Quyết định “bẻ lái con tàu đất nước” 30 năm trước
(Dân trí) - Trước Đại hội VI, đất nước khủng hoảng trầm trọng, trong Đảng có hai luồng ý kiến giằng co gay gắt, một bảo thủ, một quyết tâm đổi mới. Trên cương vị người đứng đầu, Tổng Bí thư Trường Chinh cùng đội ngũ lãnh đạo đất nước đã quyết định “bẻ lái”...
Tối qua 21/1, chương trình nghệ thuật “Mãi mãi niềm tin theo Đảng” chào mừng 87 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2017), do Tạp chí Cộng sản, Đài truyền hình Việt Nam và tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam tổ chức đã diễn ra trang trọng tại Nhà hát Lớn, Hà Nội.
“Mãi mãi niềm tin theo Đảng” đã tái hiện lịch sử đấu tranh và trưởng thành vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây cũng là dịp để khắc sâu, ôn lại truyền thống vẻ vang và những bài học quý báu của Đảng, đặc biệt là nhìn lại chặng đường 30 năm đổi mới của đất nước.
Cuộc giằng co đổi mới - bảo thủ 30 năm trước
Giữa những năm 80 của thế kỷ trước, đất nước lâm vào khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng. Sản xuất trì trệ, bội chi ngân sách cao, lạm phát phi mã lên tới trên 700% dẫn tới "kinh tế khủng hoảng, lòng dân không yên".
Nguyên nhân gây nên những khó khăn, sau này được nhìn nhận công khai. Đó là cơ chế hành chính bao cấp, cộng với tệ quan liêu trong tất cả các ngành, nhất là trong lưu thông phân phối, đã làm trầm trọng thêm tình hình mất cân đối trong nền kinh tế.
Nhìn nhận lại thời kỳ đó, ông Phan Diễn (nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư) cho rằng: "Chúng ta đã có khuyết điểm rất lớn. Đó là đã quản lý rất kém cỏi kinh tế của nhà nước. Quản lý lỏng lẻo, dung túng cho rất nhiều sai phạm cùng những ưu ái vô lối... đã dẫn đến kết quả thành phần kinh tế nhà nước rất yếu kém".
Trước thềm Đại hội VI (năm 1986), trong Trung ương Đảng có hai luồng ý kiến giằng co quyết liệt, một bên là ý kiến của những người bảo thủ, một bên là xu hướng của những người quyết liệt đổi mới toàn diện.
"Người cầm cờ" khi đó là Tổng Bí thư Trường Chinh đã nêu tinh thần "nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật". Với tinh thần đó, ông cùng đội ngũ lãnh đạo đất nước đã viết lại báo cáo chính trị trình Đại hội VI.
Dũng cảm "bẻ lái con tàu đất nước" ở Đại hội VI
Đại hội VI diễn ra từ 15 đến 18/12/1986, trước yêu cầu bức thiết của tình hình thực tiễn, Đảng đã dũng cảm "bẻ lái con tàu đi lên của đất nước", trong đó nhấn mạnh việc đổi mới toàn diện, trước hết là đổi mới tư duy mà trọng tâm là đổi mới kinh tế.
Nhớ lại thời kỳ này, ông Trương Đình Tuyển (nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng bộ Thương Mại) cho rằng, đường lối đổi mới do Đại hội VI khởi xướng mang tính đột phá, là bước ngoặt và đầy dũng cảm. "Sở dĩ nói dũng cảm là bởi trước thời kỳ đó, từ năm 1975 đến năm 1985 chúng ta sống trong bầu không khí của sự tập trung, quan liêu bao cấp, để thay đổi nó không phải dễ dàng. Đây là một quá trình đấu tranh rất quyết liệt bởi tư duy, nếp sống này đã ăn sâu vào thói quen, suy nghĩ của nhiều người", ông Tuyển nói.
Là người trực tiếp làm việc trong tổ biên tập báo cáo Đại hội VI, ông Hà Đăng (nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng văn hóa Trung ương) cho rằng, thành công lớn nhất của Đại hội 6 là tư duy “nhìn thẳng và nói rõ sự thật”. “Giữa năm 1986, dự thảo báo cáo chính trị đã được công bố rộng rãi để lấy ý kiến, nhưng sau đó không được chấp nhận vì nó chưa thể hiện được tinh thần “nhìn thẳng và nói rõ sự thật” ", ông Hà Đăng kể lại.
"Tại Đại hội VI, mọi việc được nhìn thẳng, nhìn thật. Trong đó chỉ ra, sai lầm chúng ta mắc phải là nghiêm trọng, kéo dài về chủ trương, chính sách, chỉ đạo chiến lược, tổ chức thực hiện. Sai lầm lãnh đạo kinh tế bắt nguồn từ những khuyết điểm trong hoạt động tư tưởng, tổ chức cán bộ và đó là nguyên nhân của mọi nguyên nhân. Điều này mở ra một cái mới để giải quyết tình hình thực tiễn”, ông Hà Đăng nói.
Sự mạnh dạn của quá trình đổi mới đã mang lại diện mạo mới với những ý nghĩa, thành tựu to lớn cho đất nước. Sau 30 năm, Việt Nam đã sang một trang sử mới khi đất nước thoát khỏi khủng hoảng xã hội và tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển với thu nhập đầu người bình quân 2.000 USD/năm, đời sống nhân dân, vị thế của đất nước được nâng cao trên trường quốc tế.
Hà Trang