Áp dụng kiểm định chất lượng để tránh tình trạng ĐH tự xưng “trường điểm”, “trường top”

(Dân trí) - Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, tới đây Bộ sẽ áp dụng các tiêu chí kiểm định chất lượng của hệ thống giáo dục đại học ASEAN (AUN). Qua tiêu chuẩn kiểm định này, chúng ta thấy được các trường ĐH-CĐ Việt Nam đang ở đâu so với quốc tế.


Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ (Ảnh: Mạnh Thắng)

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ (Ảnh: Mạnh Thắng)

Trả lời câu hỏi về nguyên nhân chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao chưa xứng đáng với kỳ vọng, tỷ lệ cử nhân thất nghiệp ngày càng nhiều trong buổi họp báo khai giảng năm học mới, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định, ngành giáo dục rất nghiêm túc lắng nghe, nghiên cứu, tìm tòi, trải nghiệm để tìm giải pháp.

Nhìn vào thực tiễn, ông khẳng định: “Qua hơn 30 năm đổi mới, chúng ta phải thừa nhận chất lượng giáo dục có đi lên, chứ không phải càng ngày càng đi xuống, nhưng so với yêu cầu kinh tế - xã hội thì chưa đạt”.

Đề cập đến nguyên nhân chủ quan từ ngành giáo dục, Bộ trưởng ví, đổi mới căn bản toàn diện giáo dục trong bối cảnh hiện nay có thể hình dung giống như vừa xây nhà, vừa chữa móng, vô cùng khó khăn vì “chỗ này vướng chỗ kia”. Nếu chúng ta làm một ngôi nhà hoàn toàn mới, không động chạm gì thì lại khác. Ở đây, chúng ta vẫn cứ phải tiến hành sửa, vừa phải duy trì thì va chạm, đa chiều là không tránh khỏi.

“Qua thực tiễn thực hiện đổi mới, có thể thấy giáo dục mầm non là cần điều kiện cơ sở vật chất tốt, thầy cô có định hướng giáo dục trẻ cả học tập lẫn vui chơi, phát triển toàn diện. Chất lượng giáo dục phổ thông cũng không có vấn đề gì lớn, chủ yếu là thực hiện nền nếp kỷ cương, xây dựng chương trình sách giáo khoa đi vào thiết thực… Nhìn tổng thể trong hệ thống giáo dục quốc dân, có lẽ đáng báo động nhất là vấn đề giáo dục nghề nghiệp, mà ở đây là giáo dục đại học”, Bộ trưởng Nhạ nói.

Việt hóa và áp dụng thước đo chất lượng quốc tế AUN

Đề cập về các giải pháp để tháo gỡ tình trạng “báo động về giáo dục đại học”, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết, tới đây Bộ sẽ áp dụng các tiêu chí kiểm định chất lượng của hệ thống giáo dục đại học ASEAN (AUN). Qua tiêu chuẩn kiểm định này, chúng ta thấy được các trường ĐH-CĐ Việt Nam đang ở đâu so với quốc tế.

“Chúng ta có thể thấp hơn rất nhiều, chúng ta có thể thiếu nhưng chúng ta không được lạc điệu trong hòa nhập, hội nhập quốc tế”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.

Đó cũng chính là giải pháp mà Bộ cần tập trung trong thời gian tới để tránh tình trạng một số trường ĐH, CĐ tự xưng là “trường điểm”, “trường top”. Thứ hạng về chất lượng cần phải có thước đo, mà thước đo đây là tiêu chuẩn kiểm định quốc tế, có Việt hóa cho phù hợp với chúng ta.

Đồng thời, giải pháp hết sức quan trọng là thay đổi nội dung chương trình giảng dạy theo hướng thực học, thực nghiệp. Các trường không chỉ dạy những gì mình có, mà phải bám rất sát vào nhu cầu thị trường lao động. Nói như vậy không có nghĩa chúng ta phủ định nghiên cứu; đại học nào cũng cần nghiên cứu, không có nghiên cứu không có đại học. Nhưng qua đánh giá kiểm định cần xác định, một số trường ĐH lớn sẽ đi theo định hướng nghiên cứu, còn phần lớn nên đi theo hướng ứng dụng thực hành.

Củng cố trung tâm dự báo nhu cầu nghề nghiệp

Người đứng đầu ngành Giáo dục cũng nhấn mạnh, sẽ củng cố trung tâm dự báo nhu cầu nghề nghiệp thị trường lao động để làm cơ sở cho các trường nghiên cứu, tham khảo khi định hướng chuyển đổi ngành nghề. Có nhiều trường đại học, các ngành truyền thống vốn có thế mạnh nhưng vẫn cần thay đổi; có nhiều ngành chưa từng có thì cần phải đầu tư đào tạo, từ đó mạnh dạn hội nhập quốc tế. Bộ cho phép nhập các chương trình quốc tế chứ không cần soạn chương trình mới; có cả giáo viên, phòng thí nghiệm kèm theo.

Một giải pháp quan trọng nữa là tự chủ đại học cao đẳng. Chừng nào các trường chưa được tự chủ thực sự, vẫn còn dựa vào Bộ quản thì đừng hỏi vì sao chưa thể mạnh. Các trường phải tiến tới tự chủ và cạnh tranh, tiến tới không giao chi phí thường xuyên mà giao thông qua đặt hàng và cũng không phân biệt các trường công, trường tư, thậm chí ngay cả trường nước ngoài. Các trường đều hoạt động bình đẳng trên nguyên tắc cạnh tranh bằng chất lượng chứ không bao cấp. Ngoài ra, cũng cần có giải pháp cho các trường gắn kết với cơ sở, tổ chức sử dụng lao động, tạo ra chuỗi cung ứng.


Lệ Thu (ghi)