Bạn đọc viết:

Cần dạy trẻ hiểu ý nghĩa tốt đẹp của lì xì

(Dân trí) - Tết đến xuân về luôn mang đến cho mỗi người niềm vui riêng hòa trong niềm vui chào đón năm mới với những hy vọng mới. Đối với trẻ nhỏ, tết là được mặc quần áo đẹp, được đi chơi nhiều nơi và nhất là được nhận lì xì mừng tuổi mới.

Lì xì đầu năm là một truyền thống đẹp của dân tộc ta. Tiền lì xì ít hay nhiều không quan trọng, chủ yếu đó như là một biểu tượng tốt đẹp mang đến sự may mắn và tài lộc cho người nhận. Thế nhưng, cuộc sống hiện đại đã làm cho phong tục lì xì không phải lúc nào cũng giữ nguyên ý nghĩa tốt đẹp đó.

Những ngày trước tết, trẻ con đã háo hức nhắc đến chuyện mừng tuổi. Chúng khoe nhau năm trước được mừng bao nhiêu tiền, rồi so sánh ai được nhiều, ai được ít hơn. Có bạn khoe tiền mừng tuổi vẫn nhét lợn, bạn thì bố mẹ gửi ngân hàng. Từ đó chúng thi đua với nhau xem tết này ai được lì xì nhiều hơn.

Con tôi nói với mẹ rằng: Tết này mẹ cho con đi chơi nhiều nơi để được nhiều tiền mừng tuổi. Tôi nói với con tiền lì xì ngày tết là lộc may mắn chỉ mang ý nghĩa tinh thần là chính chứ không cần nhiều hay ít. Thế nhưng con vẫn không vui vì số tiền mừng tuổi của mình ít hơn so với các bạn.

Năm nào cũng thế, tối 30 tết vợ chồng tôi đều cẩn thận dặn dò con khi được nhận mừng tuổi phải cảm ơn và chúc những lời may mắn, tốt lành; đặc biệt là không được mở phong bao lì xì trước mặt khách. Thế nhưng trẻ con hay quên, nhất là những bé đã hiểu giá trị đồng tiền thì thường không nghe lời dặn, mỗi khi được nhận lì xì liền tí toáy mở ngay ra xem được bao nhiêu. Nhà có hai anh em, chúng còn ganh nhau đứa được nhiều, đứa được ít hơn.

Về quê, nhận lì xì của các ông, các bà, số tiền ít hơn ở thành phố, bọn trẻ tỏ ra không hào hứng, dúi ngay cho bố mẹ cầm hộ. Có người bạn kể chuyện rằng, cô con gái vốn thích ngủ nướng nhưng trong mấy ngày tết rất tích cực dậy sớm để có khách đến chơi nhà thì sẽ được lì xì. Có bạn kiên quyết tự giữ tiền mừng tuổi của mình không nhờ bố mẹ giữ hộ, tự ý dùng tiền mua những thứ mình thích như bim bim, đồ chơi, bóng bay,... dẫn đến rơi mất rồi lại khóc lóc, bắt đền bố mẹ.

Trong khu nhà tôi ở khá đông trẻ con lứa tuổi tiểu học nên từ chiều mùng 1 chúng đã tụ tập đá bóng rồi khoe nhau tiền lì xì năm mới. Nghe chúng nói chuyện mới thấy rằng bọn trẻ bây giờ rất thích được lì xì, càng được lì xì tiền nhiều thì càng thích. Có bạn khoe được lì xì hẳn 500.000 đồng khiến các bạn khác ngỡ ngàng. Con tôi hỏi mẹ: Tại sao em Tý lại được lì xì nhiều thế hả mẹ, sao con chẳng được ai lì xì như thế nhỉ? Ước gì con được lì xì như em ấy!

Câu hỏi của con khiến tôi giật mình bởi hình như người lớn chúng ta đã sai đâu đó trong cách giáo dục, hướng dẫn cho con trẻ về phong tục lì xì, khiến con trẻ không hiểu được ý nghĩa tốt đẹp của phong tục mừng tuổi đầu năm mà chỉ nghĩ đơn giản là được cho tiền mà thôi.

Nhiều anh chị lớn tuổi chia sẻ với tôi rằng, trước đây mừng tuổi trẻ con chỉ 5.000đ hoặc 10.000đ, việc chuẩn bị lì xì rất nhẹ nhàng, nhưng càng ngày tiền lì xì càng nhiều hơn. Bây giờ mừng tuổi phải từ 50.000đ đến 100.000đ, có người còn lì xì 200.000đ đến 500.000đ. Điều đó cũng khiến cho trẻ con có tư tưởng ngày tết là mùa “gặt hái”, chúng thích khoe khoang số tiền được mừng tuổi với bạn bè, thậm chí có trẻ còn “đòi” ông bà, bố mẹ, cô bác, anh chị lì xì nhiều lần để có nhiều tiền hơn.

Chính các bố, các mẹ cũng có tâm lý chạy đua với nhau để sao cho phong bao lì xì của mình không “lép vế” so với người khác với suy nghĩ “có đi có lại mới toại lòng nhau”. Chính vì thế việc mừng tuổi ngày tết đôi khi trở thành “gánh nặng” của người lớn. Còn con trẻ cứ hồn nhiên lớn lên qua từng cái tết mà không thực sự hiểu hết ý nghĩa của việc được lì xì đầu năm.

Hết tết, câu chuyện lì xì cũng “nguội” rất nhanh. Nhiều bố mẹ lên kế hoạch hướng dẫn con sử dụng số tiền lì xì sao cho hiệu quả như mua sắm đồ dùng học tập, quần áo... để con hiểu giá trị của đồng tiền. Còn tôi, năm nào cũng thế, sau tết sẽ tổng kết lại tiền lì xì của con để gửi ngân hàng, một mặt làm “của để dành” cho con, một mặt là để các con không mè nheo đòi mua cái này, cái kia bằng số tiền mừng tuổi của mình nữa. Không còn tiền lì xì trong nhà, bọn trẻ cũng không còn háo hức kể lể, khoe khoang với nhau xem ai được mừng tuổi bao nhiêu tiền nữa mà sẽ tập trung vào việc học hành hơn.

Đỗ Quyên

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm