"Tất cả đều đúng qui trình", chỉ thiếu một lời xin lỗi nhân dân

Những lời lẽ "có gang có thép" của ông Võ Kim Cự chẳng khác gì một sự thách thức luật pháp và dư luận để rồi trong cơn say thành tích rước Formosa về đem đến cho "hàng chục vạn lao động của Hà Tĩnh và các tỉnh thành có việc làm, tạo ra nguồn thu lớn cho tỉnh"[1] ông quên mất điều đơn giản nhất - một lời xin lỗi về trách nhiệm của cá nhân ông trước nhân dân về thảm họa môi trường khủng khiếp chưa từng có

"Tất cả đều đúng qui trình", chỉ thiếu một lời xin lỗi nhân dân - 1

Minh họa: Ngọc Diệp

Sau một thời gian dài im lặng, bị dư luận cho là "lẩn trốn" báo chí trước thảm họa môi trường do Formosa gây ra, cuối cùng thì ông Võ Kim Cự - nguyên Bí thư tỉnh ủy, nguyên chủ tịch tỉnh, nguyên trưởng ban quản lí Khu kinh tế Vũng Áng Hà Tĩnh, đương kim đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, Ủy viên UB Kinh tế của Quốc hội - cũng đã chính thức lên tiếng.

Thông tin về việc này đã thu hút sự quan tâm của dư luận, chiếm hầu hết trang nhất trên các báo những ngày qua.

Ông Võ Kim Cự đã nói những gì mà khiến dư luận quan tâm đến thế?

Xin vắn tắt nội dung cơ bản trả lời báo chí của ông Võ Kim Cự và phản ứng của dư luận trong mấy ngày qua.

- Về thảm họa môi trường do Formosa gây ra, ông Cự nói: "Thật sự là bất ngờ. Đùng một cái xảy ra sự cố, nghe như kiểu là "tin giật gân".

Tôi thật sự băn khoăn và trăn trở vì thấy họ đã cam kết, đầu tư một lượng vốn khá lớn, cứ nghĩ như vậy thì họ sẽ làm việc nghiêm túc. Có ai ngờ...".[1]

Một người từng công tác trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, từng là chủ tịch Hiệp hội Titan VN, từng là lãnh đạo cao nhất Hà Tĩnh chủ trì thực hiện dự án Formosa mà còn "thật sự bất ngờ" đến thế thì chả trách dư luận và người dân sao lại không "chết điếng"?

Và bây giờ, sau khi đã "yên vị" trên những chức vụ lãnh đạo mới ở Trung ương, ông Cự tỏ thái độ mạnh mẽ, hùng hồn: "Đây cũng là bài học xương máu, không chỉ riêng dự án này mà để các dự án tiếp theo, không thể bằng mọi giá mà phải đảm bảo phát triển bền vững, môi trường, xã hội, đảm bảo quyền lợi cho dân".[1]

Không biết trước khi xảy ra sự cố thảm họa môi trường hồi đầu tháng 4/2016, với tư cách người đứng đầu địa phương ông có nghĩ và làm được như lời "vàng ngọc" ông nói hôm nay không?

- Về việc cấp phép 70 năm cho Formosa, ông Cự khẳng định: "Không thể có gì đặc biệt, đã làm đúng luật, đúng trình tự, đúng bước đi, đúng quy định của luật pháp, không bỏ qua bất kỳ giai đoạn nào, đúng theo nghị định 108, đúng theo luật Đầu tư, đúng các quy định của Chính phủ".[2]

Ông Cự rất tự tin: "Văn bản hồ sơ chúng tôi vẫn giữ nguyên đây, chưa có bộ nào bảo là không đồng ý Formosa hay bảo Formosa có vấn đề gì cả".[2]

Đúng luật đúng qui trình theo ông Cự: "Đầu tiên là báo cáo Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chấp thuận chủ trương. Sau đó nhà đầu tư lập dự án với nhiều bước. Trước khi thẩm định đã có ý kiến của 12 bộ chuyên ngành, kể cả các cơ quan trong khối nội chính, quốc phòng, an ninh... đồng ý với các nội dung. Sau đó là thẩm định rồi báo cáo Chính phủ. Cuối cùng, Chính phủ đồng ý để cho Hà Tĩnh được cấp phép.

