Bạo hành trẻ mầm non: Đồng nghiệp tù tội, sao vẫn vướng vết xe đổ?

(Dân trí) - Đã có nhiều cô giáo mầm non, bảo mẫu… vào tù, bị đuổi việc, kỷ luật và sự lên án của dư luận vì bạo hành trẻ nhỏ. Vậy nhưng nhiều cô giáo vẫn không tránh được vết xe đổ này?

Vào tù vì bạo hành trẻ

Cứ một thời gian, dư luận lại xôn xao khi vụ việc giáo viên mầm non bạo hành trẻ được đưa ra ánh sáng. Nhiều giáo viên bị kỷ luật, đình chỉ… và cũng không ít trường hợp giáo viên mang án tù vì hành vi bạo hành trẻ.

Năm 2011, cô giáo Trần Thị Xuân N., khi đó theo dạy tại trường MN Hoa Lan (Tân Phú, TPHCM) nhận phạt 4 năm tù vì hành vi phạm tội bạo hành trẻ em. Cô N. nhốt bé 4 tuổi vào cầu thang máy để vận chuyển thức ăn rồi ấn nút cho thang máy chạy làm cháu bị thương tích nặng, phải cấp cứu.

Năm 2013, sự việc bạo hành trẻ dã man tại nhà trẻ Phương Anh (Q. Thủ Đức, TPHCM) gây chấn động dư luận cả nước. Clip ghi lại hình ảnh hai giáo viên giữ trẻ tát bôp bốp, bóp cổ, dốc đầu… những đứa trẻ 3 - 4 tuổi làm người xem co thắt tim.

Đã có những cô giáo mầm non phải đứng trước vành móng ngựa vì bạo hành trẻ (Ảnh: Đình Thảo - Quốc Anh)
Đã có những cô giáo mầm non phải đứng trước vành móng ngựa vì bạo hành trẻ (Ảnh: Đình Thảo - Quốc Anh)

Chủ nhóm lớp Lê Thị Đông Phương và bảo mẫu Nguyên Lê Thiên Lý cùng lãnh án 3 năm tù. Còn những tổn thương về thể xác lẫn tinh thần những đứa trẻ bị chính cô giáo bạo hành không thể nào đong đếm được, có thể dai dẳng suốt cả cuộc đời.

Với những án phạt đó thêm sự phẫn nộ của dư luận là lời cảnh báo cho các cô giáo mầm non khi chăm sóc trẻ nhỏ. Nhưng phài nhìn nhận một thực tế, chính các cô biết rõ cảnh tù tội, kỷ luật của đồng nghiệp nhưng vẫn không thể tránh được vết xe đổ?

Hiển nhiên, phải thừa nhận khi thiếu tấm lòng của một con người, chưa nói là người mẹ hiền thứ hai mới có thể nhẫn tâm ra tay bạo hành, đánh đập những đứa trẻ chưa có khả năng tự vệ. Bất kể vì lý do gì thì những hành vi bạo hành trẻ là không thể bao biện được và cần phải lên án.

Sau mỗi vụ việc đau lòng xảy ra, dư luận lại “nhắc nhở” về cái tâm của người giữ trẻ. Lên án nhiều, bàn luận nhiều, đánh động nhiều, các biện pháp như lắp camera theo dõi rồi việc xử phạt như tù tội, kỷ luật cũng dùng đến… nhưng dường như vẫn không phát huy tác dụng. Những vụ bạo hành ở nhà trẻ với nhiều mức độ khác nhau vẫn liên tiếp xảy ra làm bức xúc dư luận.

Bỏ quên sức khỏe tinh thần người giữ trẻ?

Phải nói, giáo viên ở bậc mầm non chịu quá nhiều áp lực trong công việc. Áp lực về sĩ số học sinh đông, có những lớp 50 trẻ chỉ 2 cô giáo thì cô có ba đầu sau tay hay phương pháp giáo dục nào đi nữa cũng chẳng có tác dụng. Chưa kể, ngoài chuyên môn giáo dục, giáo viên mầm non còn mang gánh nặng việc chăm nuôi trẻ về ăn uống, vệ sinh… và đủ việc không tên chẳng bao giờ có thể liệt kê hết.

Sĩ số lớp đông gây nên áp lực lớn đối với việc chăm sóc và dạy dỗ trẻ nhỏ đối với cô giáo mầm non (Ảnh: Hoài Nam)
Sĩ số lớp đông gây nên áp lực lớn đối với việc chăm sóc và dạy dỗ trẻ nhỏ đối với cô giáo mầm non (Ảnh: Hoài Nam)

Công việc nhiều, thời gian làm việc kéo dài lê thê rồi áp lực từ cấp quản lý, áp lực từ phụ huynh, vị thế còn thấp… cùng với một chế độ bèo bọt. Đặc biệt, các cô giáo làm việc ở những trường tư thục, nhóm trẻ thì áp lực càng lớn hơn gấp bội. Áp lực đó diễn ra hàng giờ, hàng ngày, kéo dài từ tháng này sang tháng khác, năm này tới năm khác đẩy họ vào trạng thái sức khỏe tâm thần bất ổn.

Dù có đủ cách để “xử lý” giáo viên bạo hành trẻ thì cũng chỉ là khi sự đã rồi, còn những áp lực trên vẫn tồn tại đè nặng người giữ trẻ. Đó là một thực tế cần nhìn nhận để có những giải pháp phù hợp nhằm giải tỏa những áp lực cho người người giữ trẻ. Cho dù chẳng thể chấp nhận lý giải đánh trẻ vì áp lực nhưng một khi sức khỏe tinh thần yếu kém, làm việc căng thẳng thì con người rất khó kiểm soát được hành vi của mình. Thậm chí, khi làm việc với một tâm trạng ức chế, trong vô thức con người thường có xu hướng hành xử tiêu cực, trút tức giận lên đầu người khác.

Ở các trường tư thục, nhóm trẻ, áp lực đối với cô giáo mầm non càng lớn (Ảnh: Hoài Nam)
Ở các trường tư thục, nhóm trẻ, áp lực đối với cô giáo mầm non càng lớn (Ảnh: Hoài Nam)

Nhiều giáo viên mầm non đang làm việc trong sự yếu đuối và bất lực cùng với sự dày vò về lương tâm khi nặng tay với trẻ. Phải chăng lâu nay chúng ta đã bỏ quên sức khỏe tinh thần của cô giáo mầm non và những giải pháp để người giữ trẻ có được một tâm trạng làm việc chăm sóc những mầm non một cách hiệu quả nhất?

Chúng ta mới chỉ quan tâm trẻ đi học về có vết thâm trên người không, bị cô đánh không mà quên mất rằng kể cả không dùng đến đòn roi, khi giáo viên nuôi dạy trẻ trong điều kiện thiếu thốn, tâm lý căng thẳng thì mỗi lời nói, ánh mắt đều ảnh hưởng lớn đến nhân cách của trẻ nhỏ.

Hơn ai hết, hơn bất kỳ ngành nghề nào những người nắm giữ sức khỏe và tinh thần con trẻ cần có môi trường và điều kiện làm việc tốt nhất.

Hoài Nam

(Hoainam@dantri.com.vn)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm