Thanh Hóa:
Chấn chỉnh, khắc phục tình trạng lạm thu tại các cơ sở giáo dục
(Dân trí) - Qua đánh giá của ngành giáo dục Thanh Hóa, nhiều trường Mầm non, Tiểu học, THCS ở các địa phương thực hiện không nghiêm túc về dạy thêm, để xảy ra lạm thu, dẫn đến phụ huynh, nhân dân bức xúc. Trong khi đó, theo phân cấp tại Quyết định số 685/2007/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thanh Hóa, thì trách nhiệm quản lý Nhà nước toàn diện đối với các trường Mầm non, Tiểu học và THCS là của Chủ tịch UBND các huyện.
Nhiều trường bị xử lý sai phạm
Năm học 2016-2017, ngành Giáo dục Thanh Hóa tiếp tục triển khai, thực hiện đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo. Toàn ngành đã và đang triển khai tích cực nhiệm vụ năm học theo chỉ đạo của UBND tỉnh Thanh Hóa, tập trung từng bước khắc phục những khó khăn, bất cập, những thiếu sót, tồn tại trong giáo dục.
Thực tế, thời gian qua, mặc dù ngay từ đầu năm học, Sở GD-ĐT Thanh Hóa đã tổ chức quán triệt đến các đơn vị, trường học về Chỉ thị, Quyết định của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc chấn chỉnh tình trạng lạm thu, quy định về tổ chức dạy thêm, học thêm. Bên cạnh đó, Sở này cũng có các văn bản hướng dẫn thực hiện các khoản thu, chi ngoài ngân sách năm học 2016-2017. Trong đó, nêu rõ các khoản thu phí, lệ phí theo quy định của Nhà nước; các khoản thu của các tổ chức, đoàn thể; các khoản thu tự nguyện phục vụ học sinh và quy trình thực hiện xã hội hóa giáo dục nhằm hỗ trợ sửa chữa, bổ sung, tăng cường cơ sở vật chất trường học.
Đồng thời, ban hành hàng loạt công văn hướng dẫn thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra; công văn chấn chỉnh dạy thêm, học thêm và thực hiện các khoản thu, chi ngoài ngân sách; công văn gửi Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố (gọi tắt là các huyện) về việc cung cấp số điện thoại đường dây nóng để giúp các huyện tiếp nhận thông tin, tổ chức kiểm tra xác minh, xử lý kịp thời khi có đơn thư và báo chí phản ánh.
Thông qua đó, Sở GD-ĐT Thanh Hóa đề nghị Chủ tịch UBND các huyện tổ chức quán triệt các văn bản của UBND tỉnh và hướng dẫn của ngành về dạy thêm, học thêm và các khoản thu, chi ngoài ngân sách; tập trung chỉ đạo thanh tra, kiểm tra các trường Mầm non, Tiểu học, THCS trên địa bàn, xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân sai phạm.
Đồng thời, theo phân cấp tại Quyết định số 685/2007/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thanh Hóa, trách nhiệm quản lý Nhà nước toàn diện đối với các trường Mầm non, Tiểu học và THCS là của Chủ tịch UBND các huyện.
Tuy nhiên, qua đánh giá của ngành giáo dục Thanh Hóa, nhìn chung các đơn vị, trường học trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa thực hiện nghiêm túc, đúng quy định về dạy thêm, học thêm và các khoản thu ngoài ngân sách. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, còn nhiều trường Mầm non, Tiểu học, THCS ở các địa phương thực hiện không nghiêm túc, để xảy ra lạm thu, dẫn đến phụ huynh, nhân dân bức xúc.
Theo Sở GD-ĐT Thanh Hóa thì trách nhiệm này thuộc về Chủ tịch UBND các huyện chưa sát sao thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm đối với hiệu trưởng các trường để xảy ra sai phạm. Liên quan đến tình trạng lạm thu, khi nhận được thông tin, đơn thư và báo chí phản ánh các trường Mầm non, Tiểu học, THCS, Sở GD-ĐT Thanh Hóa đã chuyển cho UBND các huyện để kiểm tra, xác minh, xử lý sai phạm theo thẩm quyền.
Đồng thời, Sở GD-ĐT Thanh Hóa đã tổ chức thanh tra, kiểm tra, xác minh một số trường học có phản ánh về lạm thu như: Tiểu học Trần Phú (thành phố Thanh Hóa); Tiểu học Thiệu Châu (huyện Thiệu Hóa); Tiểu học Yên Phong (huyện Yên Định); Tiểu học và THCS thị trấn Tĩnh Gia (huyện Tĩnh Gia); Tiểu học Quảng Phong, Quảng Lộc (huyện Quảng Xương).
