Chuyến đi để học sống ngoan và nhân ái của học sinh Đà Nẵng
(Dân trí) - Nhiều em học sinh Tiểu học, Trung học cơ sở ở quận Sơn Trà (Đà Nẵng) vừa trải qua một ngày học trải nghiệm cuộc sống đáng nhớ với chuyến đi thăm trường giáo dưỡng, trung tâm bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh. Ngành Giáo dục quận tổ chức cho các em chuyến đi này với mong muốn các em được học sống ngoan và nhân ái.
“Con thấy anh khóc, chắc vì anh hối hận chuyện hồi xưa trốn học, hư”
Bảo Hưng, học sinh lớp 5 trường Tiểu học Tô Vĩnh Diện là một trong hơn 70 học sinh ở các trường Tiểu học, Trung học cơ sở ở quận Sơn Trà (Đà Nẵng) được tham gia chuyến đi thăm trại giáo dưỡng và trại nuôi dưỡng trẻ em bị nhiễm chất độc da cam ở huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) trong ngày 8/11.
Bảo Hưng kể, khi tới Trường giáo dưỡng số 3 (xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng), Hưng ngồi gần một anh đang học ở trường. Học viên này đã kể cho Hưng nghe chuyện hồi xưa trốn học, lấy trộm tiền của cha mẹ đi chơi game rồi kết bạn xấu, làm việc xấu nên mới bị đưa vào trường giáo dưỡng. Sau đó, khuyên Hưng với các bạn là nên tập trung học hành. Hưng nói: “Lúc nói chuyện với tụi con, con thấy anh khóc, chắc vì anh hối hận chuyện hồi xưa trốn học, hư. Con mà như rứa chắc cha mẹ con buồn lắm”.
Một học viên 13 tuổi, được đưa vào Trường giáo dưỡng số 3 Đà Nẵng từ nhiều tháng nay, đại diện cho các học viên ở trường nói chuyện với các em học sinh đến thăm trường tâm sự: “Nếu như có một điều ước, thì em ước thời gian sẽ quay trở lại để em sửa chữa lỗi lầm của mình, để em được ở nhà với gia đình, để em được tiếp tục cắp sách đến trường, vui chơi với bạn bè. Mong rằng các em học sinh còn được đi học, hãy nghĩ đó là điều may mắn, có thầy cô, bạn bè quan tâm... Mong các em học sinh cố gắng học tập, vâng lời thầy cô, cha mẹ, để không phải hối hận như em”
Còn Tuấn Đạt, một học sinh lớp 5 khác cũng tham gia chuyến đi nói rằng em sẽ kể với các bạn ở trường về những bạn học bằng tuổi mình, những em nhỏ nhưng không may bị nhiễm chất độc da cam.
Các em học sinh mang gạo của Phòng GD quận Sơn Trà chuẩn bị để các em trao tặng cho các bạn ở trung tâm bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh.
Đạt nói: “Con rất khâm phục các bạn ở đây. Các bạn không nói được. Có bạn đi lại khó khăn, hay phải ngồi xe lăn. Con nói chuyện với các bạn, các bạn cũng không hiểu. Nhưng các bạn lại có thể múa rất hay, vẽ rất đẹp. Chắc các bạn đã phải rất cố gắng. Sau này, con sẽ nói ba mẹ chở con lên đây thăm lại các bạn”.
Đạt và nhóm bạn cùng lớp cùng tham gia chuyến đi đã hỏi xin chúng tôi mấy tờ giấy trắng để gấp hình con thuyền tặng cho các em nhỏ ở trung tâm bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh để “làm kỷ niệm”. Ngành GD quận Sơn Trà cũng chuẩn bị những phần quà nhu yếu phẩm như gạo ăn, dầu thực vật để các em học sinh trao tặng đến các bạn ở trung tâm.
“Mưa dầm thấm đất” là một phương pháp giáo dục đạo đức hiệu quả
Trong khuôn khổ chương trình chuyến đi thăm trại giáo dưỡng và trại nuôi dưỡng trẻ em bị nhiễm chất độc da cam của học sinh Đà Nẵng có phần trò chuyện với các em học sinh của thầy Ngô Ngọc Hoàng Vương - Trưởng Phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD-ĐT Đà Nẵng). Thầy Vương là người đã từng khiến cho rất nhiều học sinh và cả các thầy cô giáo trẻ khóc giữa sân trường với những câu chuyện giáo dục đạo đức gần gũi với cuộc sống hàng ngày của các em học sinh như kiểu những câu chuyện “hạt giống tâm hồn” hay “chicken soup” (những câu chuyện được mô tả là truyền cảm hứng, chữa lành những tổn thương của trái tim, nuôi dưỡng tâm hồn, nuôi dưỡng ước mơ).
