Phó Thủ tướng chỉ đạo việc phòng chống rửa tiền

(Dân trí) - Lãnh đạo Ban Chỉ đạo phòng, chống rửa tiền bao gồm Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Thống đốc Ngân hàng nhà nước, 2 Thứ trưởng Bộ Công an chủ trì phiên họp đầu tiên của Ban chiều nay, 19/6.

Phiên họp thứ nhất nhằm kiện toàn thành viên, bàn thảo quy chế làm việc và triển khai nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo.

Ban Chỉ đạo phòng, chống rửa tiền có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xây dựng chiến lược, chủ trương, chính sách, chương trình, kế hoạch, cơ chế và giải pháp trong công tác phòng, chống rửa tiền; chỉ đạo việc triển khai thực hiện nghĩa vụ thành viên của Việt Nam trong Nhóm châu Á-Thái Bình Dương về chống rửa tiền (APG) và kế hoạch tiến tới thực hiện đầy đủ Khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF); phối hợp với các lực lượng nòng cốt trong công tác chống khủng bố nhằm nghiên cứu, đề xuất với cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành chính sách pháp luật, chương trình, biện pháp chống tài trợ cho khủng bố trên lãnh thổ Việt Nam.


Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng các Phó Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống rửa tiền chủ trì phiên họp

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng các Phó Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống rửa tiền chủ trì phiên họp

Ban Chỉ đạo giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, ban hành chủ trương, chính sách về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng, chống rửa tiền phù hợp từng thời kỳ. Ngân hàng Nhà nước là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng làm Phó trưởng ban thường trực và Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an làm Phó trưởng ban.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rõ các nội dung quan trọng liên quan đến hoạt động của Ban Chỉ đạo là đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền và tài trợ khủng bố, hành vi rửa tiền liên quan đến hoạt động giao dịch trong lĩnh vực ngân hàng,... nhằm tham mưu tới Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách pháp luật phòng, chống, xử lý các vi phạm trong lĩnh vực này, bảo đảm thị trường tài chính, môi trường sản xuất kinh doanh lành mạnh, phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế, xã hội.


Phiên họp thứ nhất nhằm kiện toàn thành viên, bàn thảo quy chế làm việc và triển khai nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo.

Phiên họp thứ nhất nhằm kiện toàn thành viên, bàn thảo quy chế làm việc và triển khai nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo.

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố giai đoạn 2015 – 2020 do Thủ tướng Chính phủ ký ban hành đã giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền, Bộ Công an chủ trì đánh giá rủi ro quốc gia về tài trợ khủng bố.

Mục đích của đánh giá rủi ro quốc gia là nhằm xác định và đo lường các rủi ro về rửa tiền và tài trợ khủng bố của Việt Nam, từ đó có biện pháp khắc phục và giải quyết đối với các rủi ro này. Đây cũng là yêu cầu đầu tiên và quan trọng mà các chuẩn mực quốc tế về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố đưa ra và yêu cầu các quốc gia phải thực hiện. Thông tin trong báo cáo đánh giá rủi ro quốc gia sẽ được coi là nguồn tham khảo hữu ích cho Đoàn đánh giá của Nhóm châu Á – Thái Bình Dương về chống rửa tiền khi đánh giá cơ chế phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố của Việt Nam, dự kiến sẽ thực hiện vào quý IV/2019.

P.Thảo