Đằng sau bảng xếp hạng 500 nhà bán lẻ lớn nhất Châu Á Thái Bình Dương
(Dân trí) - Tạp chí Retail Asia số tháng 6&7 năm 2018 vừa công bố 500 nhà bán lẻ lớn nhất khu vực Châu Á Thái Bình Dương, trong đó Thế Giới Di Động nhảy “một mạch” từ vị trí 110 năm ngoái lên đứng thứ 70 trong danh sách này. Quy mô nhà bán lẻ này trong năm 2017 ở mức doanh thu 3,2 tỷ USD, lợi nhuận sau thuế công bố là hơn 2.200 tỷ đồng, cũng tăng “một mạch” từ mức gần 2 tỷ USD và 1.577 tỷ đồng năm 2016. Thế Giới Di Động có truyền thống đi nhanh và mở rộng thần tốc là điều ai cũng biết, thế nhưng so với các nhà bán lẻ khác trong khu vực, câu chuyện của Thế Giới Di Động còn chứa đựng một điều đặc biệt khác.
Trong 14 nền kinh tế được Retail Asia đưa vào danh sách, chỉ có duy nhất ở Việt Nam, một nhà bán lẻ thuộc lĩnh vực điện thoại và điện tử tiêu dùng chiếm vị trí số 1, còn ở những nước khác, các vị trí dẫn đầu luôn thuộc các nhà bán lẻ hàng tiêu dùng. Điều này hoàn toàn hợp lý khi thị trường của lĩnh vực thực phẩm, hàng tiêu dùng luôn lớn hơn rất nhiều lần so với ngành hàng điện tử. Thế nhưng, tại Việt Nam, Thế Giới Di Động đã làm tốt tới mức họ vươn lên dẫn đầu với chỉ ở lĩnh vực rất cốt lõi là bán điện thoại và điện tử tiêu dùng. Xếp hạng của Thế Giới Di Động theo doanh thu gấp đôi nhà bán lẻ xếp ở vị trí thứ 2, có thể nói là một vị trí dẫn đầu rất vững chắc.
Thế nhưng, điểm đặc biệt thứ hai là Thế Giới Di Động dường như vẫn chưa muốn dừng lại ở đó. Nhà bán lẻ này chắc chắn đã nhìn thấy tương lai của lĩnh vực bán lẻ nằm ở ngành bán lẻ thực phẩm, hàng tiêu dùng nên đã nhanh chóng tiếp cận với lĩnh vực này bằng Bách hóa Xanh. Tại Việt Nam, tổng dung lượng thị trường của ngành hàng thực phẩm có thể gấp 10 lần thị trường điện tử, điện gia dụng (60 tỷ USD so với 6-7 tỷ USD). Và như vậy có thể nói, con đường phía trước đối với Thế Giới Di Động còn thênh thang rộng mở. Báo cáo của công ty gần đây cho biết, chuỗi Bách hóa Xanh tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ, đạt doanh thu hơn 350 tỷ trong tháng 06/2018. Với 384 cửa hàng cuối tháng 06, mức doanh thu bình quân tính cho các cửa hàng Bách hóa Xanh đã hoạt động tối thiểu 30 ngày đạt trên 850 triệu đồng/cửa hàng. Trong khi đó, mức tính toán điểm hòa vốn cho mỗi cửa hàng trung bình của một số công ty chứng khoán là khoảng 700 – 800 triệu.
Thị trường bán lẻ hàng thực phẩm tiêu dùng (thực phẩm khô và thực phẩm tươi sống) vẫn chưa chứng kiến sự bứt phá của một “nhân tố” thực sự mạnh mẽ nào và Bách hóa Xanh được kỳ vọng là sẽ khai phá thị trường còn đang rất nhiều mảnh đất trống này. Thế Giới Di Động đang đặt mục tiêu chuỗi bán lẻ này sẽ bứt phá và trở thành động lực dẫn dắt sự tăng trưởng của toàn công ty trong vài năm tới, cũng giống như cách Điện máy Xanh đã vượt qua chuỗi thegioididong.com ở thời điểm hiện tại.
Và nếu mọi thứ diễn ra theo đúng kịch bản như vậy, bảng xếp hạng của tạp chí Retail Asia khi ấy chắc chắn sẽ không có sự khác biệt nào, khi dẫn dắt ngành bán lẻ của 14 nền kinh tế đều là những doanh nghiệp bán hàng thực phẩm tiêu dùng với các chuỗi siêu thị, siêu thị mini hay cửa hàng tiện lợi.