Ám ảnh “bạo lực học đường”: Xem lại vai trò gia đình trong giáo dục con trẻ

(Dân trí) - Những ngày gần đây, trên các trang mạng xã hội xuất hiện nhiều clip quay cảnh học sinh nữ bị đánh hội đồng. Điều này nói lên tình trạng bạo lực học đường nói chung, bạo lực trong học sinh nữ nói chung đã vượt quá mức cảnh báo, đây là thực trạng buồn của giáo dục trong nhà trường hiện nay.

Điều gì khiến con em chúng ta trở nên hung bạo khi tập trung đánh bạn mình như vậy? Câu trả lời là: có nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân chủ quan và khách quan, nguyên nhân giáo dục từ gia đình, từ nhà trường và xã hội. Trong khuôn khổ bài viết này, tôi chỉ xin đề cập tới yếu tố gia đình. Giáo dục gia đình theo tôi, chính là nguyên nhân đầu tiên, là yếu tố quyết định.

Thứ nhất, chúng ta đều biết gia đình là tế bào của xã hội. Trong gia đình trẻ được sinh ra, được nuôi dưỡng đến khôn lớn, ở đấy đứa trẻ được ông, bà, cha, mẹ và người thân của nó thương yêu và giáo dục các bài học làm người. Đây là môi trường sống và cũng là môi trường giáo dục đầu tiên mà đứa trẻ có thể nhận biết sự vật, sự việc đúng - sai, phải - trái, đẹp - xấu, những việc nên làm và những việc không nên làm. Kiến thức của những bài học đầu tiên ấy, chính là hành trang giúp trẻ ghi nhớ và phát huy những giá trị tốt đẹp sau này. Để con trẻ sau này trở thành một người tốt phải giáo dục ngay từ khi nhỏ, từ ngay trong gia đình. Điều này cũng giống như muốn cho cây mọc thẳng, phải uốn nắn từ khi nó còn non. Triết lý này chưa sai bao giờ!

Nhưng, thử hỏi các bậc làm cha, làm mẹ đã thật sự toàn tâm, toàn ý giành trọn thời gian để quan tâm giáo dục con cái mình hay chưa? Chúng ta có dám chắc hằng ngày đưa con đến trường và tối đến ngồi giải các bài toán cùng con hay không? Chúng ta có dám chắc là mình đã thật sự hiểu con chúng ta cần điều gì? Hay chúng ta mới chỉ lo cho chúng đầy đủ về vật chất? Đã bao giờ chúng ta “đối thoại” với chúng? Đã bao giờ chúng ta bỏ một buổi làm việc, một ngày làm việc để đi sau, quan sát con mình rời nhà đến lớp học như thế nào?

Ám ảnh “bạo lực học đường”: Xem lại vai trò gia đình trong giáo dục con trẻ - 1

Tôi nghĩ trong chúng ta, nhiều người vẫn chưa làm tròn trách nhiệm này. Thực tế là đa số phụ huynh vẫn “giao khoán” con mình cho nhà trường. Không làm tròn trách nhiệm trên, sao chúng ta cứ mong muốn con mình ngoan và giỏi được? Đành rằng “nó luôn ở trường”, nhưng trường học không chỉ dạy riêng môn đạo đức hay giáo dục công dân, trường học còn nhiều môn học khác phải dạy và học. Trong khi, tuổi con trẻ của chúng ta không thể thiếu những bài học từ gia đình. Đó là những bài học làm người dễ nhớ mà người thân nó thường dạy trong từng bữa ăn - Đạo lý ở đời.

Thứ hai, chính gia đình là môi trường giáo dục đầu tiên, là yếu tố ảnh hưởng nhất tới tâm lý và sự hình thành tính cách con trẻ sau này. Khi còn nhỏ, con trẻ rất hay học theo, hay bắt chước người lớn đó là tâm lý chung của chúng. Chúng bắt chước người lớn từ dáng đi, giọng nói, cử chỉ, hành động... Do vậy, người lớn phải thật sự mẫu mực để làm gương cho trẻ. Phụ huynh chúng ta đã thật sự mẫu mực để làm gương cho trẻ chưa? Phần nhiều chúng ta cũng chưa thực hiện trọn vẹn. Vì vẫn còn đấy cảnh các ông chồng bài bạc rượu chè, sáng xỉn chiều say, thượng cẳng chân hạ cẳng tay với vợ, với con; vẫn không hiếm những bà vợ mê số đề, chua ngoa, bốp chát với chồng con, với hàng xóm; tình trạng thiếu hòa thuận đã làm cho gia đình trở nên ngột ngạt, dẫn tới “anh đi đường anh, tôi đường tôi” để con trẻ đứng giữa ngã ba đường. Sự ích kỷ của người lớn đã làm tổn thương, làm “sốc” tới tâm lý con trẻ, thử hỏi làm sao trẻ trở nên ngoan hiền được. Đây chính là những yếu tố manh nha đầu tiên làm cho con trẻ khi lớn lên trở nên ít nói cười, ngang bướng, lì lợm, hay bức xúc, dễ tức giận và sãn sàng lao vào đánh nhau với bạn.