Dự án này đã đạt được cả 4 tiêu chí theo quy định của Luật Đầu tư nên việc cấp phép 70 năm là đúng theo quy định của pháp luật.

Sau đó, đã có 2 lần kiểm tra, trong đó một lần là của Trung ương và một lần của Thanh tra Chính phủ thanh tra trên các lĩnh vực về đất đai, tài nguyên khoáng sản, xây dựng, đầu tư... Thanh tra Chính phủ sau khi tiến hành thanh tra đã lấy ý kiến của các bộ, ngành có liên quan, báo cáo Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức họp 2 cuộc và đi đến kết luận.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành văn bản số 926 ngày 30.1.2015, thống nhất việc cấp phép thời hạn của Dự án Formosa 70 năm là phù hợp, giữ nguyên với thời hạn trong Giấy chứng nhận đầu tư mà Khu kinh tế Vũng Ánh đã cấp".[3]

Trả lời PV báo Tuổi trẻ, ông Cự vẫn rất tự tin: "Tôi nói là vấn đề cấp phép là đúng quy định".[1]

Tuy nhiên, "gót chân Asin" của ông Cự ngày càng lộ rõ. Ông đã "cầm đèn chạy trước ô tô", theo báo Tuổi Trẻ, từ 9-4-2008, với chức danh Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, ông Võ Kim Cự đã ký văn bản số 858 gửi tập đoàn Formosa nêu rõ thời hạn cho thuê đất là 70 năm!

- Về trách nhiệm cá nhân và lãnh đạo Hà Tĩnh, ông Cự khẳng định: "Cấp phép là cấp đúng, nhưng thực thi không đúng". Theo ông, "nguyên nhân vi phạm là việc hoàn toàn của Formosa"; và trách nhiệm đương nhiên thuộc về tập thể: "Tất nhiên về phía địa phương Hà Tĩnh cũng có trách nhiệm ở đây nhưng trách nhiệm của các cơ quan chức năng. Họ có cả bộ máy, họ có cả thẩm quyền và trách nhiệm hậu kiểm đằng sau, như các bộ ngành của trung ương"; còn cá nhân ông thì cùng lắm là "Tôi đã nói đây là một bài học kinh nghiệm để cho các dự án tiếp theo".[1]

Sau một loạt sai phạm mới của Formosa như chôn lấp chất thải ở Hà Tĩnh, ông Cự cho rằng: "Trước hết là có phần của Formosa. Vì theo quy hoạch, cấp phép là họ phải có khu vực xử lý chất thải riêng. Lọt ra ngoài thì có thêm yếu tố nữa là một số cá nhân bên ngoài, tự ý thu gom, tự ý đưa về đổ chôn trong trang trại".

"Tự nhiên lại nghe đổ mấy xe mấy tấn ở đâu, không thể chấp nhận những hành vi như vậy".

"Tôi đang đề nghị là phải xử lý nghiêm những hành vi này, và tiếp tục kiểm tra xem còn ở đâu nữa không".[2]

"Nếu Formosa không làm đúng cam kết thì không những đóng cửa nhà máy mà còn phải trừng phạt họ ở mức cao hơn nữa đảm bảo sự nghiêm minh của luật pháp, đảm bảo quyền lợi cho nhân dân".[1]

Nghe những lời "tâm huyết, đầy trách nhiệm" này của ông nghị Cự, cử tri cả nước chắc hẳn là mát lòng mát dạ lắm lắm (!?)

Vì sao ông Cự trả lời "trơn tru" và tự tin như vậy?

Một là, ông Cự thuộc lòng bài học "đúng qui trình" đang được quan chức xứ mình sử dụng như một bảo bối mỗi khi bị "sờ" đến trách nhiệm.

Bình luận về việc này, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc đặt câu hỏi: "Việc lặp lại một điệp khúc “đúng quy trình” bao giờ cũng đúng nhưng kết quả lại không đúng. Vậy vấn đề chính là ở đây, quy trình có nghĩa là gì?".[5]

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa thì thẳng thắn khẳng định: “Cho dù đúng quy trình nhưng xét thấy nguy hại cho địa phương, đất nước thì cần bác bỏ, từ chối."[6]

Hai là, ông Cự nắm rất chắc cơ chế "trách nhiệm tập thể" - cái cơ chế lãnh đạo để rồi cuối cùng chẳng ai chịu trách nhiệm. Ông viện dẫn một lô một lốc các cấp, các ngành từ địa phương đến trung ương liên quan đến quyết định cấp phép cho Formosa mà không hề đả động gì đến bản thân mặc dù ông giữ vai trò là "đạo diễn" chính.

