mẹ, bà lại nhớ câu trong truyện "Cánh đồng bất tận": Đôi khi trẻ con cũng cần học cách tha thứ. Sau này lớn lên, khi làm cha làm mẹ, ai cũng sẽ mắc phải sai lầm với con cái. Và dân tộc Việt Nam có truyền thống gia đình nối tiếp nhau đó là vì những đứa con có khả năng tha thứ cho bố mẹ. Tình cảm gia đình là nơi mà chúng ta sẵn sàng bỏ qua, tha thứ cho lỗi lầm của nhau.
Bà cũng khẳng định, việc Mạnh tìm đến chương trình để tìm câu giải đáp nghĩa là em đã rất cố gắng và phần nào đã thông cảm cho mẹ cho dù em còn rất nhiều nỗi buồn cần phải vượt qua.
Hoài Nam
(Hoainam@dantri.com.vn)