Thứ ba, sự ảnh hưởng của gia đình đối với con trẻ chính là ở cách thức, phương pháp mà gia đình đó giáo dục con trẻ như thế nào. Những gia đình có truyền thống tốt đẹp, nề nếp, hiếu thuận thường có phương pháp giáo dục con rất tốt. Họ dạy con từ lời nói, việc làm, miếng ăn, học tập, đến đo lường, tính toán và cách thức ứng xử phù hợp trong cuộc sống... Chính điều này làm cho đứa trẻ nếu muốn “xé rào” để hành xử khác đi cũng khó. Bởi vì, một khi đứa trẻ có “biểu hiện” khác đi thì lập tức nó bị “điều chỉnh” ngay bằng những bài đạo đức “quen thuộc” của ông bà, cha mẹ và người thân trong gia đình, điều đó giúp trẻ nhận biết và điều chỉnh ngay được hành vi của mình.

Song, cũng có những gia đình dạy con theo kiểu chẳng giống ai. Có bà mẹ hứa với con nhưng không bao giờ không thực hiện, có ông bố hễ thấy con có điểm cao thì đưa ngay tiền ra thưởng, bảo nó làm được một việc lại thưởng tiền; thậm chí còn vui cười khi nó nói bậy hoặc nó biết thách thức ai đó. Phương pháp dạy con như thế sao trông chờ lớn lên nó sẽ ngoan?

Giáo dục con trẻ nhất thiết phải có sự phối hợp chặt chẽ gữa gia đình, nhà trường và xã hội. Trong đó, giáo dục gia đình là khâu đầu tiên, đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách con trẻ sau này. Điều này đúng như lời Bác Hồ đã nói tại Hội nghị cán bộ Đảng trong ngành giáo dục tháng 6/1957, đó là: “Giáo dục trong nhà trường chỉ là một phần, còn cần có sự giáo dục ngoài xã hội và trong gia đình để giúp cho việc giáo dục trong nhà trường được tốt hơn. Giáo dục trong nhà trường dù tốt đến mấy, nhưng thiếu giáo dục trong gia đình và ngoài xã hội thì kết quả cũng không hoàn toàn ”. Vì vậy, các bậc làm cha làm mẹ hãy dành thời gian nhiều hơn để tập trung chăm lo giáo dục cho con mình. Điều này không những sẽ giúp cho con cái của mình sớm trở thành con ngoan trò giỏi, mà cũng góp phần đỡ bớt gánh nặng cho nhà trường và xã hội trong việc giáo dục học sinh.

Điều tệ hại nhất trong vấn đề bạo lực học đường nói chung, bạo lực trong nữ sinh nói riêng là: trong khi bạn nữ bị đánh hội đồng như vậy thì rất đông xung quanh là những “người bạn” không xa lạ, mà học cùng lớp, thân, quen, trai có, gái có... lại dửng dưng đứng nhìn, dửng dưng quay phim, vỗ tay, cổ vũ, reo hò phấn khích. Không có một em nào tiến tới can ngăn, cũng không có em nào đi báo, gọi điện thoại cho thầy, cô giáo hay người lớn. Không có em nào có biểu hiện nào tỏ ra bất bình hay thương xót bạn.

Tại sao học sinh bây giờ lại trở nên vô cảm và lạnh lùng như vậy? Tại sao các em lại hành xử thiếu tình người như vậy? Rõ ràng đây là “lổ hổng lớn” về mặt đạo đức mà chúng ta cần phải xem lại từ phương châm, nội dung, cách thức, phương pháp giáo dục trẻ. Chúng ta không thể “cho ra lò” một công dân đạt chuẩn về trình độ văn hóa, mà lại thiếu và yếu về đạo đức như vậy.

Hoàng Thạch Sơn