Bé gái 13 tuổi đốt trường bằng xăng: Sở GD&ĐT Khánh Hòa nói gì?

(Dân trí) - Liên quan đến vụ việc bé Trần Thị Ngọc T (13 tuổi, ở xã Ninh Thọ, Ninh Hòa, Khánh Hòa) đốt trường bằng xăng vì đăng facebook và “đủ ngàn like”, TS Trần Quang Mẫn, Phó GĐ Sở GD&ĐT Khánh Hòa cho biết, T đã bỏ học 1 năm nay nên nhà trường có phần nào không quản lý nổi. Sự việc đã được chuyển đến cơ quan điều tra nguyên nhân.

Không quan trọng việc bồi thường thiệt hại

Trao đổi với PV Dân trí vào sáng 12/10, ông Trần Quang Mẫn, Phó GĐ Sở GD&ĐT Khánh Hòa cho biết, cháu T. đã nghỉ học 1 năm nay. Sở GD&ĐT đã liên hệ với phía công an giúp xác minh lại cho rõ nguyên nhân và dẫn đến kết quả vụ việc. “Khi có kết quả, chúng tôi sẽ công bố trên công luận. Đồng thời về ngành, chúng tôi tăng cường hơn nữa việc quản lý nhà trường, đặc biệt ngoài giờ lên lớp nhất là việc giáo dục chính trị, tư tưởng”, ông Mẫn nói.

Cũng theo ông Mẫn, T. không phải học sinh của trường nhưng em đang độ tuổi thanh thiếu niên nên nhà trường cũng có trách nhiệm nào đó với địa phương để giáo dục các cháu không có những hành vi quá khích như vậy.

“Cháu T mới 13 tuổi, tuổi này còn hiếu động và dễ lôi kéo nhưng rất tiếc cháu đó không phải là học sinh trong trường nữa do đã nghỉ học 1 năm nay nên phần nào không quản lý nổi. Hơn nữa, hôm em có hành động đốt trường lại là ngày chủ nhật. Nếu là học sinh trong trường, chắc chắn các em đã được quản lý chặt chẽ hơn và sẽ biết được những hành vi quá khích của các cháu để ngăn cản kịp thời.

TS Trần Quang Mẫn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Khánh Hòa
TS Trần Quang Mẫn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Khánh Hòa

Theo tôi được biết, nhóm bạn cùng tham gia với T cũng là thanh niên trong địa phương, không phải học sinh của trường nên ngành giáo dục khá khó khăn khi tiếp cận. Do đó, chúng tôi đang nhờ cơ quan công an điều tra, xác minh để làm rõ hơn.

Sau khi có kết quả thẩm định xác minh ở bên cơ quan công an, chúng tôi sẽ xem xét việc có truy cứu gì gia đình của học sinh T. Chúng tôi không quan trọng việc bồi thường thiệt hại nếu có mà quan trọng là việc giáo dục các em hiểu được hành vi đó là sai trái”, ông Mẫn cho biết.

Như Dân trí đã đưa tin trước đó, vài ngày gần đây, cộng đồng mạng xôn xao khi clip ghi lại hình ảnh một bé gái cầm xăng đi đến một trường cấp 2 ở TX.Ninh Hòa và đốt.

Clip dài khoảng 1 phút 25 giây, ghi cảnh bé gái trên cầm bịch xăng đến trước phòng y tế của nhà trường, sau khi đổ xăng xuống nền gạch, nhiều tiếng “đốt đi, đốt đi” vang lên. Sau đó, ngọn lửa bùng lên, tiếng người trong clip lại kêu “cháy rồi, cháy rồi”.

Hành động của cô gái không gây thiệt hại tài sản nhà trường, nhưng tự khiến mình bị cháy xém tóc và bỏng nhẹ ở chân. Nhiều người xem clip phải hết hồn lúc cô gái bật quẹt, ngọn lửa bùng cháy và bén vào người.

