Thống nhất dùng 500 triệu USD từ Formosa đền bù tập trung cho dân
(Dân trí) - Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình quán triệt, khoản tiền 500 triệu USD Formosa đền bù sự cố ô nhiễm biển miền Trung trước hết là bồi thường thiệt hại cho dân, cần tập trung triển khai ngay. Bộ trưởng Nông nghiệp Cao Đức Phát khẳng định đã chuẩn bị sẵn sàng phương án để trình Chính phủ ngay trong đầu tháng 7…
Nội dung làm việc sau cùng của Chính phủ trong phiên họp thường kỳ tháng 6 chiều muộn ngày 1/7, các thành viên Chính phủ, UB MTTQ Việt Nam thống nhất quan điểm sử dụng khoản tiền 500 triệu của Fomosa USD đền bù thiệt hại gây ra trong sự cố cá chết bất thường dọc biển miền Trung.
Không để thất thoát tiền đền bù
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh, việc sử dụng số tiền 500 triệu USD bồi thường của Formosa phải được xử lý đúng.
"Trước hết là bồi thường thiệt hại cho dân, đây là việc cần tập trung. Việc này phải xác định đúng, chính xác, dựa trên cơ sở hướng dẫn kê khai đúng thiệt hại thực tế. Bộ NN&PTNT chủ trì, Bộ Công thương cũng phải tham gia vì có những ngành nghề khác cũng bị ảnh hưởng như diêm dân, dịch vụ, du lịch. Đảm bảo không để thất thoát trong hỗ trợ", ông Trương Hòa Bình nói.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng nhắc lại chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu ra là hỗ trợ về tín dụng để ngư dân có thể trở ra biển, bồi thường cải tạo môi trường biển trong đó có tẩy rửa biển, trang thiết bị quan trắc môi trường biển, trồng lại san hô, tái tạo cá biển, thủy sinh...
Theo Phó Thủ tướng, những việc này đòi hỏi chi phí cao nhưng cũng tạo ra thêm việc làm cho người dân.
Liên quan đến vấn đề sinh kế lâu dài cho người dân bị ảnh hưởng vì biển ô nhiễm, một phần tiền cũng sẽ được dùng để hỗ trợ người dân cũng có yếu tố chuyển đổi nghề nghiệp sang khu vực dịch vụ, thương mại, nông nghiệp công nghệ cao...
Một việc khác Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình lưu ý là Chính phủ cần tiến hành rà soát thể chế, tiêu chuẩn, quy chuẩn của nhà nước để kiểm soát các DN, cơ sở sản xuất có xả thải gây ô nhiễm ra môi trường, đảm bảo đúng pháp luật, có quy trình và công nghệ kiểm soát.
Bài học được rút ra sau sự cố, về công tác quản lý, theo Phó Thủ tướng là kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh các cơ sở đang sản xuất, và phòng ngừa những cơ sở có thể phát sinh, khâu phê duyệt dự án cũng phải đảm bảo môi trường, cũng như rút kinh nghiệm để ứng phó các sự cố tương tự trong tương lai, nhanh chóng không để bị động.
Phó Thủ tướng cũng nêu ý kiến về việc thanh tra, kiểm tra xem trong quá trình cấp phép cho Formosa có tiêu cực không, nếu có phải xử lý, người dân cũng mong đợi việc này.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết ông đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại đánh giá lại thiệt hại cho ngư dân, cơ cấu lại nợ, miễn lãi và cho vay mới, cũng như cho vay thu mua hải sản...
