Thừa Thiên Huế:
Tham nhũng nhỏ cũng cần rốt ráo xử lý
(Dân trí) - Ngày 3/8, Đoàn công tác của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do ông Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao làm Trưởng đoàn đã tham dự, chỉ đạo Hội nghị Triển khai kế hoạch kiểm tra, giám sát tại tỉnh Thừa Thiên Huế.
Tại Hội nghị triển khai, ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, Phó trưởng Đoàn công tác đã công bố Kế hoạch và Quyết định của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng về việc thành lập Đoàn công tác (số 5) kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm tại tỉnh Thừa Thiên Huế.
Theo kế hoạch, Đoàn công tác số 5 do ông Nguyễn Hòa Bình đứng đầu sẽ tiến hành kiểm tra, giám sát tại tỉnh Thừa Thiên Huế từ ngày 7/8 đến ngày 11/8 sắp tới đối với các cơ quan: Ban Nội chính Tỉnh ủy, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Thanh tra tỉnh, Công an tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Cục Thi hành án dân sự tỉnh, Sở Giao thông vận tải và Ban Thường vụ Thành ủy Huế.
Báo cáo với ông Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế cho biết đã tiến hành 7 cuộc kiểm tra việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác phòng chống tham nhũng; tiến hành giám sát 53 tổ chức đảng và 25 đảng viên; kiểm tra 6 tổ chức đảng và 17 đảng viên.
Việc kiểm tra, giám sát tập trung vào việc chấp hành Điều lệ Đảng, Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong việc quản lý kinh tế và sử dụng tài chính... Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế cũng đã tiến hành kiểm tra và chỉ đạo kiểm tra 378 đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm.
Qua công tác kiểm tra, giám sát đã phát hiện 6 tổ chức đảng và 48 đảng viên có khuyết điểm, sai phạm; xử lý kỷ luật 1 tổ chức đảng (khiển trách) và kỷ luật 24 đảng viên.
Ngành Thanh tra trong thời gian qua đã tiến hành 474 cuộc thanh tra kinh tế - xã hội, qua thanh tra đã phát hiện 814 đơn vị có sai phạm với tổng số tiền gần 113 tỷ đồng, hơn 21.000 m2 đất ở và gần 4.300 hecta đất nông, lâm, ngư nghiệp; chuyển 15 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra các cấp. Các sai phạm chủ yếu tập trung ở lĩnh vực đầu tư xây dựng, quản lý đất đai và quản lý tài chính ngân sách.
Cơ quan điều tra đã giải quyết 32 tin báo, khởi tố 34 vụ/48 bị can; trong đó tội phạm về tham nhũng, chức vụ 15/18 bị can, tội phạm về trật tự quản lý kinh tế 19 vụ/30 bị can. Viện Kiểm sát nhân dân đã giải quyết 22 tin báo; thụ lý kiểm sát điều tra 33 vụ/49 bị can về các tội tham nhũng, kinh tế; Tòa án nhân dân hai cấp thụ lý 32 vụ án.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình đã ghi nhận, đánh giá cao Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế đã triển khai nghiêm túc Kế hoạch kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo; đồng thời, chỉ ra kết những tồn tại, hạn chế trong công tác phòng, chống tham nhũng của tỉnh thời gian qua, nhất là trong lĩnh vực điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.
“Đây là những vấn đề được người dân quan tâm hiện nay. Tuy là địa phương để xảy ra những vụ việc tham nhũng nhỏ, nhưng tỉnh cần xử lý rốt ráo, hiệu quả, đúng người, đúng tội để lấy lại niềm tin trong Nhân dân.
Cuộc đấu tranh chống tham nhũng, mặc dù chúng ta đã làm được rất nhiều và có kết quả bước đầu rõ rệt, nhưng còn tồn tại và yếu trong phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử, đây là vấn đề rất được nhân dân và dư luận xã hội quan tâm.
Vì vậy, đòi hỏi cần phải thực hiện đều tay giữa các cơ quan; đồng thời, thông qua xử lý các vụ việc, chúng ta khẳng định với nhân dân quyết tâm thực sự trong đấu tranh chống tham nhũng và củng cố niềm tin của nhân dân vào cuộc đấu tranh này” – Bí thư Trung ương Đảng Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh.
Đại Dương