Nói về trách nhiệm của ông Cự, nguyên phó tổng Thanh tra Chính phủ ông Vũ Phạm Quyết Thắng cho rằng: "ông Cự phải chịu trách nhiệm chính về quá trình giới thiệu đầu tư dự án này vào VN.", đồng thời yêu cầu: "những ai, ở cấp nào có liên quan thì ông Cự hãy chỉ ra. Ông Cự có quyền, có trách nhiệm và lòng tự trọng chỉ ra những người cùng với ông ta làm việc đó. Người nào có tác động mạnh mẽ nhất trong việc cho thuê đất 70 năm? Ông Cự chủ động, tích cực làm việc này nhưng chắc chắn phải có người hậu thuẫn, bật đèn xanh cho ông ấy".[4]

Ba là, ông Cự hiểu rất rõ vì cái "trách nhiệm tập thể" ấy mà việc "xử" sẽ không dễ dàng gì, bởi sự ràng buộc nhằng nhịt những mối quan hệ "dây mơ rễ má", điều mà đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đặt nghi vấn có tiêu cực, “lót tay” trong vụ Formosa.[7] Đại biểu Dương Trung Quốc cũng đã cảnh báo, nếu không xử lý nghiêm thì sẽ dẫn đến tình trạng "hòa cả làng".[5]

Có lẽ ông Cự học được bài học này từ tiền nhân, như dân gian nói "rút dây động rừng"?

Bởi thế, khi trả lời phỏng vấn của báo chí, ông tỏ ra hăng hái, quyết liệt, nào là "không né tránh, không đùn đẩy", "không thể đứng ngoài cuộc", "phải phản ánh tâm tư nguyện vọng của dân"

Và ông cao giọng: "Đây cũng là bài học xương máu, không chỉ riêng dự án này mà để các dự án tiếp theo, không thể bằng mọi giá mà phải đảm bảo phát triển bền vững, môi trường, xã hội, đảm bảo quyền lợi cho dân".

Một độc giả trên Faceebok bình luận: "Đó là điều nhân dân mới có quyền nói, vì ông hiện không đủ tư cách nói câu này! Đừng có rước họa vào đất nước rồi lại vẫn quen lên giọng giảng dạy...".

Những lời lẽ "có gang có thép" của ông Võ Kim Cự chẳng khác gì một sự thách thức luật pháp và dư luận để rồi trong cơn say thành tích rước Formosa về đem đến cho "hàng chục vạn lao động của Hà Tĩnh và các tỉnh thành có việc làm, tạo ra nguồn thu lớn cho tỉnh"[1] ông quên mất điều đơn giản nhất - một lời xin lỗi về trách nhiệm của cá nhân ông trước nhân dân về thảm họa môi trường khủng khiếp chưa từng có ở Việt Nam khiến hàng triệu đồng bào lâm cảnh bần hàn vì mất kế sinh nhai và nòi giống các thế hệ tương lai bị đe dọa bởi chất thải độc hại từ Formosa.

Nguyễn Duy Xuân

Nguồn tham khảo:

[1]. http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20160724/ong-vo-kim-cu-neu-khong-co-su-co-formosa-tao-nguon-thu-lon/1142761.html

[2]. http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/317425/van-ban-con-nguyen-day-chua-bo-nao-khong-dong-y-formosa.html

[3]. http://motthegioi.vn/thoi-su-c-66/ong-vo-kim-cu-chinh-thuc-thong-tin-viec-cap-phep-cho-formosa-38696.html

[4]. http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20160726/ong-cu-tra-loi-nhu-lay-thung-up-voi/1143484.html

[5]. http://vov.vn/xa-hoi/ong-duong-trung-quoc-phan-hoi-phat-ngon-cua-ong-vo-kim-cu-ve-formosa-533902.vov

[6]. http://vov.vn/xa-hoi/vu-formosa-dung-quy-trinh-nhung-thay-hai-cho-dan-thi-can-bac-bo-534118.vov

[7]. http://cand.com.vn/Su-kien-Binh-luan-thoi-su/Dai-bieu-nghi-ngo-co-tieu-cuc-lot-tay-trong-vu-Formosa-401281/