Cảm phục hành trình 18 năm học cách tìm lại ngôn ngữ cho con câm điếc

(Dân trí) - Câu chuyện về em Trần Lê Khả Ái bị câm điếc bẩm sinh nhưng vẫn kiên trì học đến lớp 12 khiến nhiều người cảm phục nghị lực vượt lên nghịch cảnh. Và càng thán phục hơn khi biết về tình thương con vô bờ bến của ba mẹ em qua hành trình 18 năm đồng hành tìm lại tiếng nói cho con mình.

Lay động lòng người hành trình 18 năm học cùng con

Trần Lê Khả Ái là một trong số hiếm trẻ bị câm điếc bẩm sinh không học tập ở trường chuyên biệt và đang hoàn thành chặng cuối cùng của bậc phổ thông. Để Ái được như hôm nay, ba mẹ Khả Ái - vợ chồng anh Trần Khương (quận 12, TPHCM) đã kiên cường cùng con thực hiện một hành trình học đầy gian nan.


Trần Lê Khả Ái (giữa) và các bạn.

Trần Lê Khả Ái (giữa) và các bạn.

Quyết định rời Quảng Ngãi vào TP.HCM lập nghiệp năm 1996, một năm sau, vợ chồng anh Trần Khương vui mừng chào đón đứa con gái đầu lòng. Trước đó với tâm trạng lần đầu làm cha của đứa con gái, anh Khương đã sung sướng nghĩ tới một viễn cảnh thật tuyệt vời rằng đứa con gái của mình sẽ khả ái múa ballet trên sân khấu. Anh quyết định đặt tên con là Khả Ái với bao kỳ vọng được ấp ủ cho đứa con này.

Thế nhưng khi bé được 2 tuổi, linh tính của người làm cha mẹ kiến vợ chồng anh Khương nhận thấy con mình có điều bất thường. Mang con đến bệnh viện kiểm tra, vợ chồng anh bàng hoàng khi nghe bác sĩ cho biết Ái bị khiếm thính bẩm sinh, kết quả chứng thực tai phải: 105 dB, tai trái: 70 dB.

Hành trình 18 năm đồng hành tìm ngôn ngữ cho con (Thực hiện: Lê Phương - Phạm Nguyễn)

Có lúc tưởng chừng bế tắc và ước muốn nghe tiếng con gọi “ba”, “mẹ” mà vợ chồng anh Khương hằng khát khao dường như là điều không thể thành hiện thực. Rồi tình cờ, anh Khương đọc được một thông tin nói về chương trình can thiệp sớm, hỗ trợ thiết bị trợ thính của Ba Lan dành cho Việt Nam. Anh chạy vạy khắp nơi được 5 cây vàng để mua máy trợ thính cho con đeo. Như vậy, khi Ái gần 30 tháng tuổi em bắt đầu nghe được những âm thanh đầu đời nhưng thính lực chỉ được khoảng 30%. Từ đây, người cha và con gái bé bỏng bước vào cuộc chiến tìm tiếng người dù biết rằng ngày đó có thể còn xa.

Hằng ngày anh đèo con bằng xe đạp đi 20km từ nhà đến Trung Tâm khuyết tật TPHCM (quận 3) để học. Không dừng lại ở việc học ở Trung Tâm, anh và vợ cũng học cách dạy từ các cô và tiến hành dạy con ở nhà. Dù thời buổi kinh tế khó khăn, nhưng anh quyết cho vợ nghỉ làm công nhân để dành thời gian dạy dỗ và hiểu con và một mình anh gánh vác việc gia đình. Niềm vui và động lực cho hai vợ chồng chính là khi nghe con bập bẹ nói những từ đầu tiên dù nghe chẳng nhận ra từ gì.

