Bí thư Thăng: Đầu tư chưa ngang tầm, ĐH Quốc gia TPHCM còn manh mún

(Dân trí) - "Sau khi tham quan, tôi có chút thất vọng vì đầu tư 20 năm rồi nhưng có vẻ ĐH Quốc gia TPHCM vẫn manh mún, phân tán... Rõ ràng chúng ta xác định ĐH Quốc gia quan trọng nhưng đầu tư của nhà nước như vậy là chưa ngang tầm."

Chiều ngày 15/3, Bí thư Đinh La Thăng đã đến làm việc với ĐH Quốc gia TP.HCM. Bí thư Thăng cho rằng do đầu tư chưa ngang tầm nên ĐHQG còn manh mún, sơ khai. Trước buổi làm việc, Bí thư Thăng đã tham quan khu đô thị ĐH Quốc gia TPHCM gồm: phòng thí nghiệm Nano, thư viện Trung tâm, trường ĐH Quốc tế, Trung tâm phát triển vi mạch (IDCREC)….

ĐHQG TPHCM có nhiều chương trình kiểm định quốc tế nhiều nhất nước

Báo cáo buổi làm việc, PGS.TS Phan Thanh Bình - Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM cho biết: ĐHQG TPHCM chính thức ra đời vào năm 2001, hướng đến xây dựng một hệ thống ĐH trong tốp đầu châu Á. Với tổng cộng 8 trường và đơn vị thành viên, ĐHQG TPHCM chịu trách nhiệm đào tạo trên các lĩnh vực khoa học tự nhiên, xã hội, kỹ thuật công nghệ, quản lý kinh tế và khoa học sức khỏe.

Bí thư Đinh La Thăng xem sản phẩm phòng thí nghiệm Nano.
Bí thư Đinh La Thăng xem sản phẩm phòng thí nghiệm Nano.

Với tổng cộng 5.514 cán bộ, giảng viên trong đó hơn 1.080 tiến sĩ, và hơn 1.800 thạc sĩ, hiện ĐHQG TPHCM đào tạo hơn 57.200 sinh viên chính quy. Hiện đại học này đang xây dựng theo mô hình đô thị khoa học hiện đại đầu tiên của cả nước với diện tích hơn 643 hecta tọa lạc ngay cửa ngõ Đông Bắc của thành phố. Hệ thống ký túc xá ở đây cũng hiện đại nhất nước, chứa gần 22.000 sinh viên đang ở và học tập.

ĐHQG TPHCM phố đã triển khai công nghệ đào tạo CDIO thế giới trên 29 khoa, 58/85 ngành đạt 65%. Đồng thời, ĐHQG TPHCM là đơn vị đào tạo có kiểm định quốc tế nhiều nhất nước với tổng cộng 32 chương trình, trong đó 23 chương trình AUN (chuẩn châu Á); 2 chương trình ABET (chuẩn Hoa Kỳ) và 7 chương trình đạt chuẩn châu Âu.

Đến năm 2015, có tổng số 3.240 công bố khoa học (1 tiến sĩ có gần 3 bài báo khoa học); 510 bài báo quốc tế (3 TS có 1 bài báo). Thành quả chuyển giao công nghệ của năm 2015 thì 1 đồng kinh phí ngân sách làm ra 3,2 đồng từ chuyển giao công nghệ của các nghiên cứu khoa học.

ĐHQG này cũng tham gia giải quyết các vấn đề lớn trong quá trình phát triển của thành phố như: ứng dụng khoa học và công nghệ giảm ùn tắc giao thông; chương trình chống ngập và chương trình phát triển vi mạch, chương trình khoa học y sinh…

Ông Bình kiến nghị rà soát đánh giá sự hợp tác và cơ chế đầu tư phối hợp tài chính giữa TP.HCM và ĐHQG TPHCM. Ông Bình cho biết, đất của ĐHQG thuộc địa phận TP.HCM còn tới 28% chưa giải tỏa được nên đề nghị hỗ trợ công tác đền bù giải tỏa đối với khu đô thị Linh Trung. Đồng thời tăng cương công tác kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm và hỗ trợ công tác an ninh trong khu vực này.

Ngoài vấn đề trên,theo ông Bình hiện nay ĐHQG đang vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, tái định cư đối với các hộ dân nằm trong khuông viên ĐHQG. Trong năm 2016 ưu tiên tập trung giải phóng mặt bằng phục vụ cho đường kết nối Quốc lộ 1 vào bến xe buýt khu B vì hiện nay khu vực này cứ 30 giây có một chuyến xe buýt và vị trí kết nối hạ tầng vào ga Metro. Cổng vào ĐHQG hiện khá phức tạp, mong muốn có thể “lộ” mặt tiền ra vì hiện nay bị dãy nhà dân che phía trước.

GS Võ Văn Tới giới thiệu cho Bí thư Đinh La Thăng một nghiên cứu do ĐH Quốc tế thực hiện.
GS Võ Văn Tới giới thiệu cho Bí thư Đinh La Thăng một nghiên cứu do ĐH Quốc tế thực hiện.

