Biện pháp gì để dẹp loạn tiến sĩ “dỏm”?
(Dân trí) - GS.TS Đinh Văn Sơn, Chủ tịch Hội đồng chức danh Giáo sư ngành Kinh tế: “Muốn giải được bài toán chất lượng đào tạo tiến sĩ, để giảm thiểu và từng bước chấm dứt tình trạng tiến sĩ dỏm cần phải xác định rõ các biến số, tìm kiếm giải pháp phù hợp”.
Bắt đầu từ tháng 6/2016, Bộ GD&ĐT yêu cầu các cơ sở đào tạo tiến sĩ phải tự dừng tuyển sinh đối với ngành không còn đủ điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo theo quy định hiện hành. Trong thời gian tới, Bộ sẽ tiến hành rà soát, kiểm tra điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo trình độ tiến sĩ ở tất cả các cơ sở đào tạo trong cả nước. Đây là biện pháp Bộ GD&ĐT đưa ra sau khi báo chí phản ánh “lò sản xuất tiến sĩ” và tình trạng lạm phát tiến sĩ tại Việt Nam hiện nay. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn tới tình trạng báo động này? Giải pháp nào để giải quyết?
PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với GS.TS Đinh Văn Sơn, Chủ tịch Hội đồng chức danh Giáo sư ngành Kinh tế, Hiệu trưởng trường ĐH Thương Mại về vấn đề này.
Lạm phát tiến sĩ là không đúng
Từ sự kiện“Lò sản xuất tiến sĩ” của Học viện khoa học xã hội thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam khiến xã hội lo lắng về tình trạng “lạm phát” tiến sĩ ở Việt Nam hiện nay, là Chủ tịch Hội đồng chức danh Giáo sư ngành Kinh tế học, hiệu trưởng một trường đại học có chức năng đào tạo tiến sĩ, ý kiến của ông thế nào?
Khi được tiếp cận các thông tin này, tôi cũng thấy có phần "ngạc nhiên" nếu suy ngẫm trong tư duy đối sánh với thực tế của trường Đại học Thương mại.
Trường Đại học Thương mại với đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sĩ, cũng như đội ngũ giáo sư, phó giáo sư tương đối hùng hậu nhưng bình quân hàng năm chỉ có khoảng từ 5-7 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án và được cấp bằng tiến sĩ.
Mấy năm gần đây theo số liệu thống kê của trường, bình quân chỉ có khoảng 10% số nghiên cứu sinh của trường bảo vệ thành công luận án. Số còn lại "đứt gánh giữa đường" bởi nhiều lý do khác nhau, trong đó có lý do về năng lực nghiên cứu của nghiên cứu sinh không đáp ứng được yêu cầu của quá trình đào tạo. Và chắc chắn rằng đây không phải là thực tế riêng của trường Đại học Thương mại, mà của hầu hết các trường đại học công lập ở Việt Nam.
Bởi vậy, chỉ từ thực tế cá biệt ở Học viện khoa học xã hội mà khẳng định "lạm phát tiến sĩ" là không đúng, nếu xét trên khía cạnh CUNG. Ở Việt Nam chỉ có một Học viện khoa học xã hội mà thôi. Còn các Viện khác, muốn biết thực tế ra sao phải điều tra, có kết quả rồi thì mới kết luận khách quan.
Trường Đại học Thương mại chúng tôi đang thực hiện mục tiêu chiến lược về phát triển đội ngũ giáo viên là 100% giáo viên giảng dạy đại học phải có trình độ chuyên môn là tiến sĩ. Đó cũng là mục tiêu của tất cả các trường đại học nếu muốn " Đổi mới căn bản và toàn diện...". Cho nên khi đề cập phạm trù "lạm phát tiến sĩ" chỉ nên đề cập sự dư thừa hoặc không cần thiết tiến sĩ ở một số cơ quan, tổ chức hoặc các vị trí công tác nào đó, nếu xét trên khía cạnh CẦU.
Có một thực tế ở Việt Nam hiện nay, “năng xuất đào tạo tiến sĩ” ở các Viện nghiên cứu rất lớn.Vậy theo ông, việc đào tạo tiến sĩ ở các Viện có hợp lý hay không?
Với số liệu về đào tạo tiến sĩ ở Học viện khoa học xã hội như vậy thì quả thật phải xem xét lại. Về chất lượng luận án thì tôi không bàn vì chuyên môn của tôi ở lĩnh vực khác.
Về quy mô đào tạo, theo quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ, được xác định trên cơ sở đội ngũ các nhà khoa học, giảng viên có trình độ tiến sĩ trở lên trong biên chế cơ hữu của cơ sở đào tạo. Phải biết Học viện khoa học xã hội có bao nhiêu biên chế thì mới có thể đánh giá được "năng xuất đào tạo tiến sĩ" của Viện là cao hay phù hợp.
