Xem xét tư cách ĐBQH Phan Thị Mỹ Thanh: Các cơ quan đang tiến hành

(Dân trí) - Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, với đề xuất của một số cử tri Đồng Nai về việc bãi miễn tư cách đại biểu Quốc hội với bà Phan Thị Mỹ Thanh – Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh này, các cơ quan chức năng đang tiến hành các việc cần thiết, xong quy trình sẽ báo cáo Quốc hội sau.


Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì cuộc họp báo trước kỳ họp thứ 4 của Quốc hội.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì cuộc họp báo trước kỳ họp thứ 4 của Quốc hội.

Đây là nội dung báo giới đặt câu hỏi với ông Nguyễn Hạnh Phúc tại cuộc họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XIV diễn ra chiều ngày 20/10.

Cụ thể, bà Phan Thị Mỹ Thanh – Phó Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Nai, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh này vừa qua bị Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật với hình thức cảnh cáo vì vi phạm nghiêm trọng các quy định pháp luật trong quá trình đảm nhiệm công tác. Trước kỳ họp, qua hoạt động tiếp xúc cử tri, nhiều cử tri đã đặt vấn đề cần xem xét tư cách đại biểu Quốc hội với bà Thanh vì không còn uy tín sau khi bị kết luận và kỷ luật về những sai phạm.

Xác nhận việc đại biểu Quốc hội Phan Thị Mỹ Thanh bị thi hành kỷ luật cảnh cáo vừa qua, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, việc xem xét các vấn đề tiếp theo với bà Thanh, các cơ quan chức năng đang tiến hành. Xong quy trình cần thiết, việc này sẽ được báo cáo với Quốc hội sau.

Cụ thể, ông Nguyễn Hạnh Phúc nói: “Các cơ quan liên quan đến công tác quản lý cán bộ thì đang xem xét vấn đề của bà Phan Thị Mỹ Thanh, trong đó vai trò của cơ quan MTTQ quan trọng, cử tri, nhân dân cũng quan trọng. Vừa qua tôi nghe thông tin cử tri Đồng Nai, TPHCM đề nghị bãi miễn tư cách đại biểu Quốc hội với bà Thanh thì cũng phải chờ xem xét qua quy trình đó, không tự nhiên bãi miễn đại biểu được”.

Thông tin về chương trình kỳ họp thứ 4, Phó Tổng Thư ký Quốc hội Lê Bộ Lĩnh cho biết, trong khoảng 26 ngày làm việc chính thức, Quốc hội dự kiến dành 11 ngày làm việc để xem xét thông qua và cho ý kiến các dự án luật (có 6 dự án đã từng cho ý kiến tại kỳ họp trước và 9 dự án luật khác), trong đó có 1 số dự án quan trọng như Luật Quy Hoạch (đã cho ý kiến qua 2 kỳ họp), luật Quản lý nợ công, luật Các tổ chức tín dụng, luật Bảo vệ bí mật nhà nước, luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi), luật Tố cáo, luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt…

Ngoài công tác lập pháp, đây là kỳ họp cuối năm, theo thông lệ, Quốc hội sẽ xem xét kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và phân bổ ngân sách năm 2018.

Về công tác giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, Quốc hội sẽ thảo luận xem xét kết quả phát triển kinh tế xã hội năm 2017, báo cáo kết quả thực hiện ngân sách năm 2017, báo cáo công tác phòng chống tội phạm, phòng chống tham nhũng 2017. Tại kỳ họp này, Quốc hội cũng thực hiện giám sát tối cao về việc thực hiện chính sách pháp luật, cải cách bộ máy nhà nước 2011-2016.

P.Thảo