Ba cha con và hành trình thực hiện ước mơ vào giảng đường đại học

(Dân trí) - Sát ngày thi THPT quốc gia, chúng tôi tìm gặp ba thí sinh cùng gia đình hai thế hệ này ở ấp 5 (xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn, TP.HCM). Trong căn nhà nhỏ tuềnh toàng, hai thế hệ vẫn miệt mài ôn luyện để chuẩn bị hành trang tốt nhất cho giấc mơ vào giảng đường đại học.

Hôm nay, cậu út Thiên Tường đi vắng nên chỉ hai cha con học ôn với nhau
Hôm nay, cậu út Thiên Tường đi vắng nên chỉ hai cha con học ôn với nhau

Ông Văn Bá Thọ (sinh năm 1965, tại Quảng Nam) cùng hai con trai là Văn Bá Chương, 22 tuổi đã tốt nghiệp THPT và Văn Thiên Tường 19 tuổi, học sinh Trung tâm GDTX huyện Hóc Môn, TP.HCM cùng đăng ký thi THPT quốc gia có lẽ là câu chuyện hiếm trong kỳ thi năm nay.

Không chỉ thế, ba cha con cùng thi khối B với các môn Toán, Hóa, Sinh, riêng Thiên Tường thi thêm môn Văn để được xét tốt nghiệp THPT.


Thí sinh đặc biệt trong kỳ thi năm nay - ông Văn Bá Thọ.

Thí sinh đặc biệt trong kỳ thi năm nay - ông Văn Bá Thọ.

Ông Thọ quyết định thi để xét tuyển vào ngành Y học cổ truyền thuộc trường ĐH Y dược TPHCM. Bá Chương cậu con trai lớn thi để xét tuyển vào ngành công nghiệp thực phẩm mà năm ngoái em bị thiếu 0,75 điểm. Cậu con út Thiên Tường cũng ấp ủ ước mơ vào ngành Y như người cha.

Dù đã 51 tuổi nhưng ông Thọ vẫn thường xuyên vào mạng học trực tuyến
Dù đã 51 tuổi nhưng ông Thọ vẫn thường xuyên vào mạng học trực tuyến

Cận ngày thi, chúng tôi tìm gặp 3 thí sinh đặc biệt này ở Hóc Môn. Căn nhà tuềnh toàng, rộng chưa tới 50 m2 nằm sâu trong hẻm đường không tên thuộc ấp 5 xã Xuân Thới Sơn là nơi ở của gia đình ba thế hệ của ông Thọ (bà nội, cha mẹ và hai đứa con). Ở góc nhà, bộ máy vi tính có nối mạng có lẽ là một trong các tài sản đáng giá nhất. Đó cũng là thiết bị hữu ích nhất của ba cha con ông Thọ ôn tập.

Không chỉ học cho mình, ông Thọ còn tích lũy kiến thức truyền lại cho hai con
Không chỉ học cho mình, ông Thọ còn tích lũy kiến thức truyền lại cho hai con

Ông Thọ hào hứng khoe: “3 tháng nay tôi mới biết đến cách luyện thi trực tuyến (trang hocmai.vn). Phải nói học trên đó rất cô động, các bộ đề có nhiều dạng. Tôi đăng ký đăng ký gói 8-10 điểm, vì đây là gói nâng cao cần phải có kiến thức chuyên sâu mới giải hết các bài toán dạng khó. Do sức học của các con khác nên chỉ đăng ký gói 5-7 điểm, mức trung bình”.

Ông Thọ bộc bạch gần 30 năm trước ông và vợ rời quê ở huyện Duy Xuyên, Quảng Nam vào Sài Gòn mưu sinh. Vốn có thế mạnh ban B và từng là sinh viên ngành y học cổ truyền nhưng học được hai năm thì bỏ dở vì gánh nặng cơm áo cho gia đình. mưu sinh đủ nghề lao động tay chân để có tiền nuôi hai con nhỏ ăn học và người mẹ nay đã hơn 90 tuổi.

