"Sẽ không còn chuyện viên kẹo socola nhập khẩu cần 13 chữ ký"
(Dân trí) - Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định như vậy tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2018 diễn ra chiều tối hôm nay, 2/2 khi nói về tinh thần chỉ đạo điều hành của Thủ tướng cho cả năm 2018. Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh sẽ là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ năm nay.
Chủ trì cuộc họp báo, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thông tin, Chính phủ thống nhất trong năm 2018 tập trung đánh giá triển khai nghị quyết 01 với chủ trương thể hiện trong 10 chữ "kỷ cương, liêm chính, sáng tạo, hành động".
Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ thảo luận về tình hình kinh tế xã hội tháng 1 với nhận định chung là việc thực hiện nhiệm vụ được tiến hành ngay từ ngày đầu tháng đầu của năm. Các bộ ngành đã hết sức chủ động triển khai thực hiện 242 nhiệm vụ Chính phủ giao các bộ ngành, địa phương. Từ những kết quả của 2017, cả nước bước vào 2018 với thế vững chắc, tự tin. Đà tăng trưởng 6 tháng cuối năm 2017, trong tháng 1/2018 vẫn giữ được.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng khái quát, tháng đầu tiên của năm trôi qua với liên tiếp những tin vui về kết quả về kinh tế xã hội, kết quả đội tuyển U23 Việt Nam giành được tại giải vô địch U23 Châu Á. Thắng lợi của đội tuyển cho thấy bài học của sự thành công đến từ việc tuân thủ trong chỉ đạo, tính kỷ luật cao, niềm tin và ý chí sắt đá.
“Thủ tướng cho rằng, người Việt Nam có thể làm nên rất nhiều điều kỳ diệu. Khi mọi người dân tin tưởng nhau, cùng hành động, ta có thể làm nên nhiều điều không tưởng. Thủ tướng đánh giá cao không khí đem lại từ thắng lợi của U23 làm trỗi dậy sự quyết tâm, niềm tin của dư luận cả nước” – người phát ngôn Chính phủ nói.
Dù có nhiều kết quả tích cực trong tháng 1 nhưng Thủ tướng cũng nhắc nhở các bộ ngành, cơ quan không được chủ quan, lơ là, luôn phải cảnh giác xử lý các tình huống phát sinh của tình hình chung thế giới và khu vực. Chủ nhiệm Văn phòng nhắc lại: “Thủ tướng cũng nhiều lần nhấn mạnh phát huy tinh thần làm việc như của đội U23 Việt Nam, đó là ý chí tinh thần, tính kỷ luật, tính đồng đội và sự quyết tâm cao. Nếu có được những yếu tố đó thì trong mọi lĩnh vực hoạt động đều có thể thành công”.
Chưa tăng các loại thuế, phí
Thủ tướng yêu cầu đôn đốc thực hiện việc kiểm tra, đốc thúc từng cơ quan, lĩnh vực, tránh tình trạng “đầu năm thong thả, cuối năm vội vàng”. Thủ tướng yêu cầu mọi bộ ngành địa phương phải có kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết 01, người đứng đầu các cơ quan phải chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện các nhiệm vụ này.
Ưu tiên hàng đầu của 2018 mà người phát ngôn Chính phủ nhấn mạnh, là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để tạo đà cho những năm sau, cắt giảm các chi phí chính thức, không chính thức với người dân, doanh nghiệp…
Theo tinh thần này, Thủ tướng đã ký ban hành Nghị định 15 thay thế Nghị định 38 về điều kiện kinh doanh sản phẩm an toàn thực phẩm, giảm tới 90% các mặt hàng phải công bố tiêu chuẩn mà giao các địa phương, DN tự công bố. Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ phân tích, đây là sự thay đổi căn bản trong lĩnh vực kiểm soát thực phẩm nhập khẩu hiện nay, đẩy mạnh phân cấp từ cơ quan quản lý trung ương về cho các địa phương.
“Theo đó, việc 1 cái kẹo socola nhập khẩu về Việt Nam cần 13 chữ ký như hiện nay sẽ không còn nữa. Doanh nghiệp có quyền lựa chọn cơ quan công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm” – ông Dũng dẫn chứng.
Thay vì biện pháp kiểm tra chuyên ngành tràn lan, tinh thần với các cơ quan quản lý nhà nước là tập trung thực hiện các biện pháp hậu kiểm, kiểm tra xác suất. Theo tính toán của Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (ViCEM), thay đổi này sẽ giúp cắt giảm 2,8 triệu ngày công, tương đương 2.500 tỷ đồng.
Về công tác chuẩn bị phục vụ người dân đón Tết, người phát ngôn cho biết, Chính phủ nhận định, phần việc này được mọi cơ quan tập trung chăm lo, từ việc tặng quà, thăm hỏi người có công tới việc hỗ trợ người nghèo, người khó khăn… đều được chú trọng. Tinh thần chỉ đạo chung của Thủ tướng là “không để người nào bị đói, không để nhà nào không có Tết”.
Thủ tướng cũng khơi dậy mạnh mẽ tinh thần chủ động, bắt tay vào việc ngay cả trong Tết và sau Tết. Thủ tướng quán triệt chỉ đạo việc các địa phương không lên Hà Nội chúc tết Trung ương, lãnh đạo Trung ương cũng không đi chúc Tết địa phương mà chỉ thăm tặng quà các đơn vị trực Tết. Ngoài ra, Thủ tướng nhất quyết cấm việc sử dụng xe công đi lễ hội, chấn chỉnh các lễ hội mà dư luận quan tâm, nhất là lễ hội nhạy cảm. Thủ tướng giao Bộ trưởng Văn hoá xoá bỏ lễ hội lợi dụng dể kinh doanh mà không đúng với thuần phong mỹ tục.
Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu các cơ quan bộ ngành tập trung để lo cho người lao động, từ việc xe cộ về quê, lương thưởng tết… làm sao đảm bảo để động viên được người công nhân, sao để ai cũng được về nhà, ai cũng được sum họp gia đình, đón tết đầm ấm. Điều đó đồng nghĩa với việc phải kiểm soát, phải giảm thiểu được tai nạn giao thông để đảm bảo an toàn tính mạng của người dân trong kỳ nghỉ lớn nhất năm.
Trong dịp Tết, Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh công tác bảo đảm an ninh trật tự xã hội, đẩy mạnh tấn công trấn áp tội phạm, nhất là tội phạm sử dụng vũ khí nóng, tệ nạn đua xe trái phép…
Thủ tướng cũng chỉ đạo chưa tăng các loại thuế, phí có liên quan.
Ngoài ra, lãnh đạo Chính phủ giao Bộ giao thông rà soát lại toàn hệ thống các trạm BOT, từ việc kiểm toán đầu vào tới vấn đề nghe, xử lý ý kiến người dân, chuẩn bị biện pháp xử lý tình trạng mất an ninh trật tự, xử lý các đối tượng gây rối… để đảm bảo sự thông suốt của giao thông trong dịp Tết.
P.Thảo