Đã chuẩn bị sẵn sàng phương án
Chủ tịch UB Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân kiến nghị, bên cạnh việc hỗ trợ phát triển đội tàu, đóng tàu mới, huấn luyện thuyền viên, thuyền trưởng, khôi phục nuôi trồng thủy hải sản, thu mua tạm trữ, phát triển dịch vụ du lịch biển..., Chính phủ cũng cần công bố vùng ngư trường đánh bắt hải sản không an toàn nếu có để người dân tránh và yên tâm đánh bắt hải sản ở những nơi an toàn, được chứng nhận, từ đó ổn định thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Ông cũng kiến nghị ngành giáo dục xem xét miễn, giảm các khoản đóng góp đầu năm học mới tới đây đối với những gia đình học sinh bị ảnh hưởng, thiệt hại bởi sự cố cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung.
Tiếp nhận các ý kiến đóng góp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cam kết thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng về việc lên kế hoạch sử dụng khoản tiền 500 triệu USD. Ông Phát khẳng định, nửa đầu tháng 7 sẽ gấp rút hoàn thiện chính sách hỗ trợ ngư dân.
“Thực tế là chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng rồi, bây giờ trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng và góp ý, chúng tôi sẽ hoàn thiện để sớm trình lên Chính phủ”, ông Phát nói.
Đối với việc xây dựng, cải tạo các cảng cá ở miền Trung, Bộ trưởng Phát cho biết đã có chủ trương sử dụng vốn ODA để làm.
"Rủi ro của không quân rất lớn"
Báo cáo cập nhật về việc khắc phục sự cố 2 máy bay quân sự Su-30MK2 và Casa-212 bị rơi liên tiếp, Trung tướng Lê Chiêm – Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, đến thời điểm này, máy, động cơ, 2 hộp đen của máy bay Casa đã được trục vớt thành công. Lực lượng cứu nạn cũng xác định được vị trí của máy bay Su, sẽ tiến hành trục vớt trong những ngày tới.
“Chúng tôi xác định đây là tai nạn nghiêm trọng mà từ trước đến nay chưa có. Thiệt hại về người là rất lớn, thiệt hại tài sản cho quốc gia cũng rất lớn là 2 máy bay hiện đại" – tướng Chiêm nói.
Theo Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, từ năm 2000 đến nay, ta có 29 vụ tai nạn với 38 phi công nhưng chưa có vụ nào nghiêm trọng như vậy. Ở các nước như Nga, Mỹ, trung bình 9.000-16.000 giờ bay có một vụ tai nạn, ở Việt Nam là 12.360 giờ có một vụ tai nạn.
Rủi ro của ngành không quân, theo Thứ trưởng Lê Chiêm là rất lớn, cũng tạo một tâm lý rất lớn trong quân đội.
Sau khi tổ chức mai táng nghiêm túc, tình cảm cho 8 liệt sĩ Casa-212 và 1 liệt sĩ Su-30MK2, việc tiếp theo, tướng Chiêm báo cáo, là giải quyết chế độ chính sách cho gia đình, người thân của các quân nhân.
Thứ trưởng Quốc phòng cho biết, hoàn cảnh của 9 đồng chí đều éo le, vợ chưa có công ăn việc làm, con còn nhỏ, gia đình neo đơn. Hiện một số nơi đã hỗ trợ các gia đình, để lại ấn tượng rất tốt trong quân đội. Ngành sẽ tiếp tục làm tốt hơn nữa chính sách hậu phương quân đội.
Quân ủy Trung ương cũng xác định tiếp tục tìm kiếm quân nhân cuối cùng của Casa-212 và trục vớt máy bay Su30. Sau đó sẽ tiến hành giải mã, nghiêm túc rút kinh nghiệm, làm rõ vấn đề, tìm nguyên nhân chủ quan, khách quan.
Một lần nữa nhắc lại nhận định đây là một sự cố đặc biệt nghiêm trọng, Trung tướng Lê Chiêm cho biết, nếu để kéo dài, việc này sẽ ảnh hưởng đến nhiều vấn đề, trong đó có tâm lý cán bộ, chiến sĩ, niềm tin của toàn Đảng, toàn dân đối với lực lượng quân đội, đặc biệt là khi lực lượng này đang tiến lên chính quy, hiện đại.
P.Thảo