Trong buổi nói chuyện với các em học sinh tham gia chuyến đi hôm 8/11, thầy Vương đã nói về tình cảm gia đình và tình bạn với các em học sinh. Người bạn bình thường chưa bao giờ nhìn thấy bạn khóc; còn người bạn thân là người bạn muốn tựa vào bờ vai để khóc lúc đớn đau. Người bạn thân là người giúp bạn vượt qua những khó khăn, nghịch cảnh; còn người bạn bình thường cũng muốn biết những khó khăn, nghịch cảnh của bạn để... đi kể cho người khác nghe. Người bạn bình thường là người bạn giận dỗi, khó chịu khi bạn đến trễ hẹn; còn người bạn thân sẽ đi ngược con đường bạn đến nơi hẹn bởi vì bạn ấy lo lắng bạn gặp rắc rối trên đường đi. Nói là bạn mà lên face, lên mạng xã hội thách đố, chửi bới, xúc phạm lẫn nhau, rồi dẫn đến bạo lực, thậm chí rủ rê hút thuốc, uống rượu, cờ bạn... thì những người bạn này là bạn xấu. Chúng ta không chỉ có những người bạn thân thiết ở trường, mà ngay trong gia đình, chúng ta cũng có những người bạn thân là cha mẹ, anh chị em... Đó là những điều được thầy giáo đúc kết sau mỗi câu chuyện kể nho nhỏ với các em học sinh.
Trao đổi với chúng tôi, thầy Vương nói: “Theo tôi, những câu chuyện giàu cảm xúc, gần gũi với cuộc sống của các em, phù hợp với tâm lí lứa tuổi học trò, sẽ được các em đồng cảm. Từ đó, các em có những điều chỉnh hành vi trong cuộc sống hàng ngày để hướng tới những giá trị tốt đẹp. Với các em học sinh, mình nói khô khan, giáo điều rằng các em phải thế này, các em phải thế kia là chưa thấm. Mình phải cố gắng hiểu các em rồi mới nói chuyện được. Có thể nói một lần, hai lần các em không nghe; nhưng chúng tôi tin tưởng rằng “mưa dầm thấm đất” là một trong những phương pháp giáo dục đạo đức hiệu quả. Mỗi em học sinh đến trường, phía sau các em là một hoàn cảnh gia đình. Cho nên, vô cùng cần thiết sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình với nhà trường. Nhất là với những em học sinh có biểu hiện cá biệt, các em cần được quan tâm một cách tâm lí hơn. Quan trọng nữa là người lớn phải làm gương để xây dựng lòng tin nơi trẻ. Trẻ em bây giờ tinh ý lắm, người lớn nói được mà không làm được; hay đã hứa hẹn với các em mà không thực hiện, các em biết ngay”
Bà Nguyễn Thị Thảo - Trưởng Phòng GD-ĐT quận Sơn Trà (Đà Nẵng) chia sẻ: “Chúng tôi coi trọng giáo dục đạo đức cho học sinh. Tổ chức cho các em học sinh trên địa bàn quận chuyến đi này, chúng tôi kỳ vọng đây là một cách giáo dục đạo đức cho học sinh, để các em học sống ngoan và nhân ái từ những trải nghiệm thực tế cuộc sống. Ở các trường học, chúng tôi có các câu lạc bộ, hay tổ chức những buổi nói chuyện dưới cờ như buổi nói chuyện của thầy Vương với các em học sinh trong chuyến đi này. Chúng tôi nghĩ thêm cách tổ chức những chuyến đi như thế này, mong rằng khi được tận mắt thấy nơi ăn, chốn ở, sinh hoạt, nghe các học viên ở Trường Giáo dưỡng tâm sự; đặc biệt là nhìn thấy sự cố gắng vươn lên trong cuộc sống của các em nhỏ bất hạnh ở Trung tâm bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh, các em sẽ có những cảm nhận cho riêng mình, ngoan hơn và biết yêu thương, biết chia sẻ hơn, làm nhiều điều đúng, điều tốt mà chính con tim các em mách bảo, biết vâng lời cha mẹ, thầy cô, biết quan tâm, chia sẻ với bạn bè và những người xung quanh...”.
Khánh Hiền