Những điều cần lưu ý khi bày mâm ngũ quả ngày Tết

(Dân trí) - Trong ngày Tết, mâm ngũ quả chiếm một vị trí quan trọng và được xem như cách thức bày tỏ tấm lòng thành kính với tổ tiên. Hoa quả cũng tượng trưng cho thành quả lao động sau một năm của con cháu, đồng thời gửi gắm ước nguyện về một năm mới đầy đủ, hạnh phúc.

Bày biện mâm ngũ quả theo Ngũ hành

TS. Trần Hữu Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng Văn nghệ dân gian Việt Nam cho biết: “Mâm ngũ quả bắt nguồn từ tư duy Ngũ hành. Người ta thường chọn 5 loại quả tương ứng với 5 màu sắc của các hành Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ, tượng trưng cho ngũ phúc: giàu có, sang trọng, sống lâu, khỏe mạnh, bình yên.”

Việc lựa chọn các loại quả tùy thuộc vào đặc thù về sản vật và quan niệm văn hóa của từng địa phương. Từ đó, người ta chọn ra những loại quả mang ý nghĩa tâm linh, tinh thần để bày biện, sắp xếp trên mâm ngũ quả.

Mâm ngũ quả miền Bắc
Mâm ngũ quả miền Bắc

Ở miền Bắc, hầu như tất cả các loại quả đều có thể bày lên bàn thờ, kể cả quả ớt mang vị cay đắng, miễn sao trông đẹp mắt và đảm bảo đủ 5 sắc màu. Các loại quả thường thấy là: chuối, bưởi, đào, hồng, quýt…

Theo phong tục truyền thống, khi bày mâm ngũ quả sẽ để nải chuối phía dưới cùng để đỡ lấy toàn bộ các trái cây khác. Nải chuối như bàn tay ngửa, hứng lấy những gì tinh túy nhất, có ý nghĩa che chở, bảo bọc. Giữa nải chuối đặt lên quả bưởi, sau đó cài xen các loại quả hồng, cam, quýt…

Xuất phát từ mong muốn “Cầu sung vừa đủ xài” nên người miền Nam bày mâm ngũ quả tương ứng với 5 loại quả: mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài. Ngoài ra, còn có thêm quả thơm (dứa) với mong muốn con cháu đầy nhà và một cặp dưa hấu xanh vỏ đỏ lòng để cầu may mắn.

Mâm ngũ quả miền Nam với các loại quả đặc trưng
Mâm ngũ quả miền Nam với các loại quả đặc trưng

Nếu người miền Bắc chuộng bày chuối lên mâm ngũ quả thì người miền Nam lại kỵ quả này vì phát âm giống “chúi nhủi”, làm ăn không phất lên được.

Còn với mảnh đất miền Trung cằn cỗi, lại thêm những hậu quả do thiên tai để lại nên cây trái đặc sản địa phương rất hiếm. Người dân không quá câu nệ hình thức ý nghĩa của mâm ngũ quả mà chủ yếu có gì cúng nấy, thành tâm dâng kính tổ tiên. Thêm nữa, do miền Trung chịu sự giao thoa văn hóa 2 miền Bắc – Nam nên mâm ngũ quả rất phong phú.

Những cấm kỵ và lưu ý khi bày mâm ngũ quả

Nhiều gia đình thường có thói quen bày hoa quả giả trên bàn thờ vì vừa tiết kiệm chi phí, vừa để được lâu. Tuy nhiên, theo chuyên gia phong thủy Nguyễn Mạnh Linh , việc bày đồ giả trên bàn thờ là điều cấm kỵ. Mặc dù giá có đắt hơn, nhưng hoa thật, quả thật thể hiện được sự chân thành, thành kính của con cháu.

“Các loại quả sử dụng trên mâm ngũ quả cần phải sạch, tươi tắn và có mùi thơm. Điều đáng lưu tâm là mâm ngũ quả ngày Tết sẽ để lâu hơn bình thường. Do đó, không chọn loại chín quá vì sẽ nhanh hỏng, nhưng cũng không được chọn quả quá xanh. Hoa quả nên có độ xanh chín phù hợp, đừng chạy theo hình thức mà không chú trọng đến chất lượng. Thêm nữa, hoa quả mua về cũng cần bày cẩn thận, trang trọng, không nên để vào tủ lạnh hay vứt lăn lóc góc bếp rồi đến tối 30 mới mang ra đặt lên bàn thờ”, chuyên gia phong thủy đưa ra lời khuyên.

Mâm ngũ quả thể hiện tấm lòng thành kính của con cháu
Mâm ngũ quả thể hiện tấm lòng thành kính của con cháu

Gần đây, nhiều người còn sa đà vào tâm linh không cần thiết như đếm nải chuối có quả lẻ mới mua hay tổng số quả trên mâm ngũ quả phải hợp với mệnh gia chủ… Chính sự suy luận quá đà này làm mất quá nhiều thời gian để chọn ngũ quả trang trí.

Chuyên gia Nguyễn Mạnh Linh cho rằng: “Mâm ngũ quả không chỉ bó buộc trong 5 loại quả nữa mà có thể bày đến 8, 9 hay thậm chí là 10 loại quả, số quả là chẵn hay lẻ cũng không quan trọng. Tuy nhiên, bài trí mâm ngũ quả là một tín ngưỡng dân gian, thể hiện lòng thành của con cháu với tổ tiên nên cũng cần có những quy tắc không được phạm phải, chẳng hạn như không được đặt thêm hoa hoặc thực phẩm gì lên mâm ngũ quả”.

Hiếu Anh