Theo tôi, về việc đào tạo tiến sĩ ở các Viện có hợp lý hay không cần xem xét trên mấy vấn đề là ở nước ngoài việc đào tạo nói chung và đào tạo tiến sĩ của các viện nghiên cứu có được chính phủ giao chỉ tiêu như ở Việt Nam hiện nay hay không?
Các Viện nghiên cứu có các những nhiệm vụ gì? Trong đó, nhiệm vụ nào là chủ yếu? Nghiên cứu là chính hay đào tạo tiến sĩ là chính? Việc định mức quy mô xét tuyển nghiên cứu sinh hàng năm của các viên nghiên cứu được xác định theo các tiêu chí như các trường đại học với nhiệm vụ chính là đào tạo có hợp lý hay không?
Tôi được biết, một số viện nghiên cứu khi thực hiện đào tạo tiến sĩ phải gửi nghiên cứu sinh của mình sang các trường đại học để học "nhờ" 2 khối kiến thức: khối kiến thức bổ sung và khối kiến thức trình độ tiến sĩ. Như vậy các viện này có đủ điều kiện đào tạo tiến sĩ hay không?
Giải bài toán chất lượng với nhiều biến số
Như vậy ở Việt Nam, việc cho phép các đơn vị đào tạo tiến sĩ quá nhiều và các cơ sở chạy theo số lượng chứ không quan tâm tới chất lượng dẫn đến dễ dãi trong tuyển chọn đầu vào trình độ tiến sĩ?
Như ở trên tôi đã đề cập, nếu xét trên số lượng nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ hàng năm ở các trường đại học công lập thì chắc chắn không ai dùng chữ "lạm phát" nữa.
Như vậy, vấn đề không phải là chỉ tiêu hàng năm bộ GDĐT giao cho các trường. Vấn đề là việc chấp hành nghiêm túc quy chế đào tạo, chất lượng luận án, tính khách quan khi đánh giá luận án tiến sĩ ở các cơ sở đào tạo? Các cơ sở đào tạo có đặt lợi ích quốc gia, lợi ích chiến lược hay không thay vì cho lợi ích cục bộ, lợi ích ngắn hạn (nguồn thu của cơ sở đào tạo)?. Có vì các mối quan hệ nhạy cảm mà quá dễ dãi trong việc phản biện, đánh giá luận án tiến sĩ hay không?
Như thực tế hiện nay, chất lượng tiến sĩ còn thấp kém không hẳn là do chỉ tiêu bộ GDĐT giao cho các trường đại học là nhiều hay ít. Chúng ta phải giải bài toán chất lượng với nhiều biến số, mỗi biến sẽ phải có những giải pháp phù hợp và cần thực hiện nghiêm túc.
Có ý kiến cho rằng, chính vì việc dễ dãi đó nên có quá nhiều tiến sĩ trong thời gian gần đây. Không chỉ tiến sĩ ở cấp huyện mà tiến sĩ ở cấp xã cũng sẽ có. Sự dễ dãi của cả hệ thống mang tính chất mối quan hệ hơn là ý nghĩa khoa học. Ý kiến ông thế nào?
Theo tôi, dễ dãi trong đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam hiên nay không phải là phổ biến. Cá biệt ở đâu đó không thể dẫn tới một kết luận là phổ biến được. Bộ GDĐT sẽ phải rà soát, kiểm tra toàn diện việc chấp hành quy chế đào tạo tiến sĩ, cần đình chỉ đào tạo những cơ sở đào tạo không đủ điều kiện hoặc không chấp hành nghiêm túc quy chế, quá dễ dãi trong xét tuyển, trong học chuyển đổi để làm nghiên cứu sinh, thời gian tối thiếu nghiên cứu và học tập tập trung của nghiên cứu sinh.
Chúng ta cần phân biệt các phạm trù: học sinh, sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh. Nghiên cứu sinh là đối tượng đào tạo trình độ tiến sĩ sẽ phải là người nghiên cứu ngay trong quá trình đào tạo. Phần học phải rất ít trong toàn bộ thời gian đào tạo. Vì vậy, nghiên cứu sinh phải là người có năng lực nghiên cứu chứ không phải là năng lực học tập. Về vấn đề này cần phải xem xét một cách nghiêm túc để hoàn thiện quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ trong thời gian tới.
Nhiều người học lấy bằng tiến sĩ với ý nghĩa là đồ "trang sức trí tuệ" để rộng đường công danh (Ảnh: minh họa)
Lãng phí trong đào tạo, trong sử dụng con người.
