Phụ cấp cho đại sứ Việt Nam: Chưa chắc đã bằng trợ cấp thất nghiệp ở nước ngoài
(Dân trí) - Ngày 3/11, Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài. Nhiều đại biểu đã nhất trí việc hỗ trợ học phí, chi phí mua bảo hiểm y tế đối với con chưa thành niên đi cùng đại sứ.
Bày tỏ quan điểm đồng tình với với việc hỗ trợ chi phí cho con chưa thành niên đi cùng thành viên cơ quan đại diện cũng như chi phí bảo hiểm, đại biểu Nguyễn Văn Bình (Hải Phòng) cho rằng, theo Luật Bảo hiểm y tế hiện hành, trẻ em dưới 6 tuổi học được đảm bảo việc khám chữa bệnh, học sinh tiểu học không phải đóng học phí.
Trong khi đó số lượng trẻ em đi theo cha, mẹ làm ở cơ quan đại diện cũng không nhiều cho nên việc hỗ trợ 100% học phí là hợp lý. Thực hiện chính sách này, theo ông Bình, cũng không gây tác động lớn.
Đại biểu Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng) cũng phân tích, phụ cấp người đi công tác tại cơ quan đại diện so với thu thập bình quân trong nước có thể cao nhưng để tiêu ở nước sở tại chưa chắc đã bằng trợ cấp thất nghiệp ở nước đó. Do đó, cần có nhận thức rằng đưa cán bộ ra người ngoài làm cũng cần tạo vị thế tương đối phù hợp nước sở tại.
“Với mức phụ cấp này, đưa vợ, con đi cùng trong nhiệm kỳ công tác, anh em phải rất tiết kiệm, phải đun nấu trong phòng… có thể nhìn thấy rất nhiều vấn đề”- ông Kiên nhận định.
Chung quan điểm, đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) nói: “Cần đưa quy định hỗ trợ vào trong Luật cơ quan đại diện ở nước ngoài để Chính phủ có cơ sở xây dựng quy định chi tiết chế độ cho cán bộ. Hiện nay trẻ mầm non trong nước được miễn nhiều khoản trong khi chỉ hỗ trợ một phần cho người nhà các cán bộ ngoại giao vẫn là khó khăn”.
Là người từng công tác trong ngành ngoại giao nhiều năm đại biểu Đào Việt Trung (Nam Định) – Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước đánh giá, luật lần này có nhiều điểm quan trọng, khá toàn diện và là bước tiến pháp lý, tạo hành lang pháp lý cho cơ quan đại diện ở nước ngoài hoạt động. Đặc biệt quy trình bổ nhiệm đại sứ do UB Thường vụ Quốc hội phê chuẩn và Chủ tịch nước ký quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm là khá chặt chẽ.
Đại biểu Sùng Thìn Cò (Hà Giang) tiêu chuẩn chọn đại sứ phải là người có phẩm chất chính trị, trung thành với Đảng, Tổ quốc, nhân dân. Phải là người có năng lực trình độ phù hợp, hiểu biết pháp luật Việt Nam, nắm vững chủ quyền lãnh thổ biên giới Tổ quốc, và làm thế nào để cả thế giới đồng tình ủng hộ mình thì chúng ta mới có thắng lợi.
“Cần nắm vững pháp luật nước sở tại vì chế độ chính trị khác biệt. Nếu làm tốt nắm được các cái đó nghĩa là đã bảo vệ đất nước từ xa, để cho nhân dân no ấm hạnh phúc”, vậy nên theo ông Cò, chế độ chính sách dành cho các đại sứ không nên quá khắt khe, có ưu tiên để họ yên tâm phụng sự đất nước
Giải trình những vấn đề đặt ra, Ủy viên Bộ chính trị, Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết, các đại biểu đều mong nước ta có đội ngũ đại sứ có tầm, đủ năng lực tại các nước cho nên trong luật lần này có bổ sung tiêu chuẩn các đại sứ, và tiêu chuẩn để phù hợp với các nước quan trọng. Theo Phó Thủ tướng, quy trình đề cử đại sứ rất chặt chẽ công phu được Chính phủ trình Ban tổ chức Trung ương, trình Ban bí thư rồi sang UB Thường vụ Quốc hội phê chuẩn, bổ nhiệm miễn nhiệm, sau đó Chủ tịch nước ra quyết định phê chuẩn, bổ nhiệm. Do đó các đại sứ được bổ nhiệm đều là người rất xứng đáng.
“Các đại sứ không chỉ được lựa chọn trong Bộ Ngoại giao mà còn lựa chọn từ Quốc hội, bộ, ngành nếu có tiến cử trong đó quy định lựa chọn để đủ tiêu chuẩn rất chặt chẽ. Trách nhiệm của cơ quan đại diện trong hỗ trợ các đoàn trong nước sang làm việc đó là nhiệm vụ đã được trao cho cơ quan đại diện cho nên rất các cơ quan đại diện rất quan tâm và thực hiện tốt. Về cơ bản việc sửa đổi luật này là để tạo điều kiện cho cơ quan ngoại giao thực hiện tốt nhiệm vụ được Đảng, nhà nước giao phó” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
P.Thảo