Báo Mỹ viết về tình trạng cử nhân thất nghiệp ở Việt Nam

(Dân trí) - Theo nhận định của báo Mỹ <i>Bloomberg</i>, trong khi các trường phổ thông ở Việt Nam trang bị cho học sinh những kỹ năng cơ bản để làm những việc theo dây chuyền với mức lương thấp, thì các trường cao đẳng, đại học lại không chuẩn bị để sinh viên làm những việc phức tạp hơn.

Nguyễn Văn Đức tốt nghiệp ngành Kinh tế từ một trong những trường đại học tốt nhất Việt Nam hai năm trước đây. Hiện nay Đức làm xe ôm tại Hà Nội, kiếm thu nhập hàng tháng khoảng 250 USD.

Đức là con duy nhất trong ba đứa con được đi học đại học. Trước đây, bố mẹ Đức đã phải làm thêm việc để nuôi Đức học đại học. Hiện nay Đức là một trong hàng ngàn cử nhân Việt Nam trong thể kiếm việc trong ngành mình đã học mặc dù tỷ lệ thất nghiệp của cả nước chỉ khoảng 2,3%.

Cử nhân đại học có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất trong số những người trẻ ở Việt Nam. (Ảnh đồ họa: Bloomberg)
Cử nhân đại học có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất trong số những người trẻ ở Việt Nam. (Ảnh đồ họa: Bloomberg)

Theo Bloomberg, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhận định rằng các công ty không muốn trả thêm tiền cho những công nhân có bằng cấp nhưng thiếu những kỹ năng tương xứng. Hiện tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên có bằng đại học là 17%.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Xuân Thành - nghiên cứu cấp cao tại trường Quản lý nhà nước Harvard Kennedy ở TPHCM: “Những công ty tư nhân và nước ngoài muốn tuyển các công nhân lành nghề hơn và các quản lý, kỹ sư chất lượng. Tầng lớp trung lưu đang mở rộng. Các gia đình Việt Nam cần nền giáo dục tốt hơn.”

Hiện nay nhiều bậc phụ huynh cho con đi du học để cải thiện triển vọng nghề nghiệp. Theo số liệu của Tổ chức Dịch vụ Sinh viên Nhật Bản, số lượng du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản, trong đó tính cả những trường ngoại ngữ, tăng hơn 12 lần trong 6 năm tính đến tháng 5 năm 2016, ở mức khoảng 54.000 du học sinh.

GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể cho biết: “Hiện nay chính phủ đang nỗ lực cải thiện chất lượng đào tạo ở các trường đại học và cao đẳng. Chúng tôi cần xem xét toàn bộ chương trình giảng dạy của các trường để giảm việc dạy những môn lý thuyết.”

Theo nhận định của ông Lưu Quang Tuấn, Phó Viện trưởng viện Khoa học Lao động và Xã hội, nhiều cử nhân thiếu kỹ năng quan trọng như kỹ năng làm việc nhóm và tổ chức để làm việc trong các công ty.

Được biết, trong thập kỷ qua, Việt Nam đã tăng số lượng các trường đại học và cao đẳng lên con số khoảng 450 trường. Chính phủ dự định đến năm 2020 sẽ có 560.000 tân sinh viên vào học các trường đại học và cao đẳng, tăng khoảng 10% so với năm 2010.

Xuân Vũ

Theo Bloomberg