Ở Việt Nam, tiến sĩ nhiều khi chỉ là cái mác tô vẽ thêm để thăng tiến? ông nghĩ sao?
Tôi hoàn toàn nhất trí với quan điểm này. Khi đánh giá về năng lực công tác của công chức, viên chức không nên căn cứ vào bằng cấp, mà phải căn cứ vào mức độ và chất lượng hoàn thành nhiệm vụ được giao theo từng vị trí công tác, của từng người. Ngay cả trong công tác tuyển dụng, bổ nhiệm cũng nên như vậy. Rất nhiều người, công tác chuyên môn đảm nhận không liên quan gì với ngành, chuyên ngành đào tạo trình độ tiến sĩ của họ. Đúng là một thực tế lãng phí trong đào tạo, trong sử dụng con người.
Nhiều người, bằng mọi cách cố gắng để có bằng tiến sĩ, để có lợi thế cho đường công danh của mình. Kể cả khi bằng tiến sĩ đó không liên quan đến công việc và không ít người rất thiếu năng lực nghiên cứu vẫn mong muốn bằng mọi cách có bằng tiến sĩ với ý nghĩa là đồ "trang sức trí tuệ" để rộng đường công danh.
Theo ông có biện pháp gì để dẹp loạn tiến sĩ “dỏm” hiện nay vì tiến sĩ dỏm càng làm lãnh đạo càng chết khi đưa ra quyết định sai, ảnh hưởng rất lớn đến mọi người, đến xã hội?
Như ở trên tôi đã đề cập, muốn giải được bài toán chất lượng đào tạo tiến sĩ, để giảm thiểu và từng bước chấm dứt tình trạng tiến sĩ dỏm cần phải xác định rõ các biến số, tìm kiếm giải pháp phù hợp.
Theo tôi, có thể bao gồm một số nội dung cần rà soát và tiếp tục hoàn thiện như: Đối tượng xét tuyển nghiên cứu sinh; Các điều kiện, tiêu chuẩn của ứng viên xét tuyển; Quy trình xét tuyển; Tổ chức quá trình đào tạo, bao gồm: hình thức đào tạo, chương trình đào tạo, người hướng dẫn khoa học, các sản phẩm khoa học của nghiên cứu sinh...
Đánh giá kết quả đào tạo, trong đó đánh giá luận án tiến sĩ là khâu cuối cùng và quan trọng nhất. Ngay tên gọi hội đồng đánh giá, theo tôi nên quay trở lại tên gọi trước kia là Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ cấp nhà nước hay cấp quốc gia thay cho tên gọi cấp trường, cấp viện, học viện như hiện nay.
Thành viên hội đồng nên chủ yếu là các nhà khoa học đến từ các cơ sở đào tạo khác có uy tín về khoa học và nghiêm túc trong phản biện tham gia đánh giá luận án một cách khách quan.
Cần công khai, minh bạch. Tất cả các cơ sở đào tạo phải công khai, minh bạch toàn bộ quá trình đào tạo trên Website của mình về các điều kiện đảm bảo đào tạo, về từng nghiên cứu sinh: họ tên nghiên cứu sinh, cơ quan công tác, thông tin về quá trình học tập và nghiên cứu khoa học, người hướng dẫn khoa học, ngành đào tạo, tên đề tài và toàn văn luận án...
Bộ GD&ĐT yêu cầu từ tháng 6/2016, các cơ sở đào tạo tiến sĩ phải tự dừng tuyển sinh đối với ngành không còn đủ điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo theo quy định hiện hành, ông thấy thế nào?
Tôi hoàn toàn nhất trí. Tuy nhiên, đây là giải pháp trước mắt. Thời gian tới bộ GDĐT cần phải tiến hành toàn diện và đồng bộ nhiều giải pháp, trên nhiều nội dung như: tiếp tục hoàn thiện và tạo ra một sự thay đổi về chất đối với quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ; tổng kiểm tra và mạnh dạn đình chỉ những cơ sở đào tạo đã được cấp phép đào tạo tiến sĩ, kể cả thạc sĩ mà không đủ điều kiện;
Từng bước quốc tế hoá đào tạo tiến sĩ, khuyến khích các cơ sở đào tạo mời các nhà khoa học nước ngoài tham gia đào tạo tiến sĩ; công khai và minh bạch hoá đào tạo; tăng cường và thường xuyên thực hiện vai trò kiểm tra, kiểm soát và xử lý của bộ GDĐT...đối với đào tạo trình độ tiến sĩ.
Xin trân trọng cám ơn giáo sư!
Hồng Hạnh (thực hiện)