9x từ chối lương ngàn đô, mở siêu thị bán đặc sản cho thu nhập “khủng”

(Dân trí) - Tập tành khởi nghiệp từ những năm đầu tiên vào đại học, An Văn Sáu, sinh viên năm cuối Đại học Bách khoa Hà Nội, hiện đã có trong tay 2 dự án khởi nghiệp. Với Sáu, khởi nghiệp không chỉ là hành trình kiếm tìm lợi nhuận mà chính là cơ hội để mình trưởng thành hơn và có thể giúp đỡ mọi người.

“Đã học Đại học, phải làm ông chủ”

Gia đình An Văn Sáu ở vùng quê Triệu Sơn, Thanh Hóa có mở một xưởng cơ khí lớn. Mong muốn của bố mẹ Sáu khi cậu con trai trong gia đình khăn gói lên Hà Nội học Đại học là con sẽ có đủ kiến thức về tiếp quản cơ nghiệp gia đình.

Tuy nhiên, trước định hướng dường như được “trải hoa hồng” của bố mẹ, Sáu có suy nghĩ hoàn toàn khác: “Nếu về làm xưởng thì không cần học Đại học đâu, chỉ cần Trung cấp, Cao đẳng là được rồi mà. Mình xác định, đã học Đại học thì phải làm ông chủ”. Ước mơ có một doanh nghiệp riêng về sản xuất cơ khí bắt đầu nhen lên trong tâm trí chàng trai xứ Thanh từ khi ấy.

Mơ làm lớn, nhưng Sáu lại chẳng nề hà những công việc nhỏ. Năm thứ nhất đại học, tận dụng khả năng nói tiếng Nhật cùng với mối quan hệ với nhiều du học học sinh Nhật Bản, chàng sinh viên này đã mở cửa hàng online chuyên bán đồng hồ Nhật Bản cao cấp.

Sang năm thứ hai, Sáu tiếp tục tìm nguồn hàng từ Trung Quốc để nhập bán quần áo và giày dép giá rẻ cho sinh viên. Những công việc tưởng chẳng liên quan gì đến giấc mơ lập doanh nghiệp cơ khí đó đã giúp Sáu sớm có cả tiền bạc lẫn kinh nghiệm và các mối quan hệ để chuẩn bị cho các dự án khởi nghiệp sau này.

An Văn Sáu ngoài cùng bên phải trong một chương trình khởi nghiệp. Ảnh: NVCC
An Văn Sáu ngoài cùng bên phải trong một chương trình khởi nghiệp. Ảnh: NVCC

Sau những năm đầu tập tành kinh doanh, chàng sinh viên này bắt đầu muốn thử sức với những dự án ý nghĩa và có quy mô hơn. Tháng 9 năm 2017, anh cùng 3 người bạn sáng lập dự án hệ thống quản lý ký túc xá trực tuyến tại ĐH Bách khoa Hà Nội.

Chỉ sau hơn 1 tháng triển khai, hệ thống đã thu hút hơn 4.300 sinh viên tham gia (chiếm hơn 95% tổng số sinh viên trong ký túc xá), mang về tổng doanh thu hơn 200 triệu đồng. Tháng 3 năm 2018, dự án non trẻ này giành giải Á quân 1 tại cuộc thi “Khởi nghiệp cùng Kawai 2018” với phần thưởng lên đến 70 triệu đồng.

Sau thành công đó, chàng trai 9X này tiếp tục thử thách bản thân khi mở siêu thị chuyên bán đặc sản Việt Nam. Hiện siêu thị cung cấp hơn 100 mặt hàng thường xuyên, từ những sản phẩm bình dân như kẹo lạc, bánh tráng đến những mặt hàng cao cấp như tỏi đen, trà tươi Thái Nguyên.

Biết mình không có lợi thế về không gian trưng bày, diện tích mặt tiền, Sáu phát triển việc bán hàng qua mạng. Mỗi ngày, siêu thị nhận từ 40 đến 100 đơn hàng, trong đó bán chạy nhất là nem chua Thanh Hóa với lượng tiêu thụ hơn 1000 chiếc/ngày.