Khi Ái được 5 tuổi, anh Khương lại bắt đầu một chặng đường gian nan khác là tìm một ngôi trường bình thường cho con học mầm non thay vì phải vào một trường chuyên biệt cho trẻ câm điếc. Sau nhiều lần xin học, cuối cùng anh gửi con vào Trường Mầm Non Bông Hồng (quận 12). Thời gian đầu gặp rất nhiều khó khăn, từ việc xa mẹ, sinh hoạt cá nhân, ăn uống theo nề nếp nhà trường. Ngày nào đón con anh cũng gặp hỗ trợ các cô vì có thể chưa gặp trường hợp trẻ nào như con mình. Anh cho Ái học hai năm lớp lá để cho con nói rõ hơn. Không phụ lòng ba mẹ, Ái ngày càng tiến bộ rõ.

Vượt qua chặng đường đầu tiên, Ái vào tiểu học lại là một bước ngoặt lớn mà cả nhà càng phải cố gắng hơn. May mắn thay, suốt cấp tiểu học, Ái được học những giáo viên ân cần và tận tụy với nghề và hỗ trợ nhiều cho em. Nhưng có những tiết quan trọng về ngôn ngữ như: chính tả, đọc chữ… anh Khương xin phép đứng ngoài để học, về nhà cả ba mẹ chia nhau dạy lại con.


Để học được tới lớp 12 ở môi trường bình thường, bên cạnh Khả Ái luôn có sự đồng hành của đấng sinh thành

Để học được tới lớp 12 ở môi trường bình thường, bên cạnh Khả Ái luôn có sự đồng hành của đấng sinh thành

Anh Khương chia sẻ: “Trong những năm từ mầm non đến tiểu học, hai vợ chồng rất vất vả vì giáo trình dạy cho trẻ hòa nhập, giáo trình dạy ngôn ngữ cho trẻ hòa nhập ở Việt Nam thời điểm đó còn rất hiếm. Hầu như chúng tôi tự mày mò tìm cách chỉnh âm, cách phát âm sao cho tròn âm. Vừa chỉnh cho con nghe, vừa chỉnh từ khẩu hình miệng để uốn nắn từ từ những âm thanh đầu đời khi bé bắt đầu biết nghe. Rồi tiếp đến các chữ trong sách giáo khoa, chúng tôi tập Ái phát âm từng chữ một, dần nâng lên câu hai chữ, câu ba chữ, rồi bắt đầu triển khai lên câu 4 chữ, 5 chữ”.

Năm Ái lên lớp 6 lại là bước ngoặt mới khi em phải học với 12 thầy cô tương ứng 12 giọng nói mà em phải làm quen. Phải mất hai tháng em mới quen được với nhau. Anh phải trình bày và thuyết phục mãi cô giáo chủ nhiệm mới đồng ý về dạy thêm tại nhà để Ái có điều kiện học tốt hơn. Gia đình không khá giả, anh huy động các phụ huynh xung quanh cho con học vừa phụ gánh học phí vừa giúp con có thể bạn.


Anh Trần Khương vẫn hỗ trợ cho con mình môn Văn- môn học trở ngại nhất của Khả Ái

Anh Trần Khương vẫn hỗ trợ cho con mình môn Văn- môn học trở ngại nhất của Khả Ái

Thi lớp 10 cùng các bạn bình thường, Ái thiếu mất 1 điểm để vào trường công lập. Anh cho con vào học trường tư là Trường THPT Lý Thái Tổ (quận Gò Vấp). Với sự giúp đỡ của nhà trường từ việc học phí cho đến kèm cặp việc học, Ái đã tiến bộ hơn từng ngày. Cuối năm lớp 10, cô bé được học sinh tiên tiến với điểm trung bình môn: 7.2 điểm. Giờ đây Ái đã có thể nói câu khá rõ ràng, hòa nhập tốt với bạn bè và đặc biệt học tốt các môn khoa học tự nhiên. Dù vậy, anh Khương vẫn hỗ trợ cho con ở môn văn- môn trở ngại nhất của con.

Anh Khương tâm sự: “Tôi thiết nghĩ nếu trước kia tôi ngừng hi vọng và buông xuôi như bao gia đình khác thì con tôi sẽ câm điếc mất và không có được ngày hôm nay, có chăng chỉ được học trường chuyên biệt và ngôn ngữ kí hiệu mà thôi. Nhưng giờ này bé giao tiếp tốt cũng nhờ một phần nỗ lực không ngừng của bé.

