Bạn đọc viết:

Bục giảng không dành cho người ít kiên nhẫn, thiếu bao dung!

(Dân trí) - Cô giáo phạt nữ sinh lớp 3 súc miệng bằng nước giặt khăn lau bảng, câu chuyện thật như đùa ấy khiến chúng ta giật mình kinh hãi và đau xót vô cùng. Ôi! Cô giáo - người mẹ thứ hai của con trẻ ở trường sao bỗng biến thành người nhẫn tâm như thế?

Lấy lý do “còn trẻ thiếu kinh nghiệm” để biện hộ cho hành động mất tính, người ấy thật sự không thể chấp nhận được!

Là một phụ huynh có con đang độ tuổi đến trường, tôi nghĩ mình cũng như bao người khác vẫn mong muốn con trẻ nhận được tình yêu thương và sự dạy bảo tận tình của thầy cô. Chúng tôi vẫn biết nghề giáo nhiều áp lực, vẫn đồng cảm với sự nghiêm khắc của thầy cô khi muốn trò nên người. Tuy nhiên, hành động phạt trẻ ngậm nước giặt khăn lau bảng đã đi quá giới hạn của sự cảm thông.

Đã bao giờ cô giáo cầm chiếc khăn lau bảng ấy đi giặt chưa? Nó bẩn kinh khủng! Bắt một đứa trẻ ngậm số nước bẩn vào miệng, dẫu chỉ là dọa cũng đã tiềm ẩn nhiều nguy cơ bệnh tật. Cô đã quá xem thường sức khỏe học sinh. Đó là còn chưa kể đến nỗi tủi nhục, xấu hổ của con trẻ khi bị phạt trước mặt bạn bè.

Ngày trước, tôi nhớ đã từ rất lâu lắm rồi chúng tôi vẫn nghe râm ran các câu chuyện xử phạt phản cảm của giáo viên. Nhưng đó là câu chuyện của ngày xửa ngày xưa. Còn bây giờ, giữa thời đại công nghệ số và trình độ dân trí nâng cao như vậy mà vẫn còn hình phạt đó thì chúng tôi vẫn tự hỏi cô có vấn đề về tâm lý gì không?

Tôi nghĩ, có lẽ chỉ có những người bị sang chấn tâm lý mới có thể hành xử với một đứa trẻ như thế. Đó chỉ là một cô bé lớp ba mắc lỗi nói chuyện riêng trong lớp. Con không đáng phải nhận lấy hình phạt kinh khủng, vô nhân tâm của cô giáo.

Cô giáo phạt học sinh bằng hình phạt ấy và không hề nhận ra rằng bắt trẻ ngậm nước giặt khăn lau bảng là sai, là phản cảm, là mất tính người. Điều đó thật sự nguy hiểm. Bởi đâu đó trong đội ngũ giáo viên vẫn có những người mặc nhiên cho mình những “quyền lực” vô hình, những cách hành xử khác người mà không chút lo sợ, băn khoăn.

Chỉ mới ứng xử với hành vi nói chuyện riêng trong giờ học - căn bệnh “kinh niên” của học sinh mà giáo viên đã phạt như thế. Thử hỏi suốt cuộc đời làm nghề giáo của mình, cô sẽ ứng xử ra sao với vô vàn những trò tinh nghịch, thậm chí là nghịch dại của học sinh? Lẽ nào lúc đó lại bao biện bằng lý do “thiếu kinh nghiệm” và “trẻ người non dạ”?

Bắt học sinh uống nước giặt khăn lau bảng, đó không phải là xử phạt mà là trừng phạt! Vấn đề thuộc phạm trù đạo đức với những nhận thức về nhân tính, nền tảng của nhân cách.

Nhân đây tôi thấy nhiều bạn đọc cũng đang rất trăn trở về quy trình đào tạo, tuyển dụng giáo viên hiện nay ở nước ta. Các trường sư phạm và các đơn vị giáo dục trong đào tạo, tuyển dụng giáo viên có lưu tâm đánh giá lòng yêu nghề, yêu nghề của người thầy không? Giáo viên phải được học và rèn luyện các phẩm chất, đức tính cần thiết nào để thực hiện sự nghiệp “trồng người”?

Nghề giáo là nghề đặc biệt bởi đối tượng tiếp cận là con người. Bởi vậy, nếu ngành nghề khác cần một phần kiên nhẫn thì người thầy cần đến mười phần. Nếu ngành nghề khác cần một phần bao dung thì ngành nghề khác cần đến mười phần.

Bởi vậy, tôi nghĩ nghề giáo sẽ không thích hợp với những ai ít kiên nhẫn và thiếu bao dung!

Ngọc Hùng

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!