Khắc hoạ cuộc sống Trường Sa qua sách ảnh song ngữ

(Dân trí) - Nhà báo Mỹ Trà hiện đang công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam vừa hoàn thành cuốn sách ảnh song ngữ “Trường Sa - Nơi ta đến”. Cuốn sách giúp người Việt Nam thêm hiểu, thêm yêu và nhận thức trách nhiệm góp phần bảo vệ những vùng biển đảo thiêng liêng của tổ quốc.

Cuốn sách tập hợp khoảng 150 bức ảnh nghệ thuật, tái hiện vẻ đẹp trong trẻo, tráng lệ của Trường Sa qua nhiều thời khắc: một cơn giông, một cầu vồng, một khung trời qua ô cửa, một mầm cây đang vươn mình ra ánh sáng, một cơn mưa chập chờn phía xa khơi... Nhưng bên cạnh đó là cuộc sống khắc nghiệt in hằn trên làn da của người lính đảo, là cảm xúc nhớ đất liền và nhớ về những người đã ngã xuống.

Cuộc sống của trẻ em Trường Sa được tác giả đặc biệt chú ý. Các em học thế nào, chơi ra sao, sinh hoạt đời thường của các em có gì khác với trẻ em trong đất liền, các em có cảm thấy hạnh phúc? Qua những khuôn hình dung dị và ánh mắt trẻ thơ, người đọc có thể tìm ngay được câu trả lời.

Chân dung nhà báo Mỹ Trà.
Chân dung nhà báo Mỹ Trà.

Trường Sa hiện lên chân thực và sống động trong những tấm ảnh của nhà báo Mỹ Trà.
Trường Sa hiện lên chân thực và sống động trong những tấm ảnh của nhà báo Mỹ Trà.

“Bộ ảnh “Trường Sa – Nơi ta đến” của nhà báo Nguyễn Mỹ Trà không chỉ là những khuôn hình đẹp về cảnh vật, thiên nhiên giàu có, phong phú của biển đảo Việt Nam mà còn khắc họa chân thực cuộc sống, sinh hoạt, học tập, công tác của quân dân huyện đảo Trường Sa và cán bộ chiến sĩ nhà giàn DK1.

Đặc biệt, tác giả đã ghi lại được nhiều hình ảnh tươi mới, giàu tính nhân văn, thể hiện rõ nét sức sống trường tồn, tinh thần lạc quan, khát vọng, ý chí quyết tâm của bộ đội hải quân cùng nhân dân và các lực lượng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”, Chuẩn đô đốc Phạm Văn Vững, Chủ nhiệm Chính trị, Hải quân Nhân dân Việt Nam chia sẻ.

Hà Tùng Long