Bạn đọc viết:

Băn khoăn với kế hoạch nhỏ của con

(Dân trí) - Sáng nay, hai con trai tôi được nghỉ Tết nên theo mẹ đi sắm đồ. Bước vào siêu thị, các con dạo quanh một vòng rồi cứ nằng nặc kêu mẹ mua bia hoặc nước ngọt về uống Tết. Lí do là sau Tết các con còn có vỏ để nộp “kế hoạch nhỏ” cho trường.

Hai con tôi đang học cấp 1 và cấp 2. Năm nào các con cũng thực hiện "kế hoạch nhỏ" của trường với tâm trạng rất vui. Năm ngoái con rất chăm chỉ việc tích lon để nộp cho đủ kế hoạch của cô giao. Thậm chí con luôn phấn đấu vượt mức để được cô giáo khen. Năm nay thầy Tổng phụ trách đội thông báo mỗi em nộp ít nhất là 10 vỏ lon. Nếu ai nộp hơn sẽ được tuyên dương trước cờ. Vì vậy con tôi rất hào hứng với việc gom vỏ lon để được hãnh diện với bạn bè.

Là phụ huynh, tôi luôn ủng hộ các phong trào mang ý nghĩa ở trường của các con. Nhà trường đã giúp các con nhận thấy việc bảo vệ môi trường, tiết kiệm gây quỹ từ những thứ bỏ đi để giúp đỡ bạn nghèo là rất hay. Tuy nhiên, khi thực hiện thì tôi thấy còn rất nhiều bất cập từ phong trào "kế hoạch nhỏ" này.

Thứ nhất, nếu nhà nào không uống bia và nước ngọt thì các em lấy đâu để nộp cho trường. Mà con nít thì luôn chấp hành mọi nhiệm vụ cô giao. Do vậy, khi không có vỏ lon, chúng sẽ phải làm đủ cách để có. Năm ngoái trong cuộc họp phụ huynh cha mẹ đầu năm, hầu hết phụ huynh đều không đồng tình với kế hoạch này. Họ cho rằng đây là kế hoạch “phản cảm” trong trường học. Tuy nhiên trường nói đây là kế hoạch của Hội đồng Đội đưa xuống nên phải thực hiện. Một số phụ huynh lo lắng vì mới mùng 1, mùng 2 con đã sang nhà hàng xóm xin vỏ lon về. Thậm chí có em còn đi… ăn cắp để nộp cho đủ. Điều này không hay chút nào. Nó mất hết ý nghĩa nhân văn của phong trào.

(ảnh minh họa)
(ảnh minh họa)

Thứ hai, ở một số trường hiện nay đang thực hiện phong trào "Nhặt rác đổi quà" cũng có nhiều vấn đề đáng bàn. Hàng ngày các em gom các vỏ chai, ly… dồn lại sau đó nộp cho trường vào thứ 7 hàng tuần. Mục đích của phong trào này là giáo dục các em bảo vệ môi trường sạch đẹp, lại tiết kiệm từ những thứ bỏ đi. Tiền bán ve chai sẽ mua vở để tặng lại cho các em. Để khuyến khích phong trào, nhà trường thường tuyên dương trước cờ các em gom được số lượng nhiều. Do vậy, mà nhiều em vì thích khen nên đầu giờ mải gom quên luôn cả việc học. Như vậy ý nghĩa "kế hoạch nhỏ" đâu còn nữa?

Thực ra, phong trào này rất hay nhưng cách làm thì chưa đúng. Đây là cách giáo dục giúp các em tiết kiệm những thứ bỏ đi để góp phần sinh quỹ cho các em hoạt động Đội. Tuy nhiên khi thực hiện thì các trường không chú trọng đến hiệu quả mà mà nghiêng nhiều về kết quả thu được. Chính vì vậy mà nhiều em chưa hiểu hết ý nghĩa của việc mình làm. Các em chỉ lo đối phó phong trào hơn là ý thức tự giác.

Như vậy việc làm nhỏ, ý nghĩa hay nhưng các trường cũng cần chú ý làm sao để mang lại hiệu quả cao. Nếu như kế hoạch nào cảm thấy chưa phù hợp có thể thay bằng kế hoạch khác mà vẫn có ý nghĩa giáo dục.

Loát Trần

(Tây Ninh)

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm