TP.HCM:
Cơn lốc “ma men”: “1001” lý do để... nhậu
(Dân trí) - Vui nhậu, buồn nhậu, lâu ngày gặp lại phải nhậu, mua được đồ mới kéo nhau đi nhậu để “rửa”, mất đồ cũng tìm đến quán nhậu để “xả xui”, không có việc gì làm cũng nhậu…có “1001” lí do để người ta đến với bia rượu tạo ra một cơn lốc “ma men” tại Sài Gòn.
Ẩm thực, ăn uống như một nét văn hóa không thiếu tại một thành phố lớn như TP.HCM, tuy nhiên việc tràn lan hàng quán, lạm dụng rượu bia đang trở thành vấn nạn đáng báo động bởi hàng loạt hậu quả do “ma men” gây ra. Không khó để một người xa lạ khi đến với Sài Gòn, hình ảnh mà họ dễ bắt gặp nhất là các quán nhậu, nhà hàng nằm san sát, nhau. Từ đường lớn đến đường nhỏ, từ đại lộ đến “tiểu lộ” đều có quán nhậu phục vụ đủ tầng lớp. Mỗi khi chiều đến, không cần đầu tuần hay cuối tuần, Sài Gòn lại trở nên “tưng bừng” bởi tiếng “zô…zô”, tiếng cụng ly canh cách, tiếng cười nói xôm tụ của dân nhậu.
Nhiều người cho rằng, có 1001 lý do để người ta nhậu, riêng tại Sài Gòn, “phong trào” ăn nhậu không giành riêng cho lứa tuổi, tầng lớp nào. Chỉ cần có “kèo” là họ kéo nhau vào quán, bất kể thời gian là sáng, trưa, tối hay là đêm khuya. Rất nhiều quan điểm, ý kiến trái chiều xoay quanh việc ăn nhậu và cách sử dụng rượu bia trên bàn nhậu. Người thì cho rằng, thời buổi này việc gì cũng phải ăn nhậu mới xử lý được, bia rượu như là “đầu câu chuyện”, nhậu để chia sẻ, để gắn bó, để nắm bắt xu hướng…có vô số luồng ý kiến. Tuy nhiên, không ít người đến với bia rượu từ chỗ giao lưu, chia sẻ rồi trở thành “ma men” lúc nào không biết.
Trần Công T. (26 tuổi, ngụ quận Tân Bình) kể, khi còn ở quê Lâm Đồng, T. không hề đụng đến giọt rượu, bia nào vì nghĩ đó là chất có hại cho sức khỏe và không thích vì “đắng, cay” khó uống. Nhưng đến khi vào sinh viên, lần đó, T. được bố mẹ mua cho một chiếc xe máy mới để làm phương tiện đi lại và tất nhiên, T. phải “rửa xe” với đám bạn bằng một chầu bia hơi hoành tráng. Cũng kể từ đó, T. vướng vào nhiều “độ” hơn. Đến lúc ra trường, T. đã được bạn bè phong cho cái danh hiệu T. “cồn”.
“Có thể do máu của dòng họ nhà em uống được rượu nên đô của em cũng lên khá nhanh. Đám bạn bè chơi chung không đứa nào mà dám ngồi uống tay đôi với em. Có hôm vui em uống từ chiều đến sáng hôm sau mà chả thấm thía gì. Giờ cứ chiều chiều là nhạt mồm, lại phải tìm kèo để anh em ngồi lai rai vài chai bia cho mát. Nói là uống cho mát mà có lần nào mỗi thằng không hết nửa khung đâu anh” – T. kể.
Có nhiều lý do để kéo nhau đi ăn nhậu nhưng đi nhậu ăn mừng vì mua được đôi dép lào 15.000 đồng thì quả là “đặc biệt”. Anh Vũ Minh Th. (cùng ngụ quận 12) kể, hôm đó anh Th. đang chạy đi công việc ngoài đường thì nhận được điện thoại của Đ. thông báo “ra ngay quán bờ sông, tao có việc bàn gấp”, thấy giọng điệu Đ. dứt khoát, anh Th. tưởng có việc quan trọng nên lật đật đến gặp Đ. Tới nơi, anh Th, thấy Đ. cùng 2 người khác đã ngồi sẵn đó, trên bàn bia, mồi đã sẵn sàng. Ngồi lai rai được vài chai, anh Th. mới được Đ. thông báo cho lí do của buổi “triệu tập” đột xuất vào giữa trưa là để…”rửa” đôi dép lào mới mua 15.000 đồng. Kết quả của buổi “rửa” dép lào là anh Th. phải hùn 260.000 đồng trả tiền nhậu.
Trong “1001” lý do để nhậu có lẽ lí do “rửa” khiến nhiều người sợ nhất. Không chỉ bị ép uống tới tấp để chúc mừng mà người đó còn kiêm luôn “chủ xị” chi trả tiền ăn nhậu mà có khi món đồ đó có giá trị không bằng một nửa tiền phải trả cho hoạt động “rửa”.
Ở Sài Gòn, khi màn đêm buông xuống cũng là lúc, các khu ăn nhậu sáng đèn. Trên nhiều cung đường, hàng trăm biển hiệu quán nhậu với đủ kiểu quảng cáo như “đập” vào mắt người đi đường, hầu hết các quán ở vị trí đắc địa đề chật kín người, tiếng cụng ly, tiếng trò chuyện rôm rả vang cả một góc phố. Chính nhu cầu khá lớn nên tại Sài Gòn có hàng chục khu ăn nhậu được giới “ma men” ví như những “thiên đường”.
Trung Kiên