Cận ngày thi, cả cha con đều tập trung ôn tập
Cận ngày thi, cả cha con đều tập trung ôn tập

Khoảng ba năm trở lại đây, ông chuyển sang làm gia sư cho học sinh cấp 3, dạy các môn tự nhiên. Ông kể, những người thuê ông làm gia sư đa phần quen biết, hiểu rõ về ông mới dám giao việc dạy kèm con họ. Nhờ công việc này, ông có cơ hội ôn lại kiến thức và cập nhật các cách giải bài tập mới theo chương trình.

Lí giải vì sao lại thi ĐH ở tuổi hơn 50, ông Thọ chia sẻ: "Từ lâu tôi đã mong ước quay lại với ngành y học cổ truyền để bốc thuốc, châm cứu cứu người nhưng hết năm này sang năm khác không làm được vì mấy đứa con còn nhỏ quá. Nay các con đã lớn hết rồi, còn biết đi làm kiếm sống nên tôi mới quyết định đi thi". Quyết tâm theo đuổi nghề y học cổ truyền, một phần là đam mê thì ông Thọ cũng suy nghĩ rằng sự lựa chọn phù hợp với tuổi tác, sức khỏe.

Dù đã qua chương trình phổ thông mấy chục năm nhưng người đàn ông này vẫn tự tin mình sẽ đạt kết quả cao trong kỳ thi THPT quốc gia sắp tới
Dù đã qua chương trình phổ thông mấy chục năm nhưng người đàn ông này vẫn tự tin mình sẽ đạt kết quả cao trong kỳ thi THPT quốc gia sắp tới

Dù đã qua chương trình phổ thông mấy chục năm nhưng người đàn ông này vẫn tự tin mình sẽ đạt kết quả cao trong kỳ thi THPT quốc gia sắp tới. Theo ông, dẫu đề thi hiện khác xưa nhưng lại phổ biến hình thức trắc nghiệm, ít đánh đố, các công thức toán học thì bao năm nay vẫn vậy nên không quá lo. Ngành y học cổ truyền của trường ĐH Y dược TP.HCM mà ông Thọ chọn vẫn duy trì đầu vào khá cao (từ 24-25 điểm ba môn thi), ông cho biết: "Sức học của tôi có thể đạt điểm số này".

Ba cha con và hành trình thực hiện ước mơ vào giảng đường đại học - 7

Ông Thọ cho hay thường ngày đi dạy kèm nếu dồn toàn thời gian cũng có thu nhập kha khá nhưng nay đang giai đoạn ôn thi nước rút nên ông tạm nghĩ. Bá Chương cũng tạm dừng công việc may gia công để dành thời gian ôn tập.

Khi được hỏi nếu kỳ thi lần này cả ba cha con cùng trúng tuyển vào các trường đại học thì sao, ông Thọ bùi ngùi: “Nếu trúng tuyển thì cả nhà sẽ rất vui nhưng cũng nhiều nỗi lo vì chi phí học tập sẽ rất lớn, trong lúc gia cảnh chưa phải dư dả gì nhiều. Tạm gác những lo toan, ba cha con tôi cứ động viên nhau học cật lực cái đã, đến lúc đi học sẽ ráng kiếm việc làm để trang trải chi phí học hành.

Cả hai cha con đều dốc hết sức để thực hiện ước mơ vào giảng đường của mình
Cả hai cha con đều dốc hết sức để thực hiện ước mơ vào giảng đường của mình

Không học thêm, không đăng ký bất cứ lớp luyện thi đại học nào, ba cha con với tấm bảng tại nhà, mua sách vở và tự củng cố kiến thức cho nhau để chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2016. Ước mơ vào giảng đường đại học của cả gia đình lại được nhóm lên bằng tất cả niềm tin.

Ông Văn Bá Thọ cùng hai con trai là Văn Bá Chương và Văn Thiên Tường đều thi tại điểm thi trường THPT Hùng Vương (quận 5). Ngoại trừ Thiên Tường phải thi 4 ngày thì ông Thọ và Bá Chương chỉ thi vào ngày 1,3 và 4/7.

Ba cha con và hành trình thực hiện ước mơ vào giảng đường đại học - 9
Ba cha con và hành trình thực hiện ước mơ vào giảng đường đại học - 10
Ba cha con và hành trình thực hiện ước mơ vào giảng đường đại học - 11

Lê Phương - Nguyễn Quang