Cân nhắc chọn trường đầu cấp

(Dân trí) - “Học sinh lớp 9 khi đăng kí nguyện vọng phải cân nhắc sức học thật của mình với hai môn Văn - Toán chứ không phải căn cứ vào điểm số trên học bạ. Phụ huynh cần hiểu con mình, định hướng nghề nghiệp sớm để không lãng phí”, một số hiệu trưởng THPT chia sẻ về cách chọn trường vào lớp 10 tại Hà Nội.

Nhà giáo ưu tú Đặng Đình Đại - Hiệu trưởng THPT song ngữ Wellspring: “Không nên chọn NV1 thấp hơn NV2”

Học sinh lớp 9 khi đăng kí nguyện vọng phải cân nhắc sức học thật của mình với hai môn Văn - Toán chứ không phải căn cứ vào điểm số trên học bạ. Hiện điểm cộng của các thí sinh chỉ sàn sàn bằng nhau nên tôi có lời khuyên với HS lớp 9: Ngoài việc tích cực học Toán, các em cần tập trung ôn luyện môn Ngữ Văn để ghi thêm điểm.

Qua theo dõi công tác tuyển sinh nhiều năm tôi thấy, điểm Toán của các em thường ngang nhau nên phần vượt trội là môn Ngữ Văn. Em nào có điểm môn Văn tốt hơn, thường được lựa chọn vào trường có điểm số cao nên các em cần lưu ý.

NGƯT Đặng Đình Đại:Nên chú ý môn Văn để ghi thêm điểm
NGƯT Đặng Đình Đại:"Nên chú ý môn Văn để ghi thêm điểm"

Thứ hai, các em xem điểm chuẩn của các trường vào năm trước. Điểm của các năm trước chỉ mang tính chất tham khảo nhưng cũng giúp ích rất nhiều cho các em học sinh. Sau đó, thử tính xem mình đi thi với dạng đề như những năm đó, môn Văn mình sẽ được mấy điểm, Toán được mấy điểm để lựa chọn trường phù hợp với lực học chứ không nên đua theo phong trào để chen vào trường có tiếng. Được biết hiện nay, mặt bằng chung các trường THPT công lập ở Hà Nội không chênh nhau quá nhiều nên các em cần cân nhắc.

Ngoài ra, với kinh nghiệm của người nhiều năm tuyển sinh vào lớp 10, tôi khuyên các em không nên chọn NV1 có điểm thấp hơn NV2 thì sẽ hết cơ hội. Các em nên chọn một trường vừa tầm trước, sau đó chọn một trường điểm thấp hơn dành cho NV2. Nếu không vào được trường công lập, các em lại phải chọn trường ngoài công lập nào vừa tầm nhưng chi phí không nên cao quá.

Ông Trịnh Hùng Sơn, Hiệu trưởng THPT Lý Thái Tổ: "Nên định hướng nghề nghiệp sớm"

Theo tôi, những em có tài năng thực sự thì chọn trường chuyên lớp chọn để vào. Nhưng nếu xác định sau này trở thành một công dân tốt, lao động với sức lực và trí tuệ của mình thì ở đâu cũng sẽ thành công.

Tôi thấy người ta tính rồi, những người thành công có 87% không thông qua vấn đề học hành. Vậy tại sao cứ phải vào đại học? Vì vậy, phụ huynh phải hiểu được khả năng của con mình có năng lực đến đâu để chọn trường thích hợp.

Thứ hai là sớm định hướng nghề nghiệp, đừng ép buộc các con học hành nhiều quá. Việc định hướng sớm để các con có va chạm thực tế một chút thì sau này các con sẽ thành đạt.Việc quá nuông chiều sẽ không giúp các con tiến bộ được.

Ông Trịnh Hùng Sơn: Nên định hướng nghề nghiệp sớm
Ông Trịnh Hùng Sơn: "Nên định hướng nghề nghiệp sớm"

Hiện nay một số gia đình chỉ có vài đứa con nên lo sợ “vào đấy cháu nó khổ lắm”, như thế làm đứa trẻ thui chột hết năng lực.

Nhiều ông bố bà mẹ cũng chia sẻ, nếu chọn ngành nghề sớm từ năm lớp 10 các con sẽ học lệch. Tuy nhiên, theo tôi, học sinh học lệch sớm được đã tốt vì chúng ta nên đi theo nền giáo dục phương Tây, định hướng nghề nghiệp sớm.

Một khi các em đã xác định đúng mục tiêu, năng lực cá nhân thì gia đình nên để con cái phát triển hết năng lực. Đến hết lớp 9, học sinh đã gần như xong kiến thức cơ sở. Từ lớp 10 trở đi, nên tạo điều kiện để các con đi theo thiên hướng của mình, không học những cái vô bổ gây lãnh phí, tốn kém.

Ví dụ, một học sinh rất giỏi về âm nhạc và nghệ thuật nhưng gia đình cứ bắt con học Toán, như thế rất lãng phí sức lực, trí tuệ và lãng phí tiền của.

Mỹ Hà (ghi)

Email:myha@dantri.com.vn)