Được biết, em là Trần Thị Ngọc T, 13 tuổi. Trước đó, em có lên Facebook đăng “nếu đủ 1.000 like sẽ đốt trường”. Do status đã hơn 1.000 like nên bạn bè của T. ép nên em phải đốt trường.

Theo cơ quan điều tra, T. nói mình không có tiền mua xăng nên có người mua xăng thúc giục T. phải đốt rồi dùng điện thoại quay clip. Khi ngọn lửa bùng lên, T. chạy thoát khỏi đám lửa, nhưng vẫn bị bỏng.

Những người có mặt tại hiện trường, chứng kiến hành động của T. nhưng không ai ngăn cản trước khi em bật lửa đốt.

Đang cân nhắc việc quản lý học sinh dùng facebook

Trao đổi về việc vì sao thời gian qua, Khánh Hòa lại nổi lên bởi một số trường hợp như học sinh T. đốt trường, giáo viên chửi học sinh “ngu”… khiến công luận bức xúc? Ông Mẫn cho hay, loại trừ trường hợp đáng tiếc vừa qua, việc giáo dục lối sống cách mạng cho lứa tuổi thanh thiếu niên ở Khánh Hòa đã làm theo chủ trương từ nhiều năm nay. Sở cũng đã có các văn bản và trong năm học mới này đã triển khai cụ thể việc giáo dục lối sống đến từng địa phương.

Bé T. tưới xăng và đốt gần khu vực phòng y tế của một trường học của Khánh Hòa (ảnh cắt từ clip)
Bé T. tưới xăng và đốt gần khu vực phòng y tế của một trường học của Khánh Hòa (ảnh cắt từ clip)

Ông chia sẻ thêm, không phải từ bây giờ khi xảy ra sự việc một bé gái có hành động quá khích, ngành giáo dục Khánh Hòa mới đặt ra mà trong nhiều năm qua, việc giáo dục đạo đức, giáo dục hạnh kiểm được phát huy cho các em nhằm ngăn ngừa sự tác động của các yếu tố tiêu cực ở ngoài và trong nhà trường bằng các giờ nội khóa, giờ ngoại khóa, bằng các phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực thông qua các hoạt động của đoàn, hội đội nhằm nâng cao kĩ năng sống, giáo dục lối sống lành mạnh để các em đủ bản lĩnh chống lại các xâm hại từ bên ngoài.

Năm nay, địa phương tôi tiến hành kế hoạch mới hơn năm trước là xây dựng môi trường văn hóa trong trường học đi đôi với môi trường giáo dục hiện nay. Trong nhiều năm qua, ngành giáo dục Khánh Hòa đã xây dựng được một hệ thống các trường chuẩn quốc gia, xây dựng đội ngũ nhà giáo đạt chuẩn, trên cơ sở đó, ngành giáo dục địa phương có thể phát triển bền vững hơn.

“Đã từ nhiều năm, chúng tôi đã có chỉ đạo các trường xây dựng môi trường văn hóa trong trường học phải đi đôi với môi trường giáo dục. Vì vậy, hiện nay các trường nói chung đều đã có bản quy tắc văn hóa ứng xử. Tuy nhiên, văn hóa trường học chưa được đồng bộ trong toàn ngành. Có trường quan tâm, có trường chưa quan tâm.

Về việc nghiêm cấm học sinh sử dụng facebook hay không, chúng tôi xác định: Việc tác động của mạng xã hội đến các em thanh thiếu niên hiện rất đáng báo động. Tuy nhiên, quan trọng là làm sao giáo dục được học sinh của mình ý thức được việc sử dụng các phương tiện truyền thông sao cho đúng mực, có mục đích và có lợi, không nên sa vào để có những hành động quá khích. Do vậy, chúng tôi đang cân nhắc bởi đây là phương tiện truyền thông xã hội. Quan trọng là làm sao giáo dục các em sử dụng thế nào cho đúng mục đích chứ không phải chuyện cấm hay không cấm”, ông Mẫn cho biết.

Mỹ Hà

(Email:myha@dantri.com.vn)