Dù con mình khiếm khuyết hay bình thường thì điều đó không quan trọng. Quan trọng nhất là cha mẹ phải luôn sát cánh cùng con. Tạo điều kiện cho con giao tiếp và hội nhập với thế giới xung quanh. Đừng vì những lời dèm pha mà đánh mất tương lai của con mình”.

Muốn con “tự đứng trên đôi chân của mình”

Trò chuyện với Khả Ái, cô bé chia sẻ mình rất thích vẽ và có ước mơ may đồ và thiết kế thời trang để nối nghiệp công việc của ba mẹ. Trong đợt đăng ký thi THPT quốc gia, em đăng ký thi 5 môn gồm Toán, Văn, Anh, Lý và Hóa. Em cho biết mình sẽ cố gắng phải đi thi để biết năng lực của mình cũng như đăng ký xét tuyển ĐH.


Bằng sự kiên trì của mình, Khả Ái đang cố gắng ôn tập để đạt kết quả tốt trong kỳ thi sắp tới

Bằng sự kiên trì của mình, Khả Ái đang cố gắng ôn tập để đạt kết quả tốt trong kỳ thi sắp tới

Điều đáng quý là anh Khương luôn dạy con tự đứng lên bằng ý chí của mình và Ái luôn nhận thức được bản thân mình để cố gắng. Ngay góc học tập của Khả Ái ở nhà, anh Khương cắt nhiều bài báo về những gương sáng vượt khó dán trên vách. Anh Khương lí giải rằng đó là cách anh muốn khích lệ tinh thần vươn lên vượt nghịch cảnh cho con mình.

Anh kể rằng, cuối học kì một năm lớp 6, Ái không được học sinh tiên tiến vì điểm trung bình môn giáo dục công dân chỉ được 4.5 điểm. “Lúc ấy, giáo viên có hỏi rằng tôi có mong muốn vớt điểm cho con để con được danh hiệu tiên tiến hay không. Tôi chối từ một cách chắc chắn. Tôi muốn con mình trưởng thành và hòa nhập chứ không muốn con mình vì một vài thành tích mà xin xỏ vớt vát điểm số. Tôi cũng dặn dò con không được gian lận trong kiểm tra thi cử. Nhờ nỗ lực của chính bản thân, con tôi cuối năm được danh hiệu học sinh khá và học sinh tiến bộ nhất. Đó cũng là động lực để con bé cố gắng hơn trong việc học”, anh Khương cho biết.

Mới đây, thấy nghị lực của Khả Ái, trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã trao học bổng toàn phần ngành thiết kế thời trang trong 4 năm học với tổng chi phí hơn 200 triệu đồng cho em. Ngoài ra, một trường ĐH khác cũng thông báo sẽ xem xét cấp học bổng cho Ái vào học ngành thiết kế sau khi em nộp 3 bảng vẽ vào tháng 7 tới. Anh bộc bạch: “Cùng nhau học chung với con tới giờ, con tôi được nhận học bổng là điều bất ngờ ngoài dự kiến của mình. Tôi chỉ mong muốn Khả Ái học xong lớp 12 và sống trên đôi chân của mình”.

Bên cạnh cảm giác hạnh phúc vì con mình được quan tâm, anh Khương cũng cảm thấy lo ngại con mình sẽ tự mãn. Đó là lí do anh vẫn muốn con mình tham gia kỳ thi THPT quốc gia sắp tới để vào ĐH dù Ái hoàn toàn đủ điều kiện được đặc cách tốt nghiệp và có những trường ĐH rộng cửa chào đón. Anh muốn con mình tập trung ôn thi cho tốt, dù đạt điểm thi bao nhiêu thì đó cũng là kết quả nỗ lực của con gái mình và từ đó bé sẽ có cách đi lên riêng mình.

Lê Phương