Chuyên gia chỉ cách bảo vệ trẻ tránh những "cạm bẫy" trên mạng xã hội

(Dân trí) - Khi vào mạng xã hội, có quá nhiều sức hút dễ khiến trẻ xa rời mọi vấn đề thực từ học tập đến vui chơi, thậm chí là các mối quan hệ gắn kết gia đình. Trẻ chỉ dành trí não của mình cho các trang mạng, cho những người bạn ảo hay vấn đề ảo, từ đó trẻ rất dễ bị dụ dỗ.

Mới đây, theo số liệu thống kê từ Bộ LĐ-TB&XH, trong 5 năm (2011-2015) cả nước xảy ra trên 8200 vụ xâm hại trẻ em với 9200 nạn nhân, trong đó trẻ em bị xâm hại tình dục chiếm tới 65%, phần lớn các em bị kẻ xấu dụ dỗ thông qua tiếp xúc trên mạng xã hội.

Các đối tượng xâm hại thường nhắm đến những em học sinh tiểu học, trung học cơ sở. Chúng sử dụng các chiêu trên mạng xã hội như tham gia các diễn đàn chia sẻ phim ảnh đồ trụy, tổ chức các buổi gặp mặt thành viên tại nhà riêng, quán Internet, bể bơi… để lợi dụng và có hành vi xâm hại tình dục, dâm ô với trẻ em. Đặc biệt, các đối tượng xâm hại không chỉ ở trong nước mà có cả người nước ngoài.

Tình trạng tội phạm sử dụng mạng xã hội để lừa gạt, dụ dỗ trẻ em ngày càng gia tăng. (Ảnh minh họa: Internet)
Tình trạng tội phạm sử dụng mạng xã hội để lừa gạt, dụ dỗ trẻ em ngày càng gia tăng. (Ảnh minh họa: Internet)

Trao đổi với PV Dân trí, chuyên gia tâm lý Phạm Hiền - Trung tâm Đào tạo kĩ năng sống Wedo- Wegood (Hà Nội) cho biết: “Tư duy độc lập và khả năng giải quyết vấn đề của trẻ em Việt Nam hiện nay còn rất yếu, vì vậy mà các kỹ năng trong cuộc sống của trẻ cũng yếu. Khi vào mạng xã hội, có quá nhiều sức hút dễ khiến trẻ xa rời mọi vấn đề thực từ học tập đến vui chơi, thậm chí là các mối quan hệ gắn kết gia đình. Trẻ chỉ dành trí não của mình cho các trang mạng, cho những người bạn ảo hay vấn đề ảo, từ đó trẻ rất dễ bị dụ dỗ”.

Chuyên gia này cũng chỉ ra hai nhóm đối tượng trẻ dễ bị dụ dỗ qua mạng xã hội hiện nay bao gồm nhóm trẻ chưa biết gì và nhóm trẻ thích chơi.

- Nhóm trẻ chưa biết gì, trẻ rất dễ bị dụ dỗ. Đặc biệt trong nhóm này có không ít những trường hợp khả năng tương tác trực tiếp với mọi người để giao lưu, vui chơi là rất yếu. Khi nhóm trẻ này lên mạng xã hội được mọi người kết bạn, trò chuyện trẻ sẽ cảm thấy vui vẻ và được chia sẻ. Điều này là một trong những nguyên nhân khiến trẻ dễ bị dụ dỗ.

- Đối với nhóm trẻ thích chơi, trẻ thường thích thể hiện mình, bàng quan và ngộ nhận trong nhận thức. Thậm chí đôi khi trẻ muốn cho mình vào cái vòng thử thách “thử rồi mới biết”.

Cần làm gì để trẻ tránh bị dụ dỗ qua mạng xã hội?

Theo chuyên gia tâm lý Phạm Hiền, nguyên nhân khiến trẻ dễ bị dụ dỗ qua mạng xã hội là việc trẻ thiếu kỹ năng sống, trẻ ham chơi trong sự không hiểu biết, sự đua đòi trong một nhận thức không tới nơi. Nhiều trẻ dễ tin người, thích theo trào lưu, thích tỏ ra ga lăng và chịu chơi.

Ngoài ra còn có không ít những tác động của cha mẹ khiến trẻ dễ bị dụ dỗ như sự thờ ơ, buông lỏng việc quản lý cũng như thiếu quan tâm và dành thời gian cho trẻ. Do đó, để giúp con trẻ không bị dụ dỗ qua mạng xã hội, bà Hiền cho rằng, cách bảo vệ tốt nhất vẫn là sự chủ động dạy con.

Các bậc phụ huynh hãy thường xuyên nói với trẻ về vấn đề trẻ bị dụ dỗ qua mạng xã hội và hậu quả của nó một cách dễ hiểu nhất. Thay vì cấm trẻ không dùng mạng xã hội, bố mẹ hãy ngồi cùng với con đọc từng bài báo, đọc từng vấn đề về các sự việc lừa đảo có thật để trẻ có thể nhận thức và hiểu được.

Nếu con chơi facebook, bố mẹ hãy kết bạn cùng với con. Mỗi ngày bố mẹ mang một thông tin, một vấn đề trên mạng xã hội về thảo luận với con. Sử dụng thật nhiều các mệnh đề nếu – thì, đồng thời đi đến tận cùng của các vấn đề để giải quyết. Từ đó trẻ sẽ học được khả năng nhận thức và phản xạ trong cách giải quyết từng vấn đề. Trong trường hợp có người dụ dỗ, trẻ sẽ biết đặt ra các câu hỏi nếu-thì hay tại sao không thế này mà lại thế kia. Từ đó trẻ sẽ tìm ra được câu trả lời, tin hay không tin, nên hay không nên.

“Một điều quan trọng để giúp trẻ tránh bị dụ dỗ qua mạng xã hội là việc lồng ghép vào các chương trình giáo dục ở trường học. Nhà trường cần có những bài học, tình huống cụ thể để dạy trẻ chứ không phải là những cảnh báo hay thông báo thông thường”, chuyên gia tâm lý Phạm Hiền nhấn mạnh.

Nhữ Trang