Bài phát biểu nhậm chức của Thủ tướng vào đề thi năng khiếu báo chí
(Dân trí) - Với 120 phút, thí sinh dự thi năng khiếu vào Học viện Báo chí & Tuyên truyền năm 2016 phải biên tập đoạn văn bản đề cập tới bài phát biểu nhậm chức của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và phân tích mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường.
Cẩn thận với những “bẫy” thời sự
Vào 15h chiều nay (10/8), thí sinh dự thi năng khiếu vào Học viện Báo chí Tuyên truyền năm 2016 làm bài thi môn tự luận.
Với 120 phút, thí sinh phải biên tập đoạn văn bản đề cập tới bài phát biểu nhậm chức của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và phân tích mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường.
Theo nhà báo Tri Thức, Giảng viên thỉnh giảng- Trưởng Ban Hồ Sơ sự kiện, Tạp Chí Cộng Sản: "Với thời gian 120 phút, cấu trúc đề tự luận trên đây khá hợp lý. Đề thi khá thời sự và vừa sức với học sinh, có khả năng phân loại tốt".
Tuy nhiên, theo nhà báo Tri Thức, với những "bẫy" cố tình được đưa ra, thí sinh phải rất tỉnh táo, cộng với kiến thức và sự hiểu biết về chính trị cũng như kiến thức xã hội để chỉnh sửa những chỗ chưa hợp lý.
Ngoài một số từ ngữ cần phải chỉnh sửa như: “giám sát” (“bẫy” là “giám định”)…, một số kiến thức các em cần phải nắm chẳng hạn như: Thủ tướng đứng đầu Chính phủ (không phải Quốc Hội).
Hoặc một vài con số các em cần phải cập nhật thời sự mới biết, chẳng hạn: “Miếng ăn của 82 triệu dân Việt Nam”… cũng là cái “bẫy” vì hiện nay, dân số của nước ta đã hơn 90 triệu dân...
"Trên đây là một vài thí dụ đơn cử ở câu 1 của đề thi. Tuy nhiên, theo tôi, nếu thí sinh chịu khó xem, nghe, đọc, có kiến thức, hiểu biết xã hội thì có thể làm tốt bài này", nhà báo Tri Thức nói.
Theo nhà báo Vũ Mạnh Cường, nguyên Phó TBT Báo Lao Động, Báo Gia đình & Xã hội, nhận xét: “Đặc trưng cơ bản của nghề báo là thời sự nóng đã thể hiện ngay trong cách chọn vấn đề cho từng câu hỏi của đề bài. Nhiệm vụ của Chính phủ mới và mối quan hệ giữa môi trường và báo chí là hai vấn đề hay.
Ở câu hỏi thứ nhất, thí sinh không chỉ phải chứng tỏ khả năng biên tập, mà còn phải thể hiện khả năng hiểu vấn đề thời sự nêu trong câu hỏi; hiểu biết các khái niệm chính trị và khả năng lập luận rành mạch, logic".
Đề hơi khó với thí sinh lớp 12
Nhà báo Vũ Mạnh Cường cho biết thêm, ở câu hỏi 2, tuy khó có thể đòi hỏi thí sinh phải triển khai thành một tác phẩm báo chí, nhưng với yêu cầu của đề bài, các thí sinh phải thể hiện khả năng tư duy, lập luận và viết.
Các thí sinh không quan tâm tới thời sự trong nước thời gian qua, không có sẵn nhãn quan về vấn đề mà đề thi nêu sẽ khó triển khai được tốt yêu cầu này. Nhìn chung đề bài kiểm tra năng khiếu báo chí của Học viện BC-TT năm nay thú vị, nhưng tương đối khó.
Còn theo nhà báo Tri Thức, đề tự luận khá thời sự, nhưng hơi khái quát và rộng, hơi khó với những học sinh mới tốt nghiệp 12, bởi các em khó có thể hiểu kỹ về trách nhiệm của người làm báo đối với vấn đề rộng lớn, bức thiết như vậy.
Với dung lượng tối đa 500 chữ, thí sinh nên tập trung vào một vấn đề đáng quan tâm nào đó giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường. Ví như không thể đánh đổi việc phát triển kinh tế bằng mọi giá, không thể huỷ hoại môi trường, không thể thu hút đầu tư nước ngoài một cách vội vã, hấp tấp... mà thiếu đi sự phát triển bền vững, hài hoà.
Từ những lát cắt sâu sắc, gọn gàng, giải quyết thấu đáo, triệt để đó, thí sinh có thể nêu rõ quan điểm, đánh giá của mình về vấn đề.
"Nhìn chung, cấu trúc đề tự luận như vậy là thời sự, hợp lý, vừa sức với học sinh và có thể phân loại tốt năng khiếu của học sinh" - nhà báo Tri Thức nhận định.
Mỹ Hà
(Email:myha@dantri.com.vn)