Lượng khách đông nên những lúc cao điểm, An Văn Sáu phải thuê đến 2 bạn làm nhân viên giao hàng toàn thời gian. Còn lượng nhân viên chốt đơn hàng (bán thời gian) thì luôn duy trì ở mức 15 – 20 bạn. “Lương mình trả theo số lượng đơn các bạn chốt được. Những bạn có khả năng bán hàng tốt, một tháng làm online nhẹ nhàng thôi, hoàn toàn có thể có thu nhập từ 1 triệu rưỡi trở lên”, Sáu chia sẻ.

Chàng sinh viên đa năng

Đam mê khởi nghiệp, Sáu cho biết: “Lợi nhuận chưa bao giờ là mục tiêu cao nhất của khởi nghiệp. Cái mà mình luôn tìm kiếm trong mỗi cơ hội kinh doanh là bài học kinh tế, quản trị con người và phát triển kỹ năng lãnh đạo”. Chính bởi vậy, dù ở công việc, vị trí nào, Sáu cũng luôn tỉ mỉ, cẩn thận và chu đáo.

Ngày ra mắt hệ thống quản lý ký túc xá trực tuyến, để mọi sinh viên có thể tiếp cận phần mềm dễ dàng, cả nhóm của Sáu đã đến từng phòng hướng dẫn mọi người cách sử dụng. Hay khi bắt đầu mở siêu thị, Sáu lựa hàng rất kĩ. Anh từng đi khắp Thanh Hóa chọn mua nem chua ở những thương hiệu nổi tiếng nhất, đem ra Hà Nội mời bạn bè ăn.

Sau khi nghe tất cả các phản hồi, Sáu mới chọn ra loại nem chua ngon nhất để đặt hàng thường xuyên cho siêu thị của mình. Cũng nhờ bán hàng có uy tín mà chỉ sau vài lần trao đổi, siêu thị của Sáu đã được một doanh nghiệp bán dừa nướng có tiếng ở miền Trung chọn làm kênh phân phối độc quyền cho toàn miền Bắc.

An Văn Sáu hiện đang là chủ một siêu thị chuyên bán đặc sản vùng miền ở Hà Nội
An Văn Sáu hiện đang là chủ một siêu thị chuyên bán đặc sản vùng miền ở Hà Nội

Bận rộn là điều không tránh khỏi với một sinh viên khởi nghiệp, Sáu cũng không phải ngoại lệ. “Thời điểm mình làm đồ án thì cùng lúc tham gia 2 dự án khởi nghiệp. Thế là sáng làm đồ án, chiều qua siêu thị, tối lại về làm dự án ở ký túc xá. Mọi việc cứ xoay như vậy. Cũng may là mình đã xây dựng được hệ thống cộng tác viên hoạt động rất hiệu quả, có thể tự vận hành nên mọi thứ đã giải quyết được” – Sáu cười hiền nhớ lại.

Nhưng dù sớm có công việc kinh doanh riêng, Sáu vẫn tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa. Năm thứ ba đại học, anh đứng ra thành lập CLB tình nguyện tại trường đại học. “Ban đầu mình không biết quản lý, thực hiện như thế nào cho tốt. Thế là mình đến các CLB khác, xin được tham gia hoạt động cùng họ, xem cách họ làm rồi về tổng hợp, áp dụng với CLB của mình”.

Sau 2 năm thành lập, tổ chức phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng. Đây là một trong những CLB có tuổi đời non trẻ nhất được nhận bằng khen của Hội Sinh viên thành phố Hà Nội. Đến lúc này thì những CLB mà Sáu từng đến để học tập lại quay ra “xin kinh nghiệm” của chàng trai trẻ này.

Không giấu diếm, Sáu cho biết mình có thành tích học tập không quá xuất sắc ở trường. Tất cả là bởi một tư duy rất “thực dụng” như Sáu nói: “Mình không cầu toàn đâu, được cái này thì phải thôi cái khác. Với bài vở trên lớp, mình tập trung nhiều vào các môn chuyên ngành. Những môn khác mình học đủ để qua môn”.

Nhưng trong một ngôi trường “khét tiếng” với việc “qua môn đã khó” như ĐH Bách khoa, những gì Sáu làm được đã cho thấy khả năng cân bằng rất tốt giữa cả 3 việc học tập, ngoại khóa và khởi nghiệp.

Vừa qua, một doanh nghiệp trong Nam đã ngỏ lời mời Sáu về làm việc với mức lương khởi điểm là 1.500 USD. Nhiều người mơ ước con số ấy, nhưng Sáu vẫn từ chối bởi muốn đi theo con đường riêng của mình.

Nguyễn Hải