Sau khi có kết quả thanh tra, Sở GD-ĐT đã đề nghị Chủ tịch UBND các huyện xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân để xảy ra thiếu sót, sai phạm tại các trường theo thẩm quyền. Đến nay, tại thành phố Thanh Hóa có gần 40 trường học đã trả lại số tiền thu sai quy định cho phụ huynh học sinh, đồng thời UBND thành phố đã cấp kinh phí cho các trường Tiểu học đạt chuẩn quốc gia đảm bảo học 2 buổi/ngày.
Đối với cấp THPT, Sở GD-ĐT đã yêu cầu một số đơn vị, trường học trả lại toàn bộ kinh phí đã thu sai cho học sinh. Kiểm điểm hiệu trưởng các trường: THPT Thiệu Hóa, Dương Đình Nghệ, Tĩnh Gia 1. Đồng thời, yêu cầu khắc phục, rút kinh nghiệm trong việc tổ chức dạy thêm tăng số buổi so với quy định. Đến nay, cơ bản các trường có sai phạm đều phải khắc phục, trả lại toàn bộ số tiền đã thu sai quy định cho học sinh và cha mẹ học sinh.
Bất cập trong phân cấp quản lý?
Cũng theo đánh giá của ngành giáo dục Thanh Hóa, ý thức chấp hành pháp luật về dạy thêm, học thêm và các khoản thu của một bộ phận cán bộ quản lý trường học chưa nghiêm. Công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực giáo dục còn nhiều bất cập. UBND các huyện chưa chỉ đạo quyết liệt trong việc thanh tra, kiểm tra, xử lý kịp thời đối với hiệu trưởng các trường Mầm non, Tiểu học, THCS để xảy ra lạm thu.
Bên canh đó, năm 2016, kinh phí chi nghiệp vụ cho các trường học trên địa bàn Thanh Hóa chỉ đạt 10% (mức lương tối thiểu 730.000đ, tương đương với 6% của mức 1.150.000đ). Nhiều huyện sử dụng kinh phí nghiệp vụ chi cho hợp đồng lao động và các hoạt động khác dẫn đến kinh phí chi nghiệp vụ cho các trường chỉ đạt 2-4%. Do kinh phí chi nghiệp vụ thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu chi thường xuyên cho các trường học, như kinh phí sửa chữa, tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị giảng dạy, tiền điện sáng, tiền hợp đồng bảo vệ nhà trường.
Sở GD-ĐT Thanh Hóa đề nghị các đơn vị, địa phương tiếp tục tuyên truyền, quán triệt Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT ban hành Điều lệ hội cha mẹ học sinh; Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT, quy định về dạy thêm, học thêm, Thông tư 29/2012/TT-BGDĐT về tài trợ cho các cơ sở giáo dục và Thông tư 26/2009/TT-BGDĐT quy định về mặc đồng phục và lễ phục của học sinh, sinh viên; các văn bản của UBND tỉnh và hướng dẫn của ngành về chấn chỉnh dạy thêm, học thêm và thực hiện các khoản thu, chi ngoài ngân sách; tổ chức kiểm tra xác minh, xử lý, chấn chỉnh kịp thời đối với hiệu trưởng các trường sai phạm thông qua đường dây nóng; tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra, đồng thời xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân sai phạm theo đúng quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, theo phân cấp tại Quyết định 685/2007/QĐ-UBND ngày 02/3/2007 của UBND tỉnh, việc chỉ đạo việc sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; thực hiện đề án sắp xếp mạng lưới các trường Mầm non, Tiểu học, THCS và thực hiện các khoản thu là trách nhiệm của UBND các huyện.
Sở Tài chính phải thanh tra, kiểm tra theo phân cấp quản lý, đảm bảo cấp kinh phí chi nghiệp vụ đạt 10% cho các trường học, tránh tình trạng các địa phương sử dụng kinh phí sai mục đích. Sở Nội vụ phải thanh tra, kiểm tra các huyện về việc tuyển dụng, hợp đồng lao động, sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các trường Mầm non, Tiểu học, THCS; Sở GD-ĐT phối hợp với Sở Tài chính, tham mưu cho UBND tỉnh quy định một số khoản đóng góp nhất định, tránh tình trạng các trường mỗi nơi một kiểu huy động đóng góp của phụ huynh học sinh, gây bức xúc trong nhân dân, như đơn thư và báo chí đã phản ánh.
Duy Tuyên