Con trẻ "canh" bàn nhậu, lượm lon bia làm kế hoạch nhỏ

(Dân trí) - Trong những ngày Tết, kể cả lúc đến nhà người khác chơi, khi mọi người ăn uống, cô con gái chị Linh chỉ canh cánh lượm vỏ lon bia, nước ngọt để đầu năm đi làm kế hoạch nhỏ tại trường.

Con chị Linh học tại Trường tiểu học Nguyễn Văn Luông, quận 6, TPHCM. Nhà trường phát động phong trào kế hoạch nhỏ bằng vỏ lon bia nên cả mùa Tết cháu chỉ chăm chăm vào mỗi việc làm sao gom đủ lon bia. Năm nay chồng chị trực Tết, không ở nhà, chị xác định không có khách khứa tụ tập bia bọt gì nên chỉ mua ít nước ngọt. Thấy vậy con gái chị đã ngúng nguẩy chê chừng này không đủ con mang đi nộp.

Thành ra, chứ ở đâu “hở” ra vỏ lon bia, nước ngọt là cháu lượm ngay bằng được. Kể cả qua hàng xóm hay đến nhà đồng nghiệp mẹ chơi, cũng quanh quẩn bàn nhậu người lớn để xin lon bia bỏ vào ba lô mang về. Cháu đặt mục tiêu phải gom được... 100 lon bia đi nộp, vượt cả yêu cầu mà chị được biết là mỗi cháu nộp 2 - 3 thùng vỏ lon bia, nước ngọt (mỗi thùng 24 lon).

Chị Linh giải thích với cháu phong trào kế hoạch nhỏ này là để mình giữ vệ sinh môi trường, tiết kiệm, tận dụng phế liệu... nên bao nhiêu cũng được nhưng cháu không chịu.

“Tôi không hiểu nhà trường đang tổ chức, tuyên truyền về hoạt động này thế nào mà để con trẻ “hăng máu” xem đây là như là để lập kỳ tích vậy. Cả Tết chỉ quan tâm đến vỏ lon bia”, người mẹ thở dài.

Gia đình anh Lê Minh Chiến, có con học tại một trường tiểu học ở quận 1 kể anh cũng được con khuyến khích uống nhiều bia để con gom vỏ. Cứ đến giờ cơm là cháu tự động đi lấy bia cho ba, hay ba đang ngồi trong bàn ăn là cháu hối ba uống nhanh để cháu lấy vỏ, cộng thêm vào bịch mình tích cóp được.

Có lúc anh Chiến cũng phải bực mình, nhất là khi vợ chồng anh cãi cọ qua lại vì mấy lon bia. Chưa kể, cháu còn gọi điện cho mấy người bạn để dò hỏi bạn được bao nhiêu lon rồi đặt quyết tâm... mình phải gom nhiều lon bia hơn bạn.

“Với lượng bia, nước ngọt trong gia đình tôi sử dụng thì không thiếu cho con mang đến trường nộp. Nhưng cảnh con nhỏ chăm chăm để nhặt vỏ lon chỉ để “lập thành tích” chứ không hiểu hết ý nghĩa của phong trào kế hoạch nhỏ là để bảo vệ môi trường... thành ra phản cảm”, ông bố nói.

Trước ngày con đang học tại Trường tiểu học Bình Chiểu, quận Thủ Đức tham gia phong trào kế hoạch nhỏ, nhà anh Lê Đình Anh cũng rất khổ vì vỏ lon bia. Lâu nay anh hay nhậu nhẹt, gây ra nhiều chuyện không hay trong gia đình, thậm chí vợ chồng suýt bỏ nhau nên anh đặt quyết tâm... bỏ bia rượu.

Ai dè, bé con lại “dụ dỗ” bố uống đi bố để con xin vỏ. Vợ anh nói, trong nhà có bao nhiêu lon thì mang đi nộp bấy nhiêu thì con gái nằm vật ra ăn vạ, bảo cả nhà nhặt hết không nổi 10 vỏ. Nào ngờ cháu sang hàng xóm chơi, thấy mọi người ăn uống thì vào nhặt vỏ lon, có lúc mấy đứa con nít cùng lao vào giành giật nhau từng vỏ lon.

“Ông bạn tôi cũng có con học cùng trường với cháu nhà tôi, ở bên Linh Đông, lon bia họ ít giữ lại mà cho vào thùng rác đã phân loại của khu chung cư. Hôm nọ, ông kể cả nhà nháo nhác đi tìm cu cậu rồi phát hiện cháu chui vào thùng rác công nghiệp của khu dân cư để nhặt lon bia”, anh Anh nói.


Túi lon bia con trai anh Lê Đình Anh gom để nộp cho nhà trường

Túi lon bia con trai anh Lê Đình Anh gom để nộp cho nhà trường

Theo anh Đình Anh, việc phát động vỏ lon bia để học sinh làm kế hoạch nhỏ đã vô tình khuyến khích việc uống bia, trong khi đây có thể nói là một tệ nạn nên hạn chế. Nếu nhà nào không uống bia, nước ngọt là phải đi xin hoặc làm cách nào đó để có vỏ lon cho con. Chưa kể việc con trẻ tiếp xúc rồi quan tâm đến vỏ lon bia như để đua nhau cũng không phải là một hình ảnh hay ho gì.

Trong dịp Tết vừa qua, nhiều trường học ở TPHCM phát động phong trào kế hoạch nhỏ bằng việc yêu cầu học sinh nộp vỏ lon bia, giấy vụn.

Trước đây, đã có không ít trường dựa vào chỉ tiêu học sinh tham gia phong trào kế hoạch nhỏ để xét các danh hiệu về hạnh kiểm hay được xét cháu ngoan Bác Hồ. Cũng từng có cảnh phụ huynh mua lại giấy vụn, lon bia từ người thu gom đồng nát để “mua” danh hiệu cho con. Rồi một số trường còn làm “biến dạng” phong trào này khi... quy ra tiền, để học sinh nộp cho tiện.

Sở GD-ĐT TPHCM cũng đã từng có chỉ đạo các trường không thực hiện phong trào kế hoạch nhỏ bằng tiền và nhắc nhở các trường phải chú ý đến việc giáo dục ý thức tiết kiệm, biết phân loại vật dụng phế thải, quý công sức lao động... khi tổ chức phong trào kế hoạch nhỏ.

Thế nhưng trên thực tế, với việc thu gom giấy vụn, lon bia, các trường vẫn nặng việc đôn đốc học sinh phải hoàn thành chỉ tiêu được giao hơn là việc giáo dục ý thức cho các em gây bức xúc cho phụ huynh.

*Tên phụ huynh trong bài đã được thay đổi theo yêu cầu

Hoài Nam