Ngoài ra, phía trường ĐH Kinh tế Luật với vị trí ngay đường quốc lộ nên mong muốn có 1 cầu vượt để sinh viên đi đường không nguy hiểm. Hiện trong khu đô thi còn một khu chợ “ruồi” nếu đi vào 7-8g sáng sẽ kẹt cứng vì vậy cần có cách giải tỏa khu chợ này.

Có chút thất vọng vì 20 năm ĐHQG vẫn còn manh mún

Sau khi lắng nghe các kiến nghị của ĐHQG TPHCM, Bí thư Đinh La Thăng yêu cầu Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giao thông Vận tải trả lời và đưa ra hướng để phối hợp giải quyết.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bí thư Đinh La Thăng cho biết: “Thành phố luôn coi trọng nguồn tri thức, nguồn nhân chất lượng cao, đào tạo ra những con người có tri thức, phẩm chất đạo đức, tác phong công nghiệp phục vụ vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của thành phố. Chúng tôi luôn quan niệm rằng ĐHQG TPHCM chính là nguồn lực, động lực của thành phố, cũng như là “của hồi môn” của Chính phủ dành cho thành phố. Nếu coi khoa học công nghệ là then chốt thì biết phát huy và sử dụng hiệu quả tri thức của các giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học ở ĐHQG, các khu công nghệ cao, các trường ĐH… chính là chìa khóa của thành công trong sự phát triển thành phố.

Bí thư Thăng thăm phòng kỹ thuật của ĐH Quốc tế.
Bí thư Thăng thăm phòng kỹ thuật của ĐH Quốc tế.

Tuy nhiên, ông Thăng cũng cho biết: “Tôi đi tham quan thì có chút thất vọng vì chúng ta đầu tư 20 năm rồi nhưng có vẻ manh mún, phân tán và những cái đầu tư trước đây thì có vẻ xuống cấp. Rõ ràng chúng ta xác định ĐHQG quan trọng nhưng đầu tư của nhà nước như vậy là chưa ngang tầm chính vì thế mà sau 20 năm rồi mà chỉ mới được như thế này thôi. Bằng sự nỗ lực của các thế hệ thầy trò, sự quan tâm của thành phố và Chính phủ nhưng rõ ràng chúng ta chưa đạt được như mục tiêu đã đề ra là ĐH trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và là động lực của của phía Nam và cả nước. Lúc nghe giới thiệu thấy hoành tráng nhưng đi thực tế còn quá tản mạn và hơi bị sơ khai."

Theo ông Thăng: "Để ĐHQG thực sự là nguồn lực, chìa khóa cho sự phát triển của thành phố, cho cả khu vực phía Nam và cả nước thì Nhà nước phải đầu tư mạnh mẽ hơn nữa, không thể vì vướng thủ tục mà mọi kế hoạch bị đình trệ. Chúng ta chưa thực sự năng động, sáng tạo trong cách làm, còn ỷ lại. Do đó, ĐHQG cần phải đánh giá lại một cách nghiêm túc và xem xét lại vì đầu tư cho ĐHQG chính là đầu tư cho sự phát triển của thành phố”.

Tuy nhiên, để phát huy được hết năng lực của ĐHQG, phải có sự phối hợp với sở ban ngành để có sự kết nối, tạo nên chuỗi nghiên cứu ứng dụng - khoa học đào tạo để có sản phẩm cuối cùng là đội ngũ chất lượng cao, các sản phẩm nghiên cứu. Song song đó, ĐHQG cần có sự phân cấp về quyền tự chủ cho các trường thành viên điển hình như cách làm của Trường ĐH Quốc tế. Tại sao chúng ta cứ phải cần tới nguồn vốn kích cầu mà quên đi vấn đề kêu gọi xã hội hóa (ví dụ như nhà nước có thể 40-50% còn lại là doanh nghiệp), chắc chắn việc xây dựng cơ sở vật chất, ký túc xá... sẽ làm được. Với tiềm lực khoa học lớn như vậy ĐHQG phải gắn kết mạnh hơn nữa với doanh nghiệp để thương mại hóa sản phẩm.

Về những đề xuất của ĐHQG TPHCM, Bí thư Đinh La Thăng đề nghị phải có đánh giá những kết quả đạt được, chưa đạt được, nguyên nhân từ đâu và hướng tháo gỡ như thế nào. UBND TP và các sở ban ngành phải coi đây là nhiệm vụ của mình để giúp ĐHQG tháo gỡ những khó khăn vì đây là sự sống còn của thành phố.

Sở Tài chính phải nghiên cứu có giải pháp để hỗ trợ đầu tư. Về cơ chế, đề nghị nghiên cứu cơ chế tài chính 2 bên phối hợp thực hiện, không theo hướng hưởng ngân sách mà theo hướng đầu tư, thành phố đặt hàng trường làm và thành phố trả tiền không đi theo hướng cho vay kích cầu hoặc hỗ trợ lãi xuất, đồng thời nghiên cứu thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm. Việc giải phóng mặt bằng không thể một mình ĐHQG làm được, vì vậy UBND TP phải quyết liệt, chỉ đạo các sở ngành liên quan giải quyết vấn đề này càng sớm càng tốt, không thể